"Sao" Việt ra biển lớn - Dấu hỏi vẫn còn hồ nghi
Giấc mơ vươn ra “biển lớn” của các nghệ sĩ đang gần hơn xưa rất nhiều nhưng có lẽ đó vẫn là những nhận định bề nổi?
Mới đây có hai sự kiện gây chú ý cho nhiều người. Thứ nhất là việc ca sĩ Hồ Ngọc Hà được mời tham dự chương trình Ngôi sao âm nhạc châu Á tại Bắc Kinh (Trung Quốc), kế tiếp đó là việc ca sĩ Mỹ Tâm đại diện Việt Nam tranh tài giải Best Worldwide Act ở giải thưởng âm nhạc MTV EMA 2013. Nhiều người cho rằng giấc mơ vươn ra “biển lớn” của các nghệ sĩ đang gần hơn xưa rất nhiều nhưng có lẽ đó vẫn là những nhận định bề nổi?
Thế giới càng phẳng thì các cuộc giao lưu âm nhạc giữa các quốc gia càng rộng mở hơn. Tuy vậy, để ra được “biển lớn” không đơn giản.
Ra biển
Việc Hồ Ngọc Hà biểu diễn ở Bắc Kinh mới đây đã tạo tò mò cho nhiều người. Cô đại diện cho Việt Nam biểu diễn trong một chương trình lớn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), với sự tham dự của nhiều ngôi sao châu Á. Nếu xét theo mặt truyền thông thì đó là một thành công của Hồ Ngọc Hà khi cô được nhắc đến khá nhiều.
Nhưng để nói về cách mà Hà muốn đưa tên tuổi mình ra ngoài biên giới thì cũng cần nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên cô tiến ra bên ngoài. Năm 2009, cô đã từng đại diện Việt Nam tranh tài tại Festival Âm nhạc châu Á diễn ra ở Hàn Quốc. Nhưng đến giờ những tiếng gọi từ bên ngoài vẫn chưa vang lại.
Ca sĩ Mỹ Tâm nhận giải Ca sĩ xuất sắc nhất tại giải thưởng MTV Việt Nam 2011 nhưng để có mặt tại giải MTV EMA 2013 là một chuyện không hề đơn giản. |
Nhạc phổ thông Việt vào thời nào, dù thịnh hay suy, cũng đều có những ước mơ vươn ra thế giới. Mỹ Tâm cũng thế. Không phải bây giờ mà ngay từ khi mới bắt đầu nổi tiếng, Mỹ Tâm cũng đã thử vươn ra bên ngoài. Năm 2000, cô đã từng đi thi Liên hoan Giọng ca vàng châu Á tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và giành được Huy chương đồng.
Và tiếp theo sau đó là một loạt những giải thưởng âm nhạc trong nước cũng như quốc tế đã gọi tên Mỹ Tâm mà cao nhất là giải Nghệ sĩ châu Á xuất sắc nhất tại giải thưởng âm nhạc MAMA (Hàn Quốc) năm 2012.
Mỹ Tâm không lạ với những giải thưởng quốc tế và vì thế cô cũng sẽ hiểu rằng giải thưởng tại MTV sắp tới không phải là cuộc thi cân sức. Giải Best Worldwide Act của MTV là một giải mang tầm quốc tế nhưng nó hoàn toàn phụ thuộc vào fan.
Cần biết rằng, để có mặt tại đó thì Mỹ Tâm đại diện cho Việt Nam phải “đấu” nhiều vòng. Nếu ở các năm trước, đại diện khu vực Đông Nam Á chỉ là cuộc đua tranh của 5 nước Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia và Thái Lan, thì nay Việt Nam là một gương mặt mới nâng tổng số đại diện của Đông Nam Á lên thành 6 nghệ sĩ. Đây cũng là lần đầu tiên khu vực châu Á - Thái Bình Dương được cử đến 3 đại diện từ 3 cụm, thay vì 1 như năm trước.
