Cần đẩy mạnh thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

VOV.VN - Sáng 12/10, Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ và lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đã được tổ chức

Chủ trì hội nghị có các Lãnh đạo Cục Bản quyền tác giả: ông Trần Hoàng - Cục trưởng, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng, ông Trịnh Tuấn Thành - Phó Cục trưởng. Ngoài ra còn có sự tham dự của đại diện Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành; đại diện các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các hội, hiệp hội, các tổ chức phát sóng, thư viện, trung tâm điện ảnh, triển lãm, bảo tàng, nhà hát, nhà xuất bản, khách sạn, siêu thị, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, cung cấp nội dung số, các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, văn phòng luật, các chuyên gia và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Hội nghị - Hội thảo hướng dẫn, phổ biến với mục đích giới thiệu các nội dung sửa đổi, bổ sung về quyền tác giả, quyền liên quan trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; các nội dung của Hiệp ước WCT, Hiệp ước WPPT; Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; giới thiệu các quy định về thực thi, xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian; giới thiệu các quy định về tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, đây cũng là cơ hội quý giá để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể lấy ý kiến góp ý trực tiếp của các quý vị đại biểu, các chuyên gia,… nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 11 năm 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, với 476/477 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,58% tổng số đại biểu Quốc hội). Theo đó, Luật đã sửa đổi, bổ sung 102 trên tổng 222 điều, riêng về Quyền tác giả, quyền liên quan, Luật đã sửa đổi 26 điều, bổ sung 5 điều nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi trên môi trường số. 

Ngoài ra, để đảm bảo đủ điều kiện hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã tham mưu và trình các cấp có thẩm quyền về đề xuất gia nhập hai Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Đây được coi là những hành động cụ thể nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Để đảm bảo văn bản quy định chi tiết được ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng và hệ thống pháp luật nói chung. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và Thông tư quy định các mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan”, ông Trần Hoàng nói.

Ông cũng cho biết thêm Cục Bản quyền tác giả luôn mong muốn nhận được những ý kiến góp ý, đặc biệt là các nội dung về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả với tư cách là cơ quan tham mưu, chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định nêu trên. 

Nhận thức được tầm quan trọng của việc lưu giữ, phân phối và khai thác, sử dụng mới đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng hiện nay là vô cùng quan trọng. Công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều cơ hội đổi mới, nhưng kèm theo đó vẫn là những thách thức cần được giải quyết đồng bộ, triệt để. Môi trường số, đặc biệt là trên không gian mạng, đòi hỏi các tác giả cần được bảo vệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Vì thế, việc tham gia các Hiệp ước trên môi trường số là hành động góp phần giải quyết những thách thức đặt ra bởi công nghệ kỹ thuật số hiện nay, đặc biệt là bảo hộ các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo, lưu trữ, phổ biến và sử dụng trên mạng internet.

Trình bày tham luận tại Hội nghị, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, Luật mới ban hành sẽ có thêm nhiều quy định nhằm siết chặt quản lý, buộc các bên liên quan phải thực thi Quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan một cách chặt chẽ hơn nữa. Với những quy định được nêu ra trước đó, bà khẳng định: “Sẽ không còn những vấn đề các bên vô tư khai thác tác phẩm mà không đoái hoài gì đến lợi ích của chủ thể, tác giả. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa Luật sẽ hạn chế hạn chế sự tiếp cận của người dân với những tác phẩm văn học - nghệ thuật phổ biến trong đại chúng. Các quy định vẫn có độ mở nhất định, nhằm tạo điều kiện để người dân được tiếp cận, tìm hiểu một cách hợp pháp, dễ dàng các tác phẩm này và thụ hưởng những giá trị mà các tác phẩm đó đem lại. Một số ngoại lệ cũng được Luật đưa ra dành cho những người khuyết tật, nhằm tạo cơ hội được tiếp cận tri thức với đối tượng gặp nhiều thiệt thòi này”. Đồng thời, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cũng nhấn mạnh việc tích cực, chủ động tham gia các Điều ước cũng là cách làm hiệu quả để chúng ta có thể Hội nhập quốc tế. 

Hội nghị - Hội thảo hướng dẫn, phổ biến là dịp để các cán bộ quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan, các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, các tổ chức  đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, các tổ chức khai thác và sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan trên toàn quốc tiếp nhận các quy định pháp luật mới về quyền tác giả, quyền liên quan; trao đổi, thảo luận góp ý cho việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực này. Góp phần đưa pháp luật Sở hữu trí tuệ đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên