Tưng bừng các hoạt động tại Festival Đờn ca tài tử lần 1
VOV.VN - 5 hoạt động của Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất đã diễn ra trong ngày đầu tiên tại Bạc Liêu.
Ngày 24/5, trong ngày khởi động đầu tiên, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014 đã có 5 hoạt động và được đông đảo du khách, người làm công tác văn hóa và văn nghệ sĩ, nghệ nhân đánh giá là sôi động.
Sáng nay, có 3 hoạt động nghệ thuật tiếp tục được khai mạc và kéo dài đến hết Festival là: Triển lãm ảnh Thời sự - Nghệ thuật, Liên hoan đờn ca tài tử toàn quốc và Triển lãm nhạc cụ dân tộc truyền thống các dân tộc Việt Nam.
Triển lãm ảnh Thời sự - Nghệ thuật qui tụ gần 350 tác phẩm tiêu biểu của các tác giả trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, có hơn 100 tác phẩm đoạt giải quốc gia mang nội dung phản ánh vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, những tác phẩm còn lại phản ảnh đất và người Bạc Liêu, đất và người của tỉnh kết nghĩa với Bạc Liêu là Ninh Bình, về đờn ca tài tử và khoảnh khắc Festival đờn ca tài tử.
Khách tới tham quan triển lãm ảnh tại Bạc Liêu |
Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc là hoạt động quan trọng và điểm nhấn nghệ thuật của toàn cảnh Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần này. Liên hoan diễn ra tại Khu Du lịch sinh thái Hồ Nam, thành phố Bạc Liêu. Các đoàn nghệ nhân của 21 tỉnh, thành Nam bộ sẽ liên tục biểu diễn và đi lưu diễn phục vụ người dân Bạc Liêu ở nhiều điểm diễn khác trong tỉnh.
BTC trao cờ cho các đoàn tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử toàn quốc |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Kiều Nga đến từ thành phố Cần Thơ cho biết: “Đờn ca tài tử được vinh danh, các nghệ nhân cũng vui lây, phấn khởi khi tham dự Festival. Tất cả anh chị em trong đội Đờn ca tài tử đều hân hoan, tập luyện rất quyết liệt, mong rằng đạt được thành tích tốt nhất”.
Cũng trong sáng nay, tại Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu đã khai mạc Triển lãm Nhạc cụ Dân tộc. Triển lãm có các nghệ nhân, hiện vật, hình ảnh giới thiệu về nhiều loại nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, gồm cả nhạc cụ truyền thống gốc và nhạc cụ đã cải tiến, như: nhạc cụ của đồng bào vùng Trung du Bắc bộ, nhạc cụ của đồng bào vùng Duyên hải Miền Trung, của đồng bào vùng Trường Sơn – Tây Nguyên và đồng bào Nam bộ... ./.