Chủ tịch Hội Nhà văn: Việt Nam đang lạm phát các cuộc thi Hoa hậu
VOV.VN - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định: Rất ít Hoa hậu mang đến tác động tích cực cho xã hội, thậm chí họ còn gây ra tai tiếng trong hành động và đời sống riêng.
Người đẹp Huỳnh Trần Ý Nhi đến từ Bình Định đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 (Miss World Vietnam 2023). Tuy nhiên, ngay sau khi đăng quang, Ý Nhi liên tiếp vướng phải những ồn ào không hay liên quan đến các phát ngôn chưa chuẩn mực.
Từ vụ việc của Hoa hậu Ý Nhi, công chúng đặt ra câu hỏi: Liệu có cần phải quản lý chặt chẽ các cuộc thi sắc đẹp hay không? Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về những ồn ào trong phát ngôn gần đây của Hoa hậu Ý Nhi?
Tôi nghĩ Hoa hậu Ý Nhi không có ý ngạo mạn trong câu trả lời đó. Cô chỉ là người chưa được dạy dỗ kỹ lưỡng. Cô nói về những người nổi tiếng, câu trả lời về mặt nội dung không có vấn đề gì trầm trọng. Nhưng nó cho thấy sự thiếu hụt về hiểu biết, lịch sử, văn hoá, sự tinh tế trong cách ứng xử của một người trẻ 21 tuổi, đặc biệt còn là một Hoa hậu.
Ở đây không chỉ trường hợp của Hoa hậu Ý Nhi mà chúng ta nhận thấy hành vi, ngôn ngữ của một số người trẻ trên mạng xã hội, nơi công cộng,... khiến chúng ta phải lo lắng. Đó không phải ngôn ngữ của thời hiện đại. Tôi nghĩ một người bình thường nhất cũng sẽ không trả lời như vậy. Câu trả lời của Ý Nhi cho thấy sự thiếu hụt trong vấn đề văn hoá, ứng xử và hiểu biết của một tầng lớp trẻ.
- Những ồn ào đó có đáng để thu hồi danh hiệu, tước vương miện Hoa hậu Ý Nhi - như ý kiến của một số người trong thời gian gần đây?
Cách công chúng phản ứng về hành vi, ứng xử của Hoa hậu Ý Nhi là đúng. Bởi hoa hậu là đại diện của một bộ phận những cô gái nhan sắc, có sự hiểu biết, có văn hoá, lòng nhân ái... của một cuộc thi sắc đẹp.
Trước ý kiến đề nghị tước danh hiệu Hoa hậu, cá nhân tôi thấy không cần thiết trong trường hợp cụ thể này. Bởi câu trả lời này không phải một hành đồng phạm nguyên tắc gì trầm trọng về đạo đức, hay ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục mà chỉ là sai trong cách ứng xử tinh tế, thiếu hiểu biết, văn hoá nói chung thôi.
Vì cô đã nhận ra lỗi của mình và xin lỗi cộng đồng. Hãy để cô sửa chữa lỗi bằng các hoạt động của cô sau này đối với cộng đồng. Đây là bài học lớn cho Hoa hậu Ý Nhi và cả những người liên quan, quan tâm đến việc này như gia đình, nhà trường, cộng đồng cũng cần điều chỉnh cách giáo dục thế hệ trẻ sau này.
- Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam đang có tình trạng lạm phát các cuộc thi Hoa hậu, ý kiến của ông về vấn đề này?
Số lượng các cuộc thi Hoa hậu hiện nay nhiều quá. Cộng đồng, xã hội và cả cơ quan chức năng, quản lý cũng thấy rõ điều đó và cảm thấy không cần thiết. Bộ Văn hoá cũng giao cho các địa phương, các tỉnh quản lý các cuộc thi sắc đẹp
Trước kia, các cuộc thi Hoa hậu ở nước ta hay trên thế giới đều có mục đích tốt đẹp là tìm chọn ra những biểu tượng về đẹp về nhan sắc, hình thể, đẹp về tâm hồn, sự hiểu biết, trách nhiệm, lòng nhân ái,... với cộng đồng, xã hội.
Hoa hậu sau khi nhận vương miện, họ bước vào cuộc sống, với trách nhiệm kêu gọi thực hiện những điều tốt đẹp, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hoá, chia sẻ với những người khó khăn... Đó là tính giáo dục cao, nhân văn cao ở các cuộc thi sắc đẹp.
Hiện nay, Việt Nam đang lạm phát các cuộc thi Hoa hậu. Cuộc thi sắc đẹp tràn ngập khắp nơi, chất lượng quá yếu, thậm chí gây phản cảm thì cần phải giảm bớt. Vì chắc chắn đây không phải là yếu tố kích cầu cho sự phát triển xã hội ở mọi nghĩa.
Bộ VHTT&DL và các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại cách tổ chức các cuộc thi Hoa hậu để làm sao các cuộc thi sắc đẹp phải mang lại tinh thần đẹp đẽ, trong sáng, đầy văn hoá của cộng đồng, kêu gọi, hướng con người ta đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
- Các cuộc thi sắc đẹp đều đưa ra những sứ mệnh rất cao cho người đăng quang, thế nhưng thực tế dường như rất khác?
Tôi nghĩ cuộc thi sắc đẹp trước hết trao cho một người đủ với các tiêu chuẩn được đề ra và kêu gọi Hoa hậu đó có hành động đối với xã hội là mục đích của cuộc thi.
Có những Hoa hậu làm được, có người không làm được. Rất ít Hoa hậu sau khi đăng quang, mang đến những tác động sau đó cho xã hội. Thậm chí ngược lại họ còn mang đến những vấn đề tai tiếng trong quan hệ, hành động và cả đời sống riêng tư nữa.
Tôi nghĩ không nên đặt vấn đề lớn quá hay sứ mệnh cao cả quá cho hoa hậu. Thực tế, Hoa hậu ở Việt Nam lâu nay, ít người dấn thân, dùng nhan sắc, tên tuổi, danh tiếng được xã hội hay một tổ chức thừa nhận, để làm điều tốt đẹp cho con người, cho cộng đồng.
Cho nên bây giờ, ấn tượng với Hoa hậu làm điều gì tốt đẹp cho cộng đồng nói chung, chúng ta chưa thấy được bao nhiêu cả.
Nhiều người đặt câu hỏi, các cuộc thi sắc đẹp mang lại điều gì cho công chúng? Trong thời gian qua, chúng ta đều dễ dàng nhận ra các cuộc thi Hoa hậu vẫn mang tính cá nhân của các tổ chức, các nhóm người thực hiện chứ lợi ích cho cộng đồng, cho công chúng quá ít, thậm chí không có.
Các cuộc thi sắc đẹp hình như là vấn đề của kinh doanh, lợi ích của một nhóm, một tổ chức nhỏ chứ không phải sinh hoạt cộng đồng mà chúng ta cần thúc đẩy.
- Theo ông, liệu đã tới lúc chúng ta cần hạn chế các cuộc thi Hoa hậu chưa?
Tôi cho rằng các cuộc thi Hoa hậu ngày càng nở rộ mà không mang lại lợi ích gì nhiều cho xã hội, không tác động đến sự phát triển, giáo dục, kinh tế,... thì nên hạn chế.
Việc hạn chế các cuộc thi Hoa hậu kém chất lượng không có gì khó. Chúng ta cần xem xét lại cách thức, quy định, quy chế tổ chức cuộc thi, đánh giá đúng tính chất, ý nghĩa các cuộc thi đó có cần thiết cho xã hội không.
Để từ đó, cơ quan đứng đầu là Bộ VHTT&DL sẽ quyết định, xem xét, đưa ra những nghị định, quy chế đối với một cuộc thi nhan sắc, đảm bảo chất lượng. Ban tổ chức các cuộc thi phải có ý thức thực hiện. Cùng với đó, phải có chế tài rõ ràng cho các cuộc thi gây phản cảm, có hành vi không văn hoá, tác động xấu với xã hội. Chỉ những cuộc thi ở cộng đồng lớn, có tác động xã hội, mang lại điều gì đó, đặc biệt là thế hệ trẻ thì mới được ủng hộ và tiến hành.