Cao Bằng gìn giữ và bảo tồn các làn điệu dân ca
VOV.VN - Tỉnh Cao Bằng có kho tàng dân ca khá đồ sộ với hàng trăm làn điệu của các dân tộc Tày, Nùng, Mông và Dao. Đây là những di sản kết tinh từ trí tuệ bao đời, mang theo giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn sâu sắc, rất cần được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị và trao truyền cho những thế hệ sau.
Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng được thành lập từ năm 2011 và hiện có 10 chi hội được thành lập tại các huyện, thành phố với tổng số hội viên gần 2.200 người. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Tại một số huyện đã có phân hội đến tất cả các xã, thị trấn và bước đầu đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng thưởng thức văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
"Đầu tiên khi thành lập Câu lạc bộ bảo tồn dân ca thì chúng tôi định lấy tên là CLB hát then đàn tính đơn thuần nhưng nhận thấy trong tỉnh có rất nhiều làn điệu dân ca của các dân tộc thiểu số, sau khi bàn bạc thì chúng tôi quyết định lấy tên gọi là “Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng”, ông cho biết.
Hội quy tụ những người yêu dân ca tham gia trên tinh thần tự nguyện. Đầu tiên mới thành lập thì có Ban chấp hành tỉnh Hội và 70 thành viên, qua thời gian hiện đã có trên 2 nghìn hội viên và hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều đã thành lập được tổ chức Hội cấp huyện.
Những năm qua, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý được hàng chục bài dân ca các dân tộc gồm nhiều thể loại: Hát Then, lượn Then, Dá hai, Pụt Lằn, Xà xá, Sli Giang, Nàng ới, Hà Lều, Lượn Cọi, Lượn Slương, Hèo Phưn, Phong Slư...; thành viên các CLB còn tìm tòi, sáng tác hoặc đặt lời mới được trên 160 bài hát và nhiều tác phẩm được nhân dân yêu thích, phổ biến rộng rãi. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết thêm: "Hội viên lên kế hoạch tập luyện mỗi tuần từ 2-3 buổi để cùng nhau ôn lại những bài cũ, tập những bài mới. Có đầy đủ các làn điệu dân ca như Sli, lượn, đặc biệt là hát then, đàn tính, chị em đến tập luyện rất nhiệt tình. Các thành viên trong hội người thì sưu tầm, đặt lời, rồi cùng nhau tập luyện, ai biết những điệu then cổ thì hướng dẫn cho các hội viên trong chi hội".
Cùng với việc chủ động xây dựng các chương trình văn nghệ, hội thi hát dân ca... từng bước đáp ứng nhu cầu văn hóa của nhân dân, Thường trực Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các nghệ sĩ, nghệ nhân có tâm huyết tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật đàn và hát dân ca cho khoảng 600 học viên, góp phần tạo nên phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng sâu rộng trên địa bàn.
Bà Chu Thị Khuyên (xóm 4, Nam Phong, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), hội viên Hội bảo tồn dân ca thành phố Cao Bằng rất hào hứng với các đêm diễn tại phố đi bộ Kim Đồng: "Tôi biết gảy đàn tính từ rất lâu rồi, từ hồi còn đi học sư phạm cơ, bây giờ nghỉ hưu tôi mới có thời gian để luyện tập. Mỗi khi hội có lịch tập thì tôi lại đến tập cùng chị em, đến nay tôi cũng đã đàn hát thành thạo. Tôi rất tâm đắc với bộ môn hát then đàn tính. Tôi mong muốn Hội Bảo tồn dân ca sẽ ngày càng phát triển để góp phần bảo tồn các làn điệu dân ca các dân tộc của tỉnh mình".
Dân ca, dân vũ và các loại hình diễn xướng dân gian được hình thành trong đời sống lao động, tình cảm, tôn giáo và các sinh hoạt cộng đồng dân tộc thiểu số, gắn với đời sống, tinh thần, tín ngưỡng của đồng bào. Việc giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số sẽ góp phần nâng cao nhận thức và lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, công việc này là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng cũng như sự quan tâm đầu tư của các cấp, ngành./.