Nếu chiến thắng các đối thủ từ Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong, thì Mỹ Tâm mới tiến thẳng được đến Amsterdam, Hà Lan để tranh giải với thế giới. Điều này là rất khó. Cần nhớ rằng năm đầu tiên của giải thưởng này (2011), nhóm Big Bang (Hàn Quốc) đã đè bẹp ngay cả công chúa nhạc pop Britney Spears với số phiếu kỷ lục, 158 triệu phiếu. Năm 2012, nghệ sĩ thứ hai nhận giải Best Worldwide Act chính là Han Geng, cựu thành viên của nhóm Super Juniors khi anh đánh bại cả Rihanna.
Chỉ cần Mỹ Tâm thắng ở khu vực Đông Nam Á đã là một sự thành công và câu trả lời thật sự phải đợi đến giữa tháng 9 tới khi kết quả vòng 1 được công bố.
Sóng to?
Hơn 5 năm trước Minh Thư đã từng tiến vào MTV Thái Lan nhưng sau đó là sự im lặng. Cách đây gần tròn 10 năm (2004), Hồ Quỳnh Hương cũng đã từng đoạt Huy chương vàng Liên hoan Âm nhạc mùa Xuân Bình Nhưỡng (Triều Tiên) nhưng đường ra biển của cô vẫn không xa hơn được. Xa hơn nữa, năm 1999, ca sĩ Hiền Thục đã đoạt giải Giọng ca trẻ châu Á và Ca sĩ biểu diễn có hình tượng đẹp nhất trong cuộc thi Giọng ca trẻ châu Á tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Đó là những thực tế đã từng được thấy và chứng minh. Ngoài ra, còn rất nhiều những tuyên bố nhưng chưa bao giờ thấy thành hiện thực. Cách đây cũng khá lâu, nhóm 5 Dòng Kẻ bảo rằng đang có một nhân vật đứng đằng sau nhóm nhạc Latin nổi tiếng, Gypsy Kings, đã gặp và có những lời khen tặng xứng đáng kèm theo lời hẹn gặp ở Pháp cho một sự hợp tác. Thời gian trôi qua, dự án ấy vẫn chẳng thấy tăm hơi. Lùi xa hơn một chút, nhóm Trio 666, MTV với ông bầu Tuấn Khanh thời ấy gây được khá nhiều sự tò mò khi tuyên bố được Đài Truyền hình RAI của Italia và MTV châu Á mời lên sóng như là đại diện ưu tú của nhạc trẻ Việt…
Chiếc vé đi vào khu chợ âm nhạc toàn cầu hay chỉ là một góc khu vực bấy lâu nay vẫn được khoác cho mình giá trị WTO, một giá trị mà nhiều người lầm tưởng rằng có nó, mọi cánh cửa đều mở. Ngay như Mỹ Linh, Thanh Lam với những dự án âm nhạc nghiêm túc hoặc các sản phẩm âm nhạc chất lượng, cầm chiếc vé WTO đến giờ vẫn chưa thể làm nên chuyện lớn.
Nhạc sĩ Quốc Trung luôn mơ ước được tham dự các liên hoan âm nhạc quốc tế. Nhưng không phải lúc nào anh cũng có cơ hội đưa Vọng nguyệt của mình tới tham dự một chương trình như Liên hoan Âm nhạc Roskilde (Đan Mạch, năm 2006). Đó là họ đi cửa chính ngạch như là những đại diện thực sự của âm nhạc Việt. Quốc Bảo, Trần Mạnh Tuấn, những nhạc sĩ, nghệ sĩ tiên phong trong chuyện đem nhạc Việt ra thị trường lớn bằng ngả bán sản phẩm qua mạng đến giờ vẫn chỉ xem đây là một “thử nghiệm”…
Đã có quá nhiều tuyên bố nhưng âm thanh dội lại vẫn chưa có gì khả quan. Là sóng quá to hay lòng người ngại sóng? Hay nhạc Việt vẫn cứ có kiểu tư duy đi tắt đón đầu trong khi một nền âm nhạc chuyên nghiệp phải có nền móng vững vàng, nhưng rất tiếc đến nay chiếc móng ấy vẫn chưa định hình xong?./.