Tân Nhàn: “Hát nhạc truyền thống không nghèo đâu!”
VOV.VN - Sau cuộc chơi với album nhạc truyền thống “Yếm đào xuống phố” và “Níu dải lụa đào”, Tân Nhàn hài hước chia sẻ: “hát nhạc truyền thống không nghèo đâu”.
Với nhiều ca sĩ đã có tên tuổi và bị định hình trong dòng nhạc dân gian như Tân Nhàn thì việc rẽ sang một dòng nhạc khác là sự mạo hiểm. Không chỉ mất công sức để tìm hiểu, học hỏi một dòng nhạc mới mà việc khán giả có đón nhận sự thay đổi của nghệ sĩ hay không cũng là một trở ngại không hề nhỏ.
Nhưng với Tân Nhàn, mọi thứ dường như thuận lợi hơn. Năm 2013, Tân Nhàn có cú chuyển mình bất ngờ khi ra mắt album “Yếm đào xuống phố” với cách hát chèo cổ theo phong cách Jazz. Cuối năm 2018, Tân Nhàn trở lại bằng “Níu dải lụa đào” – album gồm các làn điệu, bài dân ca cổ nổi tiếng.
Cả 2 album này đều nhận được phản hồi tốt của khán giả và giới chuyên môn. Sau 2 album, nữ ca sĩ còn khẳng định: hát nhạc truyền thống không nghèo đâu. Sự thành công của album mới nhất còn giúp cô có thêm tự tin để chuẩn bị thực hiện liveshow “Trở về” vào tháng 2 tới.
Tân Nhàn. |
“Tôi là người thích đi ngược với trào lưu”
Thường khi ra album mới, các nghệ sĩ sẽ chọn những dòng nhạc mới lạ hoặc đang thịnh hành nhưng Tân Nhàn lại quay về với âm nhạc cổ. Tân Nhàn tự nhận, cô là người thích đi ngược lại với trào lưu và cũng đang ở độ tuổi phù hợp để quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc truyền thống.
Trên thế giới, trở về với truyền thống đang là xu hướng. Nghệ thuật truyền thống góp phần tạo nên bản sắc văn hoá của đất nước, giống như nói đến Trung Quốc người ta nghĩ ngay đến kinh kịch. Vậy tại sao Việt Nam có rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như hát then, hát xẩm… lại ít được nhắc đến?
“Đó là lý do để tôi ấp ủ và nung nấu ý định về việc hát nguyên bản những bài ca, làn điệu cổ trong album “Níu dải lụa đào”. Tôi ước rằng, khi thế giới nghe quan họ, nghe chèo… người ta sẽ biết đến đây là Việt Nam” – Tân Nhàn chia sẻ.
Để làm album “Níu dải lụa đào”, Tân Nhàn đã mất 2 năm để “tầm sư học đạo”, tìm đến nghệ nhân ở các vùng miền để học hát các ca khúc, làn điệu cổ như chèo: “Đào liễu”, “Duyên phận phải chiều”; hát văn “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”; các làn điệu dân ca quan họ nổi tiếng như “Tương phùng tương ngộ”, “Lúng liếng”, “Ngồi tựa song đào”; bài xẩm chợ “Mục hạ vô nhân”; giá văn “Cô đôi thượng ngàn” lời cổ. Cô muốn được chắt lọc những tinh hoa, tinh túy từ thế hệ đi trước để học cách hát sao cho vừa ra chất cổ, vừa có cái hồn riêng của mình.
Tân Nhàn nói, người ta luôn ấn định rằng, âm nhạc truyền thống là một cái gì đó rất cũ và khó thưởng thức, chỉ những người xưa cũ mới thích. Nhưng kỳ thật, âm nhạc truyền thống vẫn có sức hút và có rất nhiều người trẻ cũng yêu thích nếu như chịu khó tìm hiểu. Cô muốn thông qua dự án này sẽ truyền cảm hứng đến những người xung quanh để yêu hơn nghệ thuật truyền thống.
“Có đi sâu vào lĩnh vực âm nhạc truyền thống mới thấy rằng, những khán giả đã yêu nghệ thuật truyền thống thì say mê và trung thành lắm. Tôi sẵn sàng hát miễn phí ở các chương trình âm nhạc truyền thống, sẵn sàng góp sức nhỏ của mình để cùng những người yêu nghệ thuật truyền thống “chấn hưng” di sản nghệ thuật quý giá của nước nhà”.
