Tiếng đàn, tiếng hát Xuân trong âm nhạc dân gian của 54 dân tộc
VOV.VN - Đàn ca, múa hát là những sinh hoạt văn nghệ của các dân tộc trên đất nước ta thường được tổ chức trong những ngày tết, ngày hội.
Nếu đồng bằng là quê hương của những điệu Hò, Lý, Cò lả, Trống quân, Quan họ, Chèo, Tuồng... thì miền núi và miền trung du là xứ sở của các làn điệu Thưởng, Rang, Bọ mẹng (Mường); Lượn, Then (Tày); Sli (Nùng); Dì kê (Khmer); Khắp (Thái)...
Nếu đàn Bầu là một trong những cây đàn điển hình, tượng trưng của người Kinh thì cây Tính tẩu của dân tộc Tày, dân tộc Thái; T’rưng, Klong pút, Cồng Chiêng của các dân tộc Tây Nguyên; Khèn của dân tộc Mông... là những nhạc cụ điển hình của các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh điệu múa Trống, múa Bông của dân tộc Kinh với âm thanh trống, chiêng, sênh tiền, mõ... rộn rã, thì lại có nhịp đập khi khoan, khi nhặt của những ống tre, đầu gậy đập xuống sàn trong điệu múa Tăng bu, múa Gậy của đồng bào Khơ mú, múa Sạp múa Chiêng của đồng bào Mường, đồng bào Thái và còn biết bao âm thanh kỳ diệu trong điệu múa Trống, múa Xúc tép của dân tộc Cao Lan; múa Chèo thuyền, múa Hoa sen của đồng bào Khmer Nam Bộ....
Đàn ca, múa hát là những sinh hoạt văn nghệ của các dân tộc trên đất nước ta thường được tổ chức trong những ngày tết, ngày hội, ngày mừng nhà mới, ngày cưới... Cái hay, cái đẹp, cái riêng của từng dân tộc đã hòa thành cái chung, khiến âm nhạc dân gian của Việt Nam rất phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc.
Với cây Hưu mạy (nhạc cụ gõ bằng tre), chàng trai người Khơ mú dí vào bụng, đập nhẹ tay, đàn phát ra âm thanh như tiếng ve rừng hòa cùng tiết tấu thay đổi khiến cô gái khi sầu, khi vui, khi say sưa theo tiếng hát. Từ bên này đồi, cô gái Mông nghe và hiểu ngay tiếng sáo của người thương muốn nói gì:
“Từ khi gặp em anh đã đem lòng yêu mến
Đêm nay trăng lên, anh muốn ước hẹn cùng em”.
Nếu trả lời, cô gái Mông sẽ bứt lá cây đưa lên miệng thổi:
“Anh ở bên kia đồi
Em ở bên này đồi
Bụng anh nghĩ sao
Lòng em nghĩ vậy...”.
Và gặp nhau, cô gái sẽ nhẹ nhàng rung tiếng đàn môi:
“Anh là ai?
Anh ở đâu đến?
Em chưa biết tên
Em không nói chuyện...”.
Pí đôi, Pí pặp, Pí thiu, đàn Môi, Khèn, Ta lư, La khư... không chỉ là nhạc cụ phát ra âm thanh đơn thuần, mà còn là tiếng nói của trái tim trước mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Có tiếng Pí oán trách bố mẹ người yêu chê chàng trai nghèo không gả, lại có tiếng Pí cứu bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần; có tiếng khèn chỉ đường cho người chết về với tổ tiên, lại có tiếng khèn mừng mùa xuân...
Mùa xuân đến, không chỉ có tiếng nhạc mà còn có tiếng hát. Hát những bài ngắn gọn nội dung thăm hỏi, giao duyên hoặc ca ngợi hạnh phúc lứa đôi... Chàng trai người Dao ướm hỏi:
“Sáng sớm em đi qua bao suối
Dấu chân em in mấy quả đồi
Chân em xỏ vừa bao đôi dép
Xà cạp em quấn những mấy đôi?”.
Cô gái Dao đáp lại:
“Sáng sớm em đi qua một suối
Dấu chân em in có một đồi
Chân em xỏ vừa một đôi dép
Xà cạp em quấn có một đôi”
Bên cạnh những bài dân ca trữ tình, còn có bài ca ngợi người anh hùng. Như lời hát trong bài “Hai anh em Duông Duyel” (dân ca Ba Na)...
“Ơ! Duông ơi Duyel búi tóc oai nghiêm
Tiếng anh nói sao nghe êm êm
Chiều về, người làng vui nhìn anh
Như nhìn thần tướng Đia xưa kia
Chân anh lên núi cao, lặng ngay gió
Xuống biển, sóng to đâu dám hung hăng
Anh đi, dao sáng vung
Nhạc reo hát tên người anh hùng
Ơ Duông ơi Duyel...”.
Ca hát thì mọi nơi mọi lúc: Khi theo ông mối đến nhà gái cầu hôn (dân tộc Mông), trình sính lễ (dân tộc Tày Nùng), hoặc hát mang tính chất sân khấu (Hạn khuống - dân tộc Thái)...
Kho tàng dân ca, dân nhạc của các dân tộc nhiều màu, nhiều vẻ. Giai điệu không chỉ có đơn thanh, một giọng, mà còn có đa thanh, nhiều giọng. Một ngày chợ phiên đông vui, những đôi nam nữ dân tộc Nùng hát Sli với nhau. Đến ngày hội của đồng bào Mường, ta lại được nghe dàn nhạc Cồng âm vang. Cây khèn của đồng bào Mông, chỉ có 6 ống dài ngắn khác nhau, đã tạo ra được nhiều âm thanh khác biệt...
Nếu như xưa kia hát, múa, đàn của đồng bào chỉ hạn chế ở cuối bản, đầu mường, dần dà theo năm tháng cuộc sống đổi thay, nó được chắp cánh bay xa và phát huy tác dụng thiết thực. Nhiều làn điệu được sưu tầm, chỉnh lý, cải tiến và nâng cao, nhiều cung bậc đặc sắc, nhiều nét nhạc hùng mạnh, uyển chuyển, nhịp nhàng của âm nhạc dân gian đã thấy xuất hiện trong nhiều sáng tác mới.
Ví như các ca khúc: “Chim poong kle”, “Hoa pơ lang”, “Trước ngày hội bắn”, “Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nổi trống lên rừng núi ơi”... nhạc trong các điệu múa nón, múa ô, múa quạt, Rông chiêng, Chàm rông... Từ những bài dân ca, những chủ đề âm nhạc riêng lẻ, một số nhạc sỹ đã dày công sáng tạo kết hợp và sáng tác mới thêm, soạn ra nhiều tác phẩm có quy mô lớn, kể cả hợp xướng, nhạc kịch nh “Cô Sao”, “Người tạc tượng”...
Nền âm nhạc dân gian truyền thống của 54 dân tộc anh em như một nguồn nước không bao giờ cạn đối với người soạn nhạc, một kho báu vô cùng quý giá đối với người nghiên cứu, người làm công tác văn hóa, nghệ thuật. Công tác nghiên cứu, giới thiệu sâu rộng đặc điểm, tinh hoa của nền âm nhạc dân gian có tác dụng thúc đẩy và đóng góp vào việc xây dựng nền âm nhạc nước nhà vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc. Với tiếng đàn, lời ca, điệu múa rộn rã vang lên khi Tết đến xuân về ta càng thấy tự hào cùng quê hương đất nước./.