TS Lê Y Linh: Chương trình hòa nhạc là lời tri ân “Cho muôn đời sau”
VOV.VN - TS Lê Y Linh, tác giả kịch bản âm nhạc Chương trình hòa nhạc “Cho muôn đời sau” cho biết, Chương trình là một hành trình âm nhạc xuyên suốt di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Vân, người nhạc sĩ của lịch sử và tâm hồn Việt Nam.
Chương trình hòa nhạc “Cho muôn đời sau” là lời tri ân khán giả, đồng thời chào mừng bằng Di sản tư liệu thế giới UNESCO cho bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân. Chương trình sẽ diễn ra trong 2 đêm 24-25/7 tới, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
TS Lê Y Linh, con gái của nhạc sĩ Hoàng Vân, chia sẻ với khán giả qua Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam về chương trình nghệ thuật đặc biệt này.

PV: Xin chào tiến sĩ Lê Y Linh. Trước tiên xin chúc mừng chị và gia đình khi bộ sưu tập các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới. Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi viết kịch bản cho Chương trình hòa nhạc “Cho muôn đời sau”, một chương trình đặc biệt dành riêng vinh danh nhạc sĩ Hoàng Vân và bộ sưu tập các tác phẩm của ông?
TS Lê Y Linh: Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và đồng thời cũng có chút lo lắng trước một trách nhiệm lớn lao đầy thử thách. Cha tôi, nhạc sĩ Hoàng Vân là người có chiều sâu tư tưởng và tinh thần âm nhạc tương đối đặc biệt, gắn bó sâu sắc với tâm thức dân tộc và có những tác phẩm then chốt, có ảnh hưởng lớn đến âm nhạc Việt Nam đương đại. Viết kịch bản không đơn thuần là sắp xếp các tác phẩm theo thứ tự, mà là kể lại một câu chuyện – một hành trình âm nhạc song hành cùng đất nước qua những giai đoạn cam go nhất đến thời kỳ đổi mới. Việc chọn lọc từ kho tàng tác phẩm của ông để tái sắp xếp, hệ thống lại dưới dạng một câu chuyện âm nhạc xuyên suốt là một quá trình vừa thử thách, trăn trở những cũng đầy cảm xúc, tự hào.

PV: Chị có thể chia sẻ về tên gọi của chương trình “Cho muôn đời sau”, tên gọi này có ý nghĩa như thế nào?
TS Lê Y Linh: Ý tưởng về chương trình hòa nhạc đặc biệt này được hình thành cách đây một năm, sau thành công rực rỡ của chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại nhà hát Hồ Gươm vào tháng 5/2024, chương trình mà Y Linh là tác giả kịch bản âm nhạc; nhạc trưởng Lê Phi Phi, em trai Y Linh, làm giám đốc âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc.
“Cho muôn đời sau” là cụm từ lấy trong câu hát “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”, trích trong tổ khúc “Bài ca xây dựng” mà nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác năm 1973. Câu hát này dường như vận vào tầm vóc âm nhạc và sự sống lâu bền của các tác phẩm mà nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác, từ ký ức đến tương lai.
Và việc UNESCO trao bằng Di sản tư liệu thế giới cho bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân càng khẳng định điều này, những di sản âm nhạc của ông là để “cho muôn đời sau”. Bởi vậy, việc lấy tên gọi này cho chương trình cũng như lời tri ân khán giả “Cho muôn đời sau”.
PV: Với ý nghĩa là lời tri ân “Cho muôn đời sau”, chị đã xây dựng kịch bản âm nhạc của chương trình như thế nào để truyền tải được tinh thần âm nhạc Hoàng Vân? Chị có thể tiết lộ về những tác phẩm được chọn và bố cục chương trình?
TS Lê Y Linh: Với kho tàng để lại gồm hơn 700 tác phẩm đa dạng về thể loại và hình thức gồm: ca khúc, hợp xướng, nhạc phim, giao hưởng, khí nhạc, nhạc thiếu nhi..., trong đó có nhiều tác phẩm trở thành biểu tượng văn hóa một thời, song hành cùng những biến chuyển và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Từ những bản tráng ca thời chiến như đến các tác phẩm trữ tình riêng tư, từ ca khúc, hợp xướng, khí nhạc, giao hưởng đến độc tấu… Bố cục chương trình phải diễn tả sự đa dạng trong biên chế biểu diễn của từng tiết mục, từ dàn nhạc giao hưởng đến một số nhạc cụ truyền thống, từ tác phẩm thính phòng đến hợp xướng, hợp xướng thiếu nhi, và các nghệ sĩ độc tấu, ca sĩ, ngâm thơ... Tựu chung, bố cục chương trình được xây dựng để thấy được muôn màu muôn vẻ trong nhạc Hoàng Vân và biến chuyển trong tư duy âm nhạc của nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 - 2015) là một trong những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một di sản âm nhạc đồ sộ với hơn 700 tác phẩm đa dạng ở thể loại và hình thức như: Ca khúc, hợp xướng, nhạc phim, giao hưởng, khí nhạc, nhạc thiếu nhi... Bằng sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cổ điển châu Âu và âm nhạc dân tộc, các tác phẩm của ông không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn là tư liệu quý báu phục vụ nghiên cứu văn hóa, xã hội và lịch sử âm nhạc Việt Nam.