MV "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa" - Tân Nhàn
Ngay chính tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – nơi cô đang là giảng viên, cũng có rất nhiều học sinh đã yêu, say mê và đam mê nghệ thuật truyền thống từ sự “truyền lửa” của Tân Nhàn. Về nhà, cô cũng thấy chồng mình ngâm nga các làn điệu chèo dù anh là ca sĩ hát opera... những điều đó khiến cô cảm thấy hạnh phúc.
Trong tương lai, Tân Nhàn sẽ làm 1 đề tài, giáo trình cấp nhà trường về âm nhạc truyền thống, biên soạn những làn điệu, bài ca cổ một cách chỉn chu, bài bản để làm tài liệu tham khảo, học tập dành cho sinh viên, những ai yêu âm nhạc truyền thống.
“Hát nhạc truyền thống là sự hy sinh của nghệ sĩ”
Dù yêu thích và ấp ủ những dự án nghệ thuật lớn về âm nhạc truyền thống nhưng Tân Nhàn không phủ nhận, việc theo đuổi dòng nhạc này là sự hy sinh của người ca sĩ. Với tên tuổi và khả năng của Tân Nhàn, cô có thể ra những album dòng nhạc dân gian rồi chạy sô kiếm tiền chứ không cần đầu tư, suy tính gì nhiều để “đâm đầu” vào những thứ “khó nhằn” mà chưa chắc khán giả của cô đã đón nhận.
Cô chia sẻ: “Bình thường tôi cứ đi hát dòng nhạc của mình, sô của tôi vẫn dày đặc, đâu cần phải suy tính làm gì? Chính vì vậy, hát nhạc truyền thống là sự hy sinh về tiền, thời gian, công sức... cho đam mê của tôi”.
Tuy nhiên, gắn với âm nhạc truyền thống cũng không “nghèo” như mọi người nghĩ, Tân Nhàn tiết lộ album “Yếm đào xuống phố” của cô đã bán được rất nhiều và nếu ước tính thì số tiền bán đĩa đủ sống như một viên chức bình thường. Album được mang sang nước ngoài bán, thu tiền nhạc chuông, nhạc chờ và theo Tân Nhàn thì lượng bán không thua kém gì các album dòng nhạc dân gian của cô như: “Giọt thời gian” hay “Đường tàu mùa xuân”, “Hai quê”….
Album “Níu dải lụa đào” mới phát hành cũng được khán giả quan tâm nồng nhiệt. 5.000 đĩa in để tặng cho khán giả cũng đã hết. Nhiều bạn trẻ còn nhắn tin cho Tân Nhàn mong có đĩa nhưng không có. “Theo tôi, không phải âm nhạc truyền thống không “nuôi” được mình, quan trọng là mình làm tới đâu thôi” - Tân Nhàn khẳng định.
Mơ ước một liveshow chỉ hát âm nhạc truyền thống của Việt Nam
Thành công của “Níu dải lụa đào” cũng tạo cho Tân Nhàn sự tự tin để tổ chức liveshow “Trở về” sẽ diễn ra vào 23/2 tới tại Hà Nội. Nữ ca sĩ chia sẻ, ban đầu, cô dự định sẽ thực hiện một liveshow chỉ hát nhạc truyền thống, miêu tả sự đẹp đẽ và duyên dáng của nhạc truyền thống Việt Nam. Nhưng rồi, Tân Nhàn lại đổi ý.
“Tôi đến với nhạc truyền thống cũng chỉ trong thời gian mấy năm trở lại đây, và vẫn còn đang trên con đường đi chinh phục những khán giả của mình. Chính vì vậy, tôi mong khán giả nhớ về Tân Nhàn với hai phần không thể tách rời: Tân Nhàn với những ca khúc mang âm hưởng dân gian và Tân Nhàn với âm nhạc truyền thống của Việt Nam”.
Điều mong muốn nhất của Tân Nhàn là liveshow sẽ gây một tiếng vang để khán giả “giật mình”, để nhiều người sẽ quay lại với âm nhạc truyền thống. Lâu nay âm nhạc truyền thống phát triển nhỏ lẻ, manh mún, ở góc nào đó của sân khấu. Tân Nhàn nghĩ, mình cứ làm đi, làm hết sức có thể, trong tương lai cô muốn làm một liveshow chỉ hát nhạc truyền thống để tạo cảm hứng cho những lớp kế cận.
“Tôi tin chắc sau tôi, sẽ có thế hệ kế tiếp làm mới và vẫn giữ được bản sắc, giá trị của nhạc truyền thống. Đó là sự tiếp bước, là sự nối dài sức sống của âm nhạc truyền thống...” - Tân Nhàn tâm sự./.