Bảo tàng và xu thế số hóa hiện vật
VOV.VN - Việc số hóa hiện vật giúp các bảo tàng, thư viện giới thiệu với người xem toàn bộ các bộ sưu tập mà họ đang sở hữu, đồng thời mở rộng đối tượng tham quan ra toàn thế giới mà không phụ thuộc vào yếu tố địa lý.
Trên thế giới, nhiều bảo tàng đang tiến hành số hóa mạnh mẽ các bộ sưu tập của mình. Tháng 11/2018, Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc thông báo 99% tổng số hiện vật của họ đã được số hóa xong. Thông tin, hình ảnh của hơn 68 ngàn hiện vật đã có mặt trên trang web của bảo tàng tại địa chỉ: nfm.go.kr. (ngoại trừ một số danh mục vì lí do bản quyền).
Ông Kim Yun-jeong, cán bộ phụ trách phòng Nghiên cứu khoa học hiện vật của Bảo tàng Dân gian quốc gia Hàn Quốc cho biết. “Thông thường, khi công chúng đến tham quan bảo tàng, họ chỉ có thể xem khoảng 5% số hiện vật. Do giới hạn về không gian và thời gian, nên bảo tàng không thể trưng bày tất cả các hiện vật mà chúng tôi sở hữu. Nhưng khi số hóa xong, người xem chỉ cần truy cập vào trang web hoặc ứng dụng trên điện thoại di động là có thể tiếp cận được với gần như toàn bộ các mẫu vật của chúng tôi”.
Tháng 1/2019, phòng tranh mỹ thuật Freer và phòng tranh Arthur M.Sackler của Viện Smithsonian, thủ đô Washington D.C (Mỹ) đã công bố bộ sưu tập trực tuyến với hơn 40.000 hiện vật (nhiều hiện vật thậm chí chưa từng được công bố). Các hiện vật đều được quay phim, chụp ảnh 2D và 3D với độ phân giải cao.
Tháng 5/2019, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở thành phố New York cũng thông báo, họ cũng đã số hóa xong hơn 400.000 tác phẩm chất lượng cao, công chúng có thể tải xuống và sử dụng với mục đích phi thương mại hoàn toàn miễn phí.
Cùng thời gian này, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên New York đã đăng tải hơn 7.000 tác phẩm của mình lên mạng, là một phần của dự án số hóa lớn được khởi động từ năm 2006.
Thư viện Tòa Thánh Vatican, một trong những thư viện lâu đời nhất trên thế giới, đã số hóa kho lưu trữ thư bản cổ và phục vụ công chúng miễn phí. Hiện thư viện đã đưa vào danh mục trực tuyến 4.500 tài liệu, mục tiêu cuối cùng là số hóa toàn bộ 82.000 danh mục tài liệu đang lưu giữ tại thư viện.
Gần đây, Viện Bảo tàng Anh cũng công bố, họ đã hợp tác với Google để số hóa gần 5.000 danh mục hiện vật trong các bộ sưu tập của mình, công chúng có thể truy cập bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu, hoàn toàn miễn phí.
Ông Neil MacGregor, giám đốc đối ngoại của Viện Bảo tàng Anh cho biết, đây là sự kiện quan trọng trong lịch sử của Bảo tàng: “Đối với chúng tôi, việc này giống như một giấc mơ trở thành sự thật. Từ khi mới thành lập ở thế kỷ 18, tham vọng của chúng tôi là trở thành một bảo tàng qui mô toàn thế giới chứ không chỉ của nước Anh. Giờ đây, bất cứ ai trên hành tinh này, dù là ở Brazil hay Trung Quốc, Mozambique hoặc Ấn Độ đều có thể tham quan Viện Bảo tàng Anh một cách dễ dàng qua hình thức trực tuyến”./.