Chấn hưng văn hóa từ việc xây dựng con người
VOV.VN - Văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững, do vậy cần có một tầm nhìn xa, chiến lược, một nguồn lực ưu tiên thỏa đáng.
Mấy ngày nay, dư luận xã hội xôn xao trước con số 350 nghìn tỷ đồng mà ngành văn hóa đề xuất trình Chính phủ cho việc đầu tư chấn hưng, phát triển văn hóa. Nhiều người bảo, số tiền quá lớn, trong khi đất nước đang còn nhiều khó khăn, còn nhiều khoản cần đầu tư, đáng đầu tư hơn. Và đi kèm với đó là nỗi lo về sự xuất hiện ồ ạt những “tượng đài xấu xí”, những “bảo tàng, nhà văn hóa bạc tỷ bỏ hoang”… Vậy, 350 nghìn tỷ đồng đầu tư cho văn hóa liệu có phải là quá nhiều? Và đáng hay không đáng?
Còn nhớ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rất rõ: một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước giai đoạn này đó chính là xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, trong đó có việc “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hoá, phản văn hoá; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mỹ”.
Điều đó để thấy, chấn hưng văn hóa chẳng phải thứ gì cao siêu, cũng không phải ở đâu xa, mà bắt đầu trước hết từ việc xây dựng con người, từ gia đình, trường học đến xã hội. Chính môi trường văn hóa tạo ra con người văn hóa, con người văn hóa lại giữ vai trò chủ thể để giải quyết những bài toán căn cơ về phát triển văn hóa, để từ đó hình thành những giá trị chuẩn mực đạo đức, lan tỏa nét đẹp văn hóa đến mỗi người. Qua đó thực hiện nhiệm vụ văn hóa là sức mạnh nội sinh cho phát triển bền vững đất nước.
Nhưng, thực tế thì sao?
Mỗi ngày, chúng ta đều phải chứng kiến xung quanh mình, trên báo chí, các trang mạng xã hội… sự gia tăng không ngừng của tình trạng bạo lực, tội phạm, tệ nạn xã hội. Đau lòng thay ngay cả những người thân thích ruột thịt cũng sẵn sàng “xuống tay” sát hại nhau, để rồi dẫn đến những kết cục thật thương tâm. Rồi những vụ “đại án” mà thủ phạm lại nằm trong “bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”…
Biết bao nhiêu câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử, sự xuống cấp về đạo đức, băng hoại về lối sống, nhân cách… “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, đến mức nhiều người tự hỏi, điều gì đang xảy ra? Phải chăng chúng ta đang ở vào thời kỳ khủng hoảng, phai nhạt, “đứt gãy” các giá trị văn hóa truyền thống vốn có?
Không ít người đổ lỗi cho cơ chế thị trường, rằng chính sự tác động từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã khiến cho nhiều người, nhất là giới trẻ chạy theo lối sống thực dụng vật chất, đề cao giá trị đồng tiền, những thứ phù phiếm bề nổi, mà coi nhẹ các giá trị thực chất, bên trong, dẫn đến sự xuống cấp đạo đức xã hội. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng một phần. Còn có những nguyên nhân khác bắt nguồn sâu xa từ nền tảng văn hóa đang bị lung lay, từ nhận thức chưa đúng… Mà nếu như chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật, không dám thừa nhận thì sẽ rất khó để có được các quyết sách phù hợp.
Văn hóa như phù sa bồi đắp dần dần, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho tương lai và sự phát triển bền vững, do vậy cần có một tầm nhìn xa, chiến lược, một nguồn lực ưu tiên thỏa đáng. Ngay cả chủ trương xây dựng các thiết chế văn hóa, các không gian sáng tạo quy mô lớn, hiện đại, những “biểu tượng văn hóa quốc gia” - điều đó có gì sai và cũng là một nhu cầu hoàn toàn chính đáng, quan trọng vẫn là ở cách chúng ta triển khai thực hiện thế nào cho thật hiệu quả mà thôi.
Văn hóa Việt Nam đã, đang được đặt trong tâm thế mới, yêu cầu mới, với mục tiêu trọng tâm và cốt lõi là xây dựng con người. Vậy nên đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn về những giải pháp mang tính toàn diện cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới, để làm sao lan tỏa tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” như thông điệp mà ngành văn hóa đã đưa ra.
Chỉ khi chúng ta mang đầy đủ những giá trị phẩm chất, tinh thần Việt Nam, một công dân toàn cầu chân chính, thì chúng ta mới có được sự ghi nhận và một chỗ đứng xứng đáng. Và khi ấy, công cuộc chấn hưng văn hóa mới thực đúng nghĩa, đúng tầm...