VCPMC thu được hơn 1.000 tỷ đồng tiền phí tác quyền âm nhạc

VOV.VN - Trong chặng đường 20 năm kể từ khi thành lập, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu được 1.063,2 tỷ đồng tiền phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc.

Ngày 20/9, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức chương trình "20 mùa xuân rực rỡ" nhằm tổng kết lại những thành tích đã đạt được trong chặng đường 20 năm kể từ khi thành lập đến nay, đồng thời nhìn nhận, đánh giá những phương hướng phát triển trong tương lai. 

Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật xúc động khi VCPMC đã trải qua. Từ những ngày đầu, văn phòng với không gian nhỏ, mọi thao tác đơn giản, mọi văn bản đều chép bằng tay, nhưng giờ mọi thứ đã khác, có những phát triển không ngờ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển VCPMC là bước đi văn minh. Những người đã khởi dựng VCPMC là những con người dũng cảm, là những con người trong thời kỳ đổi mới.

Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam đánh giá cao vai trò và các thành tích mà VCPMC đạt được: "20 năm qua, từ chỗ các nhạc sĩ, tác giả thành viên chưa hiểu nhiều về Luật Sở hữu trí tuệ, nhất là việc bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc thì sau 20 năm, với biết bao nỗ lực của tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên Trung tâm, ý thức về quyền tác giả âm nhạc đã dần hình thành, đi vào trong đời sống xã hội. 

Sự phát triển lớn mạnh của VCPMC được thể hiện từ việc số lượng thành viên ký uỷ thác tăng hàng năm. Từ ngày đầu thành lập vô cùng khó khăn với hơn 200 tác giả thành viên, đến nay, VCPMC là Tổ chức đại diện Quyền tác giả âm nhạc với hơn 5000 tác giả thành viên trong nước và trên 4 triệu tác giả nước ngoài. Số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc mà VCPMC thu được tăng dần qua các năm và tăng vượt bậc ở những năm gần đây. Và cùng với đó là việc mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới". 

Tính đến tháng 9/2022, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam đã ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua các thỏa thuận này, Trung tâm hiện đang là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam, được quyền đại diện để quản lý và bảo vệ lợi ích của trên 4 triệu tác giả quốc tế tại lãnh thổ Việt Nam; đồng thời, với các cam kết song phương và cơ chế phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, quyền lợi của tác giả Việt Nam cũng được quản lý, bảo vệ tại các quốc gia tham gia ký kết.

Tổng số tiền Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu được trong 20 năm (2002 - 2021) là 1.063,2 tỷ đồng, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định gần 100 tỷ đồng. Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết dòng nhạc cách mạng là dòng nhạc trgần như sử dụng nhiều, được nghe đều, ổn định. Dòng nhạc trẻ thì nổi lên rồi biến mất, bài sau đẩy bài trước xuống, rồi im ắng. Dòng nhạc không lời, giao hưởng là dòng nhạc nhận được tiền tác quyền ít nhất. Trong thời gian tới, VCPMC sẽ cố gắng đưa dòng nhạc không lời, giao hưởng đến công chúng.

Là một trong những nhạc sĩ sở hữu số lượng ca khúc lên đến 300 bài hát, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thuộc nhóm dẫn đầu về số tiền bản quyền thu được hàng năm. Anh tham gia Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam từ năm 2006, lúc ấy tiền tác quyền nhận được là 9 triệu đồng và đến năm 2021, số tiền nhận được là hơn 1,2 tỷ đồng. Anh cho biết: "Tôi có thể nói rằng VCPMC đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong con đường sáng tác nghệ thuật của mình. Nếu không có VCPMC, nếu không có những người nhiệt tình tư vấn pháp lý, có lẽ tôi rất khó giữ vững được niềm đam mê sáng tạo khi giá trị sản phẩm không được trả về tương xứng, khi sản phẩm mình vắt óc vắt cả tim gan ra làm lại bị kinh doanh trái phép.... Hiện tại, tôi có thể mạnh dạn, tự tin nói rằng "Tôi là nhạc sĩ sống được bằng nghề, sống được với nghề". 

Bên cạnh việc thu tác quyền, kể từ năm 2016, Bộ phận pháp chế Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thường xuyên khảo sát, phát hiện vi phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý hành vi xâm phạm ở các lĩnh vực sử dụng âm nhạc; thực hiện các bước cảnh báo vi phạm, báo cáo vi phạm, áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền theo quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của tác giả thành viên...

Cũng tại họp báo, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thông tin thêm về Lễ kỷ niệm sẽ diễn ra sáng 7/10 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với sự tham dự của các đại biểu đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ có ký thỏa thuận, hợp tác song phương (CMOs), đại diện các cơ quan quản lý văn hóa, các nhạc sỹ, nghệ sỹ… đã đồng hành gắn bó cùng Trung tâm trong 20 năm qua.

Lễ kỷ niệm diễn ra với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, trình diễn tác phẩm âm nhạc của các nhạc sỹ nổi tiếng, gắn bó với Trung tâm như nhạc sỹ Phó Đức Phương, Trần Long Ẩn, Đinh Trung Cẩn…; phần tri ân các nhạc sỹ đã có công sáng tập Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam như nhạc sỹ Phó Đức Phương, nhạc sỹ Vũ Mão, nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ…  

VCPMC được thành lập ngày 19/4/2002 theo Công văn số 28/BTCCBCP-TCPCP ngày 18/4/2002 của Ban Tổ chức cán bộ (nay là Bộ Nội vụ) và Quyết định số 19/2002/QĐ ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Đây là tổ chức phi lợi nhuận, trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều lệ được Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Đến nay VCPMC từng bước hoàn thiện, trở thành một tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả (trong lĩnh vực âm nhạc) hoạt động hiệu quả và có uy tín đối với các thành viên trong nước cũng như quốc tế. Đây là mái nhà chung nơi các nhạc sĩ, tác giả tin tưởng ủy thác và đồng hành, là “cánh tay nối dài” cho hoạt động quản lý nhà nước trong công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam, góp phần làm chuyển biến nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng từng bước đi vào đời sống xã hội, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập của đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên