Bảo tồn văn hóa dân tộc trong thời đại số
VOV.VN - Thời đại công nghệ số cùng những tác động trong quá trình hội nhập… đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, đòi hỏi phải có một chiến lược phù hợp để các giá trị này có thể phát huy hiệu quả.
Di sản văn hóa tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc là tiếng nói, chữ viết, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, các loại hình diễn xướng, kiến trúc, trang phục… Các giá trị văn hóa này do cộng đồng các dân tộc ở nước ta sáng tạo ra trong quá trình sinh tồn, phát triển, là những yếu tố làm nên giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc.
Nước ta có hơn 4.000 di tích được xếp hạng quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cùng với đó là gần 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều giá trị văn hóa dân tộc đã đối diện với nguy cơ mai một, bị thương mại hóa, biến tướng, bị lợi dụng trục lợi. Nhiều giá trị phi vật thể được vinh danh nhưng không phát huy thực chất mà thậm chí có lúc đã bị biến tướng đáng tiếc. Nhiều làng nghề truyền thống đang mất dần tính độc đáo.
Những “sự biến mất” đó thực sự là mối lo ngại, đặt ra những yêu cầu bức thiết để văn hóa dân tộc thực sự trở thành một cầu nối quan trọng đưa người Việt vào tương lai mà không đánh mất đi cội rễ của mình.
Trong thời đại công nghệ số, cùng sự biến động của thời gian, hoàn cảnh sống cùng với những tác động trong quá trình hội nhập… đã đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo tồn, đòi hỏi phải có một chiến lược phù hợp để các giá trị này có thể phát huy hiệu quả tối đa trong đời sống đương đại.
"Trong quá trình đào thải theo quy luật, chỉ có những cái gì là căn cốt, tốt đẹp nhất được giữ lại. Muốn như vậy thì văn hóa dân tộc phải đến được với từng người dân, và việc phổ biến nó trong thời đại 4.0 hiện nay trở nên cần thiết vô cùng. Tuy nhiên, với sự phát triển tốc độ của đời sống hôm nay, công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa theo kịp đời sống" - TS Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.
Theo TS Bàn Tuấn Năng, kho tàng di sản đồ sộ về văn hóa dân tộc của nước ta khi được số hóa sẽ trở thành tài sản vô giá để phục vụ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là du lịch, mang về giá trị kinh tế lớn cho đất nước; đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu "Xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (Tiểu dự án 1, Dự án 9), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dan tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, ở một số địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá “lúng túng” trước cụm từ chuyển đổi số. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị còn nghèo nàn, nguồn nhân lực thiếu và yếu...
Bên cạnh đó, cách làm còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa đồng bộ, chưa xây dựng được hệ sinh thái phần mềm chung hệ thống dữ liệu để áp dụng xuyên suốt. Vấn đề cơ chế, chính sách vẫn còn sự chồng chéo, chưa thật sự thông thoáng để tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực, các địa phương triển khai hoạt động chuyển đổi số. Trong bối cảnh nguồn kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số còn hạn hẹp, một số địa phương, một số lĩnh vực vẫn còn lúng túng, chưa tìm ra vấn đề cốt lõi cần ưu tiên dẫn đến đầu tư dàn trải và hiệu quả không rõ rệt.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV và TS Bàn Tuấn Năng tại đây: