Bà Rịa-Vũng Tàu giải trình thông tin đưa Lễ giỗ bà Hoàng Phi Yến vào Di sản quốc gia
VOV.VN - Ngày 28/4, Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, đã có giải trình gửi UBND tỉnh về thông tin liên quan đến Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được công nhận và đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 25/10/2021 tỉnh đã có tờ trình số 197 gửi Cục Di sản văn hóa về việc đề nghị công nhận Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến tại huyện Côn Đảo vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Xét thấy nội dung và thành phần của Hồ sơ đáp ứng đúng quy định tại Thông tư 04/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 21/01/2022, Cục Di sản văn hóa đã tổ chức xin ý kiến Hội đồng thẩm định di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở đề nghị Bộ trưởng đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo đúng quy trình thẩm định.
Đến ngày 26/1/2022, Cục Di sản văn hóa đã trình Bộ trưởng xem xét, quyết định đưa di sản này vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (QĐ số 773/QĐ BVHTTDL).
Theo Cục Di sản văn hóa, hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh An Sơn Miếu (Miếu An Sơn, nơi diễn ra Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến) của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Quyết định số 1442 ngày 18/4/2007 của UBND tỉnh) và Hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến đều thể hiện Bà Hoàng Phi Yến (Lê Thị Răm, Thứ phi của chúa Nguyễn Phúc Ánh là nhân vật truyền thuyết. Theo truyền thuyết của cư dân trên đảo, sinh thời, Bà từng cùng chúa Nguyễn lánh quân Tây Sơn chạy ra Côn Đảo. Tại đây, mẹ con Bà gặp nỗi oan khiên, con thì bị ném xuống biển mà chết, một lần suýt bị làm nhục, Bà chọn đường tự tử để giữ trọn tiết nghĩa. Kính ngưỡng đức hạnh và tiết tháo của Bà, lại thấy hai mẹ con Bà chết thiêng, dân trên đảo đã lập miếu (khoảng năm 1785) thờ cúng từ đó đến nay. Theo thông lệ, hằng năm, họ thường tổ chức lễ giỗ Bà tại miếu An Sơn.
Như vậy, Bà Hoàng Phi Yến là một nhân vật dù chỉ được ghi nhận qua truyền thuyết nhưng lại được cộng đồng cư dân ở Côn Đảo thờ phụng từ xa xưa và coi đây là hạt nhân tín ngưỡng (yếu tố thiêng) của Lễ hội tại miếu Miếu An Sơn, mà ngày nay được xác định là Lễ giỗ Bà thứ phi Hoàng Phi Yến. Đây là một biểu đạt văn hóa/thực hành văn hóa đáp ứng các tiêu chí theo định nghĩa về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể) và tại Luật Di sản văn hóa, để được nhận diện là một di sản văn hóa phi vật thể.
Trước đó, một số nhà khoa học cho rằng, Cục Di sản văn hóa đã có sự tùy tiện và tắc trách trong việc công nhận lễ giỗ bà Phi Yến vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà thiếu thẩm định nền tảng lịch sử về di tích miếu An Sơn và truyền thuyết về bà Phi Yến.
Sau đó, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (con cháu vua Gia Long) cùng các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử đã ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan về việc rút Lễ giỗ bà Phi Yến khỏi danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.