“Về nhà” - Bức tranh âm nhạc về “họa mi bán cổ điển” Phạm Thu Hà
VOV.VN - Liveshow "Về nhà" của Phạm Thu Hà diễn ra ở Hải Phòng tối 25/10 đã đưa khán giả đến với một "bữa tiệc" âm nhạc nhiều màu sắc.
Tối 25/10, “họa mi bán cổ điển” Phạm Thu Hà đã “Về nhà” trong liveshow thứ ba trong sự nghiệp, mang theo “bức tranh khổ lớn bằng âm nhạc” dành tặng cho khán giả Hải Phòng quê hương cô.
Và “bức tranh âm nhạc” mà Phạm Thu Hà cùng các nghệ sĩ khách mời cất công “vẽ” trong vòng hơn hai giờ đồng hồ bằng hơn 20 ca khúc trên sân khấu Nhà hát Lớn Hải Phòng đã làm khán giả quê nhà phải trầm trồ, xúc động.
“Về nhà” để khoe thành tích
Mảng màu đầu tiên trong “bức tranh âm nhạc” mang tên “Về nhà” được Phạm Thu Hà phác họa bằng những bản dân ca rộn rã, thân thuộc với tuổi thơ nhiều thế hệ của cả ba miền Bắc Trung Nam: "Trống cơm", "Đi cấy", "Lý cây bông".
Ca sĩ Phạm Thu Hà trên sân khấu liveshow "Về nhà" |
Tiếp đến, Phạm Thu Hà kể cho công chúng nghe về hành trình âm nhạc của chính bản thân mình, từ khi là một cô sơn ca sinh hoạt tại Nhà Thiếu nhi TP Hải Phòng, tươi vui, tràn đầy sức sống bằng ca khúc "Cánh én tuổi thơ" của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Đáng chú ý, song ca với Phạm Thu Hà ở ca khúc này là bé Gia Hân – một “phiên bản Phạm Thu Hà” ngày nào nhưng đã làm cả khán phòng hết sức ngạc nhiên vì sở hữu một giọng hát dày dặn và cao vút như một giọng ca opera đã được đào tạo chuyên nghiệp.
Không những thế, bé Gia Hân còn khiến khán giả khâm phục khi song ca cùng Phạm Thu Hà tác phẩm "O mio Babbino caro" của Giacomo Puccini - một tác phẩm opera mà những chuyên gia hát dòng nhạc kén người nghe này cũng phải "sợ" mỗi khi nhắc tới. Nhiều người dự đoán, Gia Hân sẽ là Phạm Thu Hà thứ hai của Hải Phòng, kỳ vọng em sẽ trở thành diva mới của làng âm nhạc nước nhà nếu em tiếp tục trau dồi khả năng thanh nhạc của mình và đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.
Trở lại với liveshow "Về nhà" - một đêm nhạc vô cùng đặc biệt trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp của Phạm Thu Hà. Đây là lần đầu tiên cô trở về Hải Phòng - nơi cô đã sinh ra và lớn lên, trải qua thời niên thiếu với những kỷ niệm không thể nào quên, để cống hiến một chương trình âm nhạc đặc biệt với tình cảm sâu sắc và nồng ấm nhất.
Dù đã đi được một chặng không ngắn trên hành trình âm nhạc nhưng đôi khi Phạm Thu Hà vẫn có nhiều áp lực. Nhưng lần này thì không. Ngay trên sân khấu “Về nhà”, nhạc sĩ Trần Thanh Phương (GĐ Âm nhạc) chia sẻ: “Tôi từng làm cho Hà nhiều. Trước đây, mỗi khi bước ra dưới ánh đèn sân khấu là Hà run lắm. Nhưng lần này, cô ấy đã khác, đầy tự tin và không có áp lực gì!”.
