Vì sao ca sĩ TikTok bóp hit thành thảm họa?
Dưới sự hậu thuẫn của công nghệ phòng thu, từ TikToker, Vlogger… đều có thể trở thành ca sĩ. Nhiều ca khúc nổi rần rần trên mạng xã hội nhưng khiến khán giả “vỡ mộng” khi nghe giọng hát live.
Với sự phát triển của công nghệ tiên tiến, những phòng thu là công cụ hỗ trợ rất nhiều cho những người muốn dấn thân vào con đường ca hát. Giống với những ứng dụng chỉnh ảnh, giọng hát cũng có thể nắn sửa, căn chỉnh giúp người hát xóa bỏ yếu điểm, tạo nên bản nhạc khá hoàn hảo giúp họ tự tin tung sản phẩm ra thị trường.
Tuy vậy, cũng chính sự hỗ trợ kỹ thuật thu âm, những phòng thu hiện đại đã đưa những giọng ca non yếu thậm chí chưa từng đi hát như TikToker, Youtuber, người mẫu, hoa hậu… dễ dàng tiếp cận thị trường. Nhiều người yêu thích đoạn nhạc xu hướng trên hot trên TikTok rồi “vỡ mộng” khi nghe giọng thật.
Vỡ lẽ vì thực lực ảo của hiện tượng mạng
Gần đây, vũ công Phạm Lịch lần đầu tiên diễn live ca khúc đang làm mưa làm gió trên TikTok – Là anh – bài hát nhạc Hoa lời Việt. Cô nhận nhiều lời bởi là ca sĩ tay ngang nhưng có giọng ca tương đối ổn.
Tuy nhiên, so với màn trình diễn thu live và clip do khán giả quay, Phạm Lịch lộ rõ những yếu điểm trong giọng hát như việc lấy hơi, dùng giọng gió. Một khán giả gay gắt đánh giá màn trình diễn này không khác hát karaoke, chênh phô ở những nốt cao và cho rằng nữ vũ công nên luyện tập nhiều hơn trước khi đứng lên sân khấu lớn.
Câu hát "Một bậc quân vương mang trong con tim hình hài đất nước, ngỡ như dân an ta sẽ chẳng bao giờ buồn" phủ sóng TikTok với hàng trăm nghìn lượt sử dụng lồng ghép vào video. Đây là đoạn nhạc trong ca khúc Đế Vương do Đình Dũng trình bày và đạt thứ hạng khả quan trên các nền tảng số trong thời gian dài. MV đạt hơn 102 triệu lượt xem đến thời điểm hiện tại, cho thấy sức phổ biến của bài hát.
Thế nhưng khán giả được phen “ngã ngửa” vì ca sĩ lộ giọng thật trong đêm diễn tại Đà Lạt. Nhiều người chê Đình Dũng hát như “chạy giặc”, trôi tuồn tuột và cảm thấy phí tiền vé bỏ ra xem show diễn ngày hôm đó. Có không ít ý kiến so sánh anh hát không hay bằng bản cover của Nam Em.
Đó cũng là trường hợp của nam ca sĩ Hooligan (tên thật là Lê Công Thành) với sản phẩm "To the moon" có giai điệu bắt tai, chất nhạc cũng như cách phát âm được khen chuẩn quốc tế, đến nỗi nhiều người bất ngờ khi biết chủ nhân ca khúc là người Việt chứ không phải là nghệ sĩ indie USUK.
Sau phần trình diễn tại Đại học ở TPHCM, khán giả chỉ trích anh tự tay phá hit bởi giọng live khác xa với bản phòng thu. Anh lộ rõ giọng mũi nặng nề, tạo cảm giác tù, bí, chưa kể Hooligan còn liên tiếp mắc lỗi phát âm gây khó chịu. Một tài khoản khuyên ca sĩ nên học lại thanh nhạc nếu muốn trình diễn tiếp.
Từ TikToker có nhiều chiêu trò, Đạt Villa gây bất ngờ vì lấn sân sang làm ca sĩ dù bị chê “giọng hát chẳng có gì đặc sắc”. Anh ra mắt 3 MV, thậm chí nhận show, có mặt ngay vị trí trung tâm poster cùng ca sĩ Du Thiên. Hot TikToker hứng chịu chỉ trích khi lộ giọng hát yếu, lộ rõ trình độ thanh nhạc kém dù đã qua xử lý phòng thu. MV được đánh giá không có giá trị nghệ thuật, thậm chí có người khuyên anh nên từ bỏ nghiệp cầm mic.
TikToker Ngô Đình Nam, Hải Đăng Doo, Luke D… tung MV bài bản nhưng chỉ dừng lại ở mức tạm nghe được. Hầu hết cộng đồng mạng để lại ý kiến những cái tên này nên tập trung rèn rũa giọng hát như cách họ đánh bóng hình ảnh bản thân nếu thực sự muốn theo đuổi nghiệp ca hát lâu dài.
"Kỹ năng thanh nhạc cơ bản còn chưa hoàn thiện nhưng vẫn cầm micro đi hát"
Thực trạng “ca sĩ TikTok” hiện nay khi sở hữu 1-2 ca khúc hot trên mạng xã hội, tạo sóng viral, đem đi diễn và lộ khuyết điểm, không ít người ngộ nhận bản thân có thực lực trong khi thực tế phản hồi khen chê của khán giả khá rõ ràng.
