Vang mãi “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”
VOV.VN - Mỗi năm vào dịp 26/3, giai điệu quen thuộc của “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” lại vang lên, và cứ mỗi lần như vậy lòng tôi lại tràn ngập bao nỗi niềm bồi hồi, xao xuyến. Mà không chỉ riêng mình tôi, bài hát ấy là của thanh niên và từ lâu đã được đông đảo các bạn yêu thích có lẽ bởi lời ca đã nói được nhiều điều...
Nhạc sĩ Văn Dung sinh ngày 15/1/1936 tại làng Bích Câu, Hàng Bột, Hà Nội. Năm 1960 ông theo học lớp báo chí Trung ương do Ban Tuyên giáo tổ chức thuộc phân hiệu II của trường Nguyễn Ái Quốc. Sau khi tốt nghiệp ông về công tác tại Ban Công nghiệp (Đài Tiếng nói Việt Nam). Một thời gian sau, nhạc sĩ Cầm Phong đã đề nghị ông về Ban Âm nhạc làm Biên tập âm nhạc. Tháng 5/1993, ông được bổ nhiệm là Chủ nhiệm chương trình phòng Ca nhạc mới Ban Âm nhạc (Đài Tiếng nói Việt Nam).
Những năm tháng nhạc sĩ Văn Dung tham gia phụ trách chương trình Khắp nơi ca hát, ông đã đi nhiều tỉnh, thành, nhiều đơn vị, ngành nghề, thu thanh trực tiếp nhiều chương trình, rồi biên tập phát trên sóng Đài TNVN. Sau này khi đã nghỉ hưu, nhạc sĩ Văn Dung còn là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Với cương vị này, ông tích cực tụ hội những tên tuổi âm nhạc Thủ đô và cả nước, tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu, trao đổi… nhằm động viên cổ vũ các nhạc sĩ sáng tác góp phần tạo nên đời sống âm nhạc phong phú cho Hà Nội.
Nhắc tới nhạc sĩ Văn Dung, người yêu nhạc thường nhớ tới những ca khúc hay của ông ở nhiều đề tài, thể loại như: Viết cho thiếu nhi: “Em đố mẹ em”, “Chim chích bông” (thơ Nguyễn Viết Bính); Viết về những năm tháng kháng chiến chống Mỹ: “Giải phóng quân ta ra đi”, “Tiến về Khe Sanh, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Bài ca Đường 9 chiến thắng” và viết về thời kỳ đất nước hòa bình, xây dựng là những ca khúc như: “Những bông hoa trong vườn Bác”, “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh”, “Pắc Bó còn ấm tình Bác”, “Vinh quang công nhân Việt Nam”, “Hương lúa chiêm xuân”, “Nông trường ta yêu”, “Tình ca đất mỏ”, “Vì một hành tinh xanh”, “Em với rừng Hoàng Liên”, “Chiều xa thành phố cảng”, “Em và sắc trời biên giới”, “Em đứng đó mùa xuân”… Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam: “Khi âm nhạc của nhạc sĩ Văn Dung cất lên, lời ca và giai điệu luôn khiến người nghe cảm thấy ấm áp, hào sảng và đầy sự lạc quan”…
Năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Với khẩu hiệu "Tất cả dành cho tiền tuyến", nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, đã ra đời kịp thời phản ánh và động viên nhân dân cả nước. Khi ấy Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động phong trào sáng tác ca khúc cho thanh niên nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn. Chỉ sau 3 giờ sáng tác, ca khúc “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Văn Dung đã ra đời và đoạt giải nhì. Ngay sau đó tác phẩm đã được dàn dựng và trình bày bởi 500 học sinh, sinh viên trong lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26/3/1971 như một bài ca chính thức của Đoàn và nhạc sĩ Văn Dung được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng huy chương Vì thế hệ trẻ. Cho đến nay, bài hát “Hành khúc thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ” vẫn được thanh niên nhiều thế hệ đón nhận.
Năm 2000, bài hát “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” đã được chuyên mục “Bạn yêu nhạc bình nhạc” chọn để thính giả viết cảm nhận. Bạn Đặng Văn Toàn ở Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình mở đầu lá thư của mình: “Mỗi năm vào dịp 26/3, giai điệu quen thuộc của “Hành khúc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh” lại vang lên, và cứ mỗi lần như vậy lòng tôi lại tràn ngập bao nỗi niềm bồi hồi, xao xuyến. Mà không chỉ riêng mình tôi, bài hát ấy là của thanh niên và từ lâu đã được đông đảo các bạn yêu thích có lẽ bởi lời ca đã nói được nhiều điều: Đó là ước mơ cao cả, là tâm nguyện, ý chí của cả một thế hệ thanh niên đi theo Đảng, tự nhận trách nhiệm vinh quang trước nhân dân, trước vận mệnh sống còn của Tổ quốc.
“Đi ta đi lên, Tổ quốc chờ ta đem sức thanh xuân xây dựng quê hương thân yêu/ Trong muôn gian lao, truyền thống vinh quang luôn nhắc nhở Đoàn ta sao xứng danh cháu Bác Hồ Chí Minh…”. Nhịp hành khúc vang lên mạnh mẽ, rắn rỏi, đó chính là âm hưởng anh hùng ca của thời đại. Ta như nghe thấy tiếng gọi lên đường, có lời hô hành động, và có bóng đoàn quân đi hiên ngang ra mặt trận, đến các công trình, nhà máy".
Theo bạn Đặng Văn Toàn: “Thành công của nhạc sĩ Văn Dung khi sáng tác ca khúc này là tránh được sự khô cứng của thể loại hành khúc khi ông đã khéo léo kết hợp những đặc trưng vốn có của thể loại này với nét giai điệu trữ tình tạo cho ca khúc vẻ mềm mại, dễ đi vào lòng người: Vững bước đi lên quê hương đang vẫy gọi/Xứng đáng thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh/Dù ngàn gian khó thề nguyện hy sinh, chiến đấu suốt đời dưới cờ Đảng quang vinh…”.
Tiếp nối dòng cảm xúc của bạn Đặng Văn Toàn, bạn Nguyễn Xuân Diệu ở Bắc Sơn, Hưng Hà, Thái Bình viết: “Thanh niên chúng ta là như thế đó, chúng ta sẵn sàng hành động theo lý tưởng của mình, sẵn sàng noi theo những tấm gương tiêu biểu như anh Trỗi, anh Kim Đồng… những nhân vật lịch sử đã và sẽ mãi mãi là huyền thoại hào hùng của Đoàn ta nói riêng, của dân tộc ta nói chung. Thời gian vẫn trôi, cuộc sống từng ngày khởi sắc và hình ảnh quê hương đổi mới làm tâm hồn chúng ta có thêm niềm tin vào cuộc sống, thôi thúc chúng ta phấn đấu để xây dựng que hương ngày càng tươi đẹp hơn, xứng đáng với truyền thống thanh niên của cả một thế hệ. Cảm ơn nhạc sĩ Văn Dung đã cho cuộc đời, cho mọi người những giai điệu đẹp, những cảm nhận và những suy nghĩ mới. Bài hát khép lại rồi mà dư âm của nó còn vang mãi trong lòng người yêu nhạc”.