Từ nghi án Sơn Tùng "đạo" nhạc: Luật chưa chặt thì “đạo” nhạc còn nhiều
"Đạo" nhạc mỗi lúc một trở nên trắng trợn và tinh vi cũng là vì có cung thì ắt có cầu, khi nhiều người bất chấp mọi giá để nổi tiếng.
Nhạc sĩ Hoài Sa: “Đạo nhạc cũng như chạy xe ẩu”
Cứ nói ranh giới giữa học hỏi và "đạo" nhạc là mong manh, nhưng thực ra chẳng hề mong manh đâu, vì nó có sẵn trong ý định ban đầu của người đó rồi. Rõ ràng đến thế, trắng trợn đến thế là cùng, còn mong manh gì nữa! Học hỏi là học hỏi, ăn cắp là ăn cắp, đâu thể “đánh lận con đen” dễ dàng thế được!
Ranh giới có chăng ở đây là giữa những người làm nghề có lòng tự trọng, có nhiều cái để mất và những người không có gì để mất. Cứ tạm chia như vậy đi! Những người được coi là nhạc sĩ chuyên nghiệp, có tên tuổi đàng hoàng như các anh Quốc Trung, Huy Tuấn, Anh Quân, Đức Trí... tôi chắc chắn có “cho vàng” họ cũng không dại gì đi "đạo" nhạc, để trong phút chốc đánh đổi cả sự nghiệp của mình.
Nhạc sĩ Hoài Sa |
Ngược lại, những kẻ “tay không bắt giặc”, chưa có tên tuổi gì mà muốn nổi tiếng nhanh bằng mọi giá thì họ tội gì không chọn con đường ngắn nhất và dễ nhất là đi ăn cắp. Vì đằng nào họ cũng chẳng có gì để mất, và họ không làm thì cũng có người khác làm. Sợ gì đâu! Vì pháp luật thì không làm gì được họ, ca sĩ và công chúng thay vì tẩy chay thì có khi lại đi tung hô họ, vì thứ nhạc dễ nghe, dễ nuốt ấy.
Theo như tôi biết, nhiều ca sĩ trẻ (cũng muốn đi đường tắt) thậm chí còn đi đặt hàng những nhạc sĩ kiểu này, như người ta đi đặt hàng tranh chép vậy. Thành ra, các nhạc sĩ bị tố "đạo" nhạc, không khéo lại càng có đông ca sĩ ào tới đặt hàng, lợi đơn lợi kép. "Đạo" nhạc mỗi lúc một trở nên trắng trợn và tinh vi cũng là vì có cung thì ắt có cầu vậy. Và “cầu” không hề nhỏ, với cái kiểu nhà nhà, từ ca sĩ đến nhạc sĩ đều thi nhau nổi tiếng bằng mọi giá như hiện nay.
Thế nhưng thị trường tự nó đã có phân khúc, ai ở chiếu nào thì ngồi chiếu nấy, không phải tiếng vỗ tay nào cũng giống nhau. Phản ứng tích cực nhất, theo tôi, là hãy làm tốt phần việc của mình để góp phần giúp cho bức tranh chung sáng sủa thêm được chút nào hay chút ấy. Đừng vì thấy người ta nổi tiếng dễ dàng trong khi mình nhọc lòng sáng tạo mà nản! Cùng lắm chỉ là hơi ngán ngẩm mà thôi, như kiểu khi ra đường nhìn thấy mấy người phóng nhanh vượt ẩu vậy. Còn thì đừng mong “thời thế thay đổi”, chừng nào luật bản quyền còn chưa đủ sức răn đe và dân trí nghe nhạc còn thấp như ở ta”.
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương: Sẽ sớm có luật quy định
Việc tận dụng các bản nhạc tải từ Internet là kiểu sáng tạo lười biếng xuất hiện từ lâu và theo tôi, ở Việt Nam là nhiều nhất. Các nước bạn có làm nhưng họ khéo hơn, Hàn Quốc nhiều bài "na ná" Mỹ, nhưng họ không bê nguyên hoà thanh và cả đoạn lên tone như mình. Cái cách lấy nguyên nhạc nền của bài hát đã phát hành của người khác thì tôi không tán thành.
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương |
Người viết nhạc không dễ, tôi thấy càng viết càng khó, tôi hiểu nhiều bạn trẻ khi sáng tác muốn âm nhạc của nước mình mới mẻ và sánh vai với nước bạn, nhưng không phải dùng cách đó. Bản chất, đó là "đạo" phối khí và người viết nhạc trên nền sẽ là đồng phạm, vì biết là bản phối của người khác nhưng vẫn viết trên đó. Tôi nghĩ các bạn hãy thực sự sáng tạo, nếu thích viết nhạc mà không biết nhiều về hoà thanh và không biết tự làm nhạc, các bạn có thể nhờ người phối khí nói ý tưởng của chính mình về bài mình muốn viết, phong cách, sau đó bạn viết lên đó cũng là hình thức viết nhạc dành cho các bạn không chuyên.
Khi đó mới là sáng tạo của chính các bạn. Hiện nay có một ranh giới mà nhiều người cho là khá mong manh giữa việc “học hỏi” và "đạo" nhạc. Thực chất vấn đề là thế này, trong khá nhiều trường hợp cũng khó quy đó là "đạo" nhạc. Theo tôi biết là từ 11 nốt liền nhau mà giống thì mới được cho là "đạo" nhạc, nhưng quy định này cũng chưa rõ ràng trong luật bản quyền tác giả. Nhưng như tôi nói ở phần trên, việc lấy nguyên nhạc nền và hoà thanh thì Việt Nam là làm nhiều, bây giờ luật chưa quy định vấn đề này, nhưng tôi tin cũng sẽ sớm có luật về bản phối.
Cuộc đời rất công bằng với mọi nỗ lực sáng tạo thực sự./.