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh chỉ ra: “Bất kể nền tảng nào mới xuất hiện cũng có những mặt phải, mặt trái. Mạng xã hội giúp chúng ta cập nhật thông tin nhanh, thỏa mãn nhu cầu giải trí. Vì vậy rất khó để đưa những thứ có chiều sâu, chất lượng đến với người xem.
Thế giới đang bị ‘xâm chiếm’ bởi các dạng video ngắn trên các nền tảng khác nhau. Rất khó để xác định khả năng của một nghệ sĩ qua một bài hát bình thường, đừng nói đến một video ngắn có độ dài vài chục giây. Nhưng vì là xu hướng, nó vẫn viral, vẫn được số đông công chúng chấp nhận. Vì vậy mới có thực tế là 10 ca sĩ nổi lên nhờ mạng xã hội đi biểu diễn, chỉ có số ít 1,2 người trụ lại lâu dài với nghề”.
Theo chuyên gia, việc “cứ vào phòng thu, cầm micro lên là ca sĩ” trở thành tấm gương nghề nghiệp không tốt khiến nhiều bạn trẻ hiểu lầm việc có thể trở thành tên tuổi hot trên mạng xã hội, hoặc vào phòng thu, chỉnh giọng hát thật kỹ là có thể trở thành ca sĩ.
Bản thân những khái niệm “nghệ sĩ”, “ca sĩ”, “người hoạt động giải trí” còn bị hiểu lầm.
“Rõ ràng nhiều người cầm micro đi hát nhưng những kỹ năng thanh nhạc cơ bản còn chưa hoàn thiện. Từ đó tạo nên làn sóng tiếp theo khiến khán giả hiểu sai lệch về ngành nghề hoạt động nghệ thuật này. Những điều tưởng chừng như hiển nhiên cách đây 10-15 năm với thị trường bỗng trở thành tiêu chuẩn cao ở thời điểm hiện tại”, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho biết.
Vấn đề đang tồn tại khi những “ca sĩ” này vẫn nhận show, rõ ràng họ có một bộ phận khán giả chấp nhận.
Anh Hồng Quang Minh phân tích: “Ngày trước khán giả trân trọng giọng hát, dù chưa chắc họ đã phân biệt được rõ giọng hát hay dở hay phần trình diễn chất lượng. Nhưng thời điểm hiện tại người ta để ý đến phần nhìn hơn, điều đó bắt nguồn từ sự tò mò khi họ muốn nhìn thấy hiện tượng nào đó trên mạng xã hội”.
Chuyên gia cho hay nhiều người hát nhép nhưng khán giả chấp nhận vì họ chỉ cần nhìn ca sĩ đó cầm mic và tạo dáng trên sân khấu: “Đúng là khán giả đã chấp nhận và dễ dãi hơn với một bộ phận những người cầm mic bước ra từ mạng xã hội. Tôi nghĩ rằng đây là dấu hiệu của một thời kỳ thoái trào thưởng thức hoặc dấu hiệu của việc phân chia những khán giả xem ca sĩ vì tò mò và những khán giả muốn thưởng thức các ca sĩ có thực lực”.
Có sai không khi phụ thuộc vào công nghệ phòng thu?
Về góc độ người làm công việc thu âm/ phòng thu, nhà sản xuất BeeBB (tên thật Phạm Nguyễn Phương Anh) chia sẻ với Tiền Phong rằng trách nhiệm của họ là mang lại trải nghiệm và sản phẩm có chất lượng tốt nhất đến với khách hàng, điều này hoàn toàn hợp lý và hiển nhiên, tạo ra sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh chỉn chu là điều mà cả đôi bên đều hướng tới.
Buổi biểu diễn trực tiếp có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm, từ khách quan đến chủ quan như hệ thống loa âm thanh ánh sáng, sức khoẻ, tâm lý của người biểu diễn.
Theo anh, sản xuất một nhạc phẩm là một công đoạn xử lý hậu kỳ, cả nhà sản xuất và ca sĩ phối hợp để tạo ra sản phẩm tâm đắc nhất: “Người hát có thể thu đi thu lại một đoạn cho đến khi thấy hay thì thôi, ngoài ra những người làm công tác thu âm cũng có khả năng ‘kiệu’ bài hát, tức là hướng dẫn người thu âm nên cảm xúc và hát như thế nào cho hợp”.
BeeBB cho rằng chỉnh giọng không sai, tùy vào thể loại và ý đồ của bài nhạc mà sẽ có điều chỉnh, pha trộn các kỹ thuật và hiệu ứng theo tỷ lệ khác nhau để tạo ra kết quả mong muốn.
BeeBB nhấn mạnh về nội lực của người nghệ sĩ, nhận định thị trường âm nhạc hiện nay rất sôi động, nhưng khi vận động nhanh và mạnh mẽ như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn, đồng thời sự đào thải cũng diễn ra nhanh chóng.
“Công tâm nhất vẫn là khán giả, khán giả còn yêu thương và quan tâm đến sản phẩm âm nhạc của người nghệ sĩ thì họ sẽ không bao giờ bị đào thải. Đáp lại, người nghệ sĩ cần nỗ lực”, anh chia sẻ./.