Sơn Tùng M-TP trần tình nghi án “đạo nhạc”, khán giả bức xúc
VOV.VN - Chính Sơn Tùng M-TP đã thừa nhận, hàng loạt các ca khúc hit do anh viết có “học hỏi” từ nhạc nước ngoài, đặc biệt là K-pop.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng của Sơn Tùng M-TP cũng đi cùng với nghi án “đạo nhạc” khi người hâm mộ dần phát hiện ra điểm giống nhau đến kỳ lạ giữa những ca khúc hit do anh sáng tác với nhiều ca khúc nhạc nước ngoài.
Sơn Tùng M-TP |
Khán giả đã phải giật mình khi “Cơn mưa ngang qua” có nhiều đoạn giống lời bài hát của nhóm Namolla Family (Hàn Quốc), “Nắng ấm xa dần” giống “Monologue” của As One, “Cơn mưa ngang qua 3” đạo “Remember” của Bang Yong Guk… Thậm chí, “Em của ngày hôm qua” còn có tạo hình, trang phục và cách quay MV giống với MV của nam ca sĩ G-Dragon (Hàn Quốc)…
Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, Sơn Tùng M-TP đã rất thản nhiên thừa nhận chuyện anh viết ca khúc có “học hỏi” từ nhạc nước ngoài. “Bản thân tôi bước ra từ giới Underground nên chỉ hoạt động âm nhạc với những gì mình mong muốn và yêu thích. Hồi sáng tác ca khúc ‘Em đừng đi’, tôi mới học lớp 11 - 12 và hoàn toàn chưa biết gì về showbiz nên đã sử dụng phần giai điệu có sẵn từ những beat miễn phí trên mạng".
Sơn Tùng cũng cho rằng, những ca khúc anh sáng tác đều có sự học hỏi và kế thừa âm nhạc quốc tế, đặc biệt là nhạc Hàn Quốc. Anh coi chuyện sử dụng lại beat nhạc trong ca khúc của mình là hết sức bình thường.
"Cơn mưa ngang qua" đạo bài hát của nhóm Namolia Family
Suy nghĩ ngô nghê của Sơn Tùng M-TP không chỉ phản ánh sự thiếu nghiêm túc khi làm nghề mà còn khiến hình ảnh của anh xấu đi trong mắt khán giả - những người đã luôn yêu mến ca khúc của anh.
Hơn thế, nhiều đồng nghiệp cũng bày tỏ bức xúc trước việc làm của Sơn Tùng M-TP. Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến bày tỏ trên trang Facebook: “Trời ơi, trí tuệ, các bạn có biết nó được trả bằng biết bao mồ hôi nước mắt hay không? Vậy mà những nhà làm luật Việt Nam chưa có những chế tài xử phạt thật nặng những tên đạo tặc trí tuệ dùng những sản phẩm ăn cắp đó để kiếm tiền phi pháp và thậm chí làm nhạt nhẽo, nông cạn hoá những tầng sâu tâm hồn của những người Việt trẻ tuổi. Không phải là thất vọng mà là rơi nước mắt. …”.
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương thì cho rằng: “Khán giả có quyền so sánh và đưa ra những nhận xét riêng về các bài hát. Ở Việt Nam, hiện tượng đạo nhạc ngày càng nhiều và công chúng cần phải biết tự chọn lọc cho mình những tác phẩm có giá trị thực sự. Các nhạc sĩ trẻ bây giờ tiện vì họ có Internet nhưng chính Internet lại khiến họ bị ảnh hưởng, tìm được luôn beat thì quá tốt. Viết nhạc cực khó, không đơn giản đâu. Nếu có ý lấy câu dạo của bài nào nổi tiếng vào bản phối của mình phải xin phép đàng hoàng”.
Việc đạo nhạc của Sơn Tùng M-TP lại một lần nữa làm dấy lên lo ngại về vấn đề tác quyền và bảo vệ tác quyền tại Việt Nam. Bởi thậm chí, Sơn Tùng M-TP đã 2 lần đoạt giải Bài hát yêu thích với những ca khúc bị nghi đạo nhạc là “Cơn mưa ngang qua” vào tháng 10/2012 và “Em của ngày hôm qua” (2/2014).
"Em của ngày hôm qua" đạo "Every night" của EXID
Trong Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 36/2008/CT-TTG về tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ngày 22/5 vừa qua, chính Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ Anh Tuấn đã phải thừa nhận: “Tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ khác nhau, làm ảnh hưởng đến hoạt động sáng tạo, môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và tiến trình hội nhập của đất nước”.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng: Quyền tác giả và quyền liên quan đến nay vẫn còn là một khái niệm chưa rõ ràng và chưa được phổ biến tại Việt Nam, khung giá cho việc thu phí bản quyền cũng chưa cụ thể, các luật về bảo hộ quyền tác giả chồng chéo, bất cập, cần có sự tập trung chỉ đạo hơn nữa của các cấp lãnh đạo để ngăn chặn vấn đề đạo nhạc. Đặc biệt hơn, vấn đề ý thức, trách nhiệm của mỗi người nghệ sĩ khi hoạt động âm nhạc phải được đặt lên hàng đầu.
Cũng không phải tự dưng mà mới đây, Bộ VHTT Hàn Quốc đã phải mở Văn phòng đại diện Ủy ban Bản quyền tác giả HQ tại VN sau nhiều năm cho phép Việt Nam sử dụng miễn phí các sản phẩm văn hóa Hàn Quốc. Điều đó cho thấy một phần nào đó, sự lạm dụng nhạc Hàn của các nghệ sĩ Việt, hay sự “giống nhau một cách kỳ lạ” trong âm nhạc đã bị nước bạn “chú ý”./.