Tháng 4/2025, bộ sưu tập tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Vân đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới. Bộ sưu tập này không chỉ là những tác phẩm có giá trị mang dấu ấn của nhạc sĩ mà còn phản ánh một trong những bước ngoặt lịch sử của nền âm nhạc Việt Nam, những biến chuyển của đất nước và đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ.
Chương trình hòa nhạc “Cho muôn đời sau” được chia thành hai phần rõ ràng, tương ứng với hai thời kỳ lớn trong sáng tác của Hoàng Vân và dẫn dắt theo dòng chảy cảm xúc - từ trang nghiêm, hào hùng, đến lắng đọng, chiêm nghiệm, để kết thúc bằng sự hân hoan hướng về tương lai.
Phần I có chủ đề “Hồi tưởng”. Sau chương I của bản giao hưởng “Tưởng niệm” viết năm 1991, chương trình mở ra bức tranh âm nhạc của thời kỳ kháng chiến và chiến tranh. Từ các bản trường ca, hợp xướng, đến các ca khúc đã ghi dấu ấn một thời và làm nên tên tuổi nhạc sĩ như: “Tôi là người thợ lò”, “Quảng Bình quê ta ơi !”, “Người chiến sĩ ấy”… Đề tài chiến tranh trong âm nhạc Hoàng Vân là cuộc chiến tranh của những người lính, người dân công làm nhiệm vụ giao thông vận tải, của người chiến sĩ công an, của bao nụ cười rơi lệ cận ngày chiến thắng, của những người chiến sĩ bao nhiêu năm trường lên rừng xuống biển. Chiêm nghiệm âm nhạc của cả một dân tộc đã dũng cảm đi qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của thế kỷ XX giành lại thống nhất và bảo vệ nền độc lập vô giá của Tổ quốc. Tất cả đều mang hơi thở sử thi nhưng vẫn thấm đẫm tình người, đây là điều rất riêng của Hoàng Vân.
Phần một được kết thúc bằng bản giao hưởng hợp xướng “Hồi tưởng” dành cho hợp xướng kép và dàn nhạc giao hưởng. Ý tưởng đầu tiên của tác phẩm được nhạc sĩ Hoàng Vân lấy cảm hứng từ bản “Những bức tranh trong phòng triển lãm” - tác phẩm dành cho piano của Modeste Moussorgsky và được Maurice Ravel phối khí cho dàn nhạc vào năm 1922.
Nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn ước ao sẽ làm được một tác phẩm lớn về thời lập quốc. Ông tưởng tượng đi cùng với các em thiếu nhi vào một phòng triển lãm… có một đoàn học sinh đi trong một sáng mùa xuân nắng lên rất đẹp, chim chóc tung bay, tâm hồn đầy lạc quan và ánh sáng. Và hồi tưởng lại với các em về ngày lập quốc này với những kỷ niệm bi hùng tràn về “Kìa bạn ơi… những năm bốn mươi (1940) không bao giờ quên…”, với không khí hào sảng của cả một dân tộc đứng lên giành độc lập lúc đó trong “Cùng nhau đi hồng binh” của Đinh Nhu, bức nọ nối tiếp bức kia…
Phần II “Cho muôn đời sau” được bắt đầu từ lúc đất nước bước vào kỷ nguyên hòa bình, khi đất gặp nước, mưa thuận gió hòa. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa là những yếu tố không thể thiếu để chúng ta có thể bình thản nhìn về tương lai. Giai đoạn này âm nhạc của Hoàng Vân chuyển mình rõ nét với những tác phẩm trữ tình, những suy tưởng mang tính nhân văn và dân tộc sâu sắc như trong các sáng tác: “Hát ru trong đêm pháo hoa”, “Tổ khúc Bốn mùa ở quê hương”, có cả những giấc mơ thời chiến rất đẹp của “Cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng” của “cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh”, của “cô gái Thái Bình cô gái Việt Nam”, của những “Em yêu trường em” và “Mùa hoa phượng nở”…
“Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay”, từ những hy sinh và cống hiến trong quá khứ, từ những hồi tưởng về thời lập quốc, một dân tộc Việt Nam đã và đang làm chủ vận mệnh của mình để xây dựng một đất nước trường tồn cho muôn đời sau.
PV: Xin cảm ơn tiến sĩ Lê Y Linh!