Phạm Thu Hà thì chia sẻ: “Hát ở quê nhà mang lại cho tôi một cảm giác khác so với hát ở những sân khấu ở những địa phương khác. Hát ở nhà mình, Hà cảm thấy nó rất đỗi thân thuộc. Nhờ thế mà Hà đã rất tự tin khi… về nhà. Về để tri ân, để báo cáo, để khoe những thành tích mà Hà đã đạt được với quê hương của mình!”.
“Nhập hồn” khi hát nhạc cách mạng
Lựa chọn con đường âm nhạc mang phong cách classical crossover (cổ điển giao thoa), Phạm Thu Hà là nữ ca sĩ luôn biết cách ghi dấu ấn riêng. Bằng chứng là ngoài sự tinh tế, chỉn chu được thể hiện từ hình thức (bìa đĩa, hình thức đĩa nhạc CD hay đĩa than) còn tinh tế, đầy tính nghệ thuật trong cả khi thể hiện dòng nhạc cách mạng.
Cụ thể, trên sân khấu liveshow "Về nhà", sau hàng loạt bài như "O Sole Mio" (Nhạc: Eduardo di Capua, lời: Giovanni Capurro), "Em đi rồi" (Lam Phương), "Suối mơ" (Văn Cao), "Mùa Hè đẹp nhất" (Đức Huy), "Bài ca hy vọng", Phạm Thu Hà đã chứng minh khả năng hát nhạc cách mạng tuyệt vời của mình với hàng loạt ca khúc nổi tiếng: "Tiếng đàn ta lư" (Huy Thục), "Chào anh giải phóng quân", "Chào mùa xuân đại thắng" (Hoàng Vân), "Tình em" (nhạc Huy Du, thơ Ngọc Sơn)… khiến khán giả vô cùng xúc động, dành tặng cho nữ ca sĩ con cưng của thành phố cảng những tràng pháo tay không ngớt.
Nhạc sĩ Trần Thanh Phương trầm trồ: “Một ca sĩ thể hiện được hai dòng nhạc khác nhau mà vẫn cho thấy được sự tinh tế và tính nghệ thuật là rất hiếm. Hà là một người như thế. Không biết phải giải thích thế nào, nhưng chúng ta có thể hiểu, nhạc thì nốt nó vẫn thế, nhưng khi Hà hát nhạc cách mạng, tôi thấy Hà thăng hoa ngay lập tức, hơn hẳn các bài khác, cứ như là cô ấy nhập hồn vào bài hát ấy rất tự nhiên, khiến người nghe thấy rất thú vị…”.
Phạm Thu Hà giao lưu cùng khán giả |
Phạm Thu Hà thì bộc bạch: “Một trong những khí chất của người Hải Phòng là rất yêu quê hương, yêu đất nước. Hà cũng là một người rất, rất yêu nước. Nói ra lời ấy thì bất cứ ai là người Việt cũng có thể nói được. Nhưng với Hà, khi được hát những ca khúc cách mạng, trong Hà lại sống lại những cống hiến, những hy sinh và sự mất mát của bao thế hệ cha anh đi trước để có được hòa bình cho chúng ta ngày hôm nay. Và hát những ca khúc cách mạng khiến Hà rất tự hào về truyền thống cha anh, về quê hương, đất nước và về khí chất con người Hải Phòng”.
Với liveshow Về nhà, có thể thấy Phạm Thu Hà là ca sĩ sinh ra để hát trong một vài không gian âm nhạc nhất định, khi đặt đúng chỗ cô sẽ toả ra nguồn năng lượng hấp dẫn người nghe. Trong mỗi sản phẩm và trên từng sân khấu, giọng ca của cô luôn vang lên thật đắt và tinh tế cũng là vì lẽ đó.
Và Phạm Thu Hà - nàng “họa mi bán cổ điển” – cô sơn ca của Hải Phòng - chỉ “đậu ở nhành” nhất định trên cái “cây âm nhạc muôn hình muôn vẻ”, nhưng mỗi khi cất tiếng hát thì luôn tỏa ra một nguồn năng lượng khiến mọi người bị hấp dẫn, phải nhất định ngoảnh lại thưởng thức và còn muốn nghe lại nhiều lần…/.