Chùa MuNiRenSây - nơi nuôi dưỡng ước mơ nhiều thế hệ sinh viên người Khmer
VOV.VN - Bà con Khmer chủ yếu theo Phật giáo Nam tông nên chùa chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa. Riêng chùa MuNiRenSây ở thành phố Cần Thơ còn là điểm tựa của bao thế hệ sinh viên người Khmer từ các tỉnh đến học tập.
Chùa MuNiRenSây tọa lạc ngay trung tâm thành phố Cần Thơ, trên Đại Lộ Hòa Bình, thuộc phường An Cư, quận Ninh Kiều, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con Khmer. Nơi đây thường xuyên diễn ra các nghi lễ truyền thống của đồng bào Khmer nhân các dịp lễ hội lớn như: Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, Sen ĐônTa, Ooc Om Boc, lễ nhập hạ, lễ dâng y…
Theo ông Lý Sương, à char chùa MuNiRenSây, Cần Thơ không có nhiều chùa Khmer như các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... Riêng trên địa bàn quận Ninh Kiều chỉ có 2 chùa, trong đó có chùa MuNiRenSây, được xem là trung tâm văn hóa cộng đồng, nơi các vị sư sãi tu học và là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống của đồng bào Khmer, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
À char Lý Sương cho biết thêm: “Cũng như các chùa Khmer khác, chùa MuNiRenSây là nơi để bà con sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, thực hiện các nghi thức, nghi lễ truyền thống. Nhờ có chùa nên bà con Khmer sinh sống, học tập, làm việc tại trung tâm thành phố Cần Thơ cũng thuận tiện trong việc hành lễ, giữ gìn các phong tục, tập quán của dân tộc mình. Dù điều kiện mỗi chùa có khác nhau nhưng chùa MuNiRenSây vẫn làm tốt việc lưu giữ văn hóa cho cộng đồng Khmer”.
Cần Thơ là trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, nên thu hút rất lớn lượng sinh viên các tỉnh khác về đây học tập. Trong đó, có nhiều em sinh viên người dân tộc Khmer.
Chùa MuNiRenSây từ lâu đã xây dựng một tăng xá khang trang 4 tầng, là nơi ở miễn phí cho khoảng 30 vị sư sãi tu học và 60 sinh viên đang theo học tại các trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ, góp phần giúp các em và gia đình giảm nhẹ một phần chi phí trong học tập, nhất là đối với các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Em Lâm Sô Phép, quê ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, hiện ở tăng xá chùa MuNiRenSây chia sẻ: “Gia đình em ở nông thôn làm ruộng, kinh tế cũng chỉ đủ trang trải hàng ngày. Em đi học xa nhà sẽ tốn thêm nhiều chi phí. Do vậy, khi xin được vào ở trong tăng xá của chùa, em rất vui vì tiết kiệm được một phần chi phí trong quá trình học tập, đỡ áp lực cho gia đình. Ở chùa có các vị sư sãi và sinh viên Khmer các tỉnh đến học tập, em cảm thấy vui và ấm áp hơn”.
Còn em Thạch Phi Công, quê ở huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, bộc bạch: “Em thấy ở trong chùa có nhiều lợi ích, đặc biệt là ở tại trung tâm. Ngoài việc giảm được chi phí phải thuê nhà trọ, thì em được sinh hoạt trong môi trường tập thể, đông người, giúp em có được những trải nghiệm quý báu để sau này đi làm việc hay giao tiếp ngoài xã hội. Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội được nghe sư thuyết pháp nói về điều hay lẽ phải, được học kinh kệ, học chữ Khmer, chùa cũng thường xuyên tổ chức các nghi thức, lễ hội truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, nhà chùa còn khuyến khích động viên các bạn có năng khiếu văn nghệ hướng dẫn nhau để bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer”.
Bác sĩ Thạch Sóc Khai ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là cựu sinh viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ, trước đây cũng ở tăng xá chùa MuNiRenSây cho biết: “Hồi trước, khi còn là sinh viên tôi cũng tá túc ở chùa MuNiRenSây. Có được ngày hôm nay, tôi luôn nhớ về những ngày tháng sống ở đây, tôi học được rất nhiều điều, nhất là được học thêm kinh kệ, vả lại còn được gặp các bạn sinh viên ở nhiều tỉnh, thương mến nhau như anh em một nhà. Tôi nguyện sau này sẽ tranh thủ thời gian để đến tham gia, phụ giúp nhà chùa chuẩn bị các phần việc trong dịp lễ hội để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình ngày càng được tốt hơn”.
Theo Thượng tọa Trần Sol, sư cả chùa MuNiRenSây, tăng xá chùa là nơi ở của bao thế hệ sinh viên Khmer đến từ các tỉnh như An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh… Nhà chùa luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các em sinh hoạt, học tập, nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính với các em và gia đình, mong các em có được tương lai tươi sáng để sau này giúp ích cho xã hội.
“Sư cảm thấy rất vui, với vai trò là sư cả chùa MuNiRenSây. Nhà chùa luôn tạo điều kiện cho nhiều thế hệ sinh viên người Khmer các địa phương đến học tập ở thành phố Cần Thơ và luôn sẵn sàng tiếp nhận, động viên khuyến khích các em đến tá túc để học tập, nhằm góp phần tiết giảm chi phí sinh hoạt, giúp các em an tâm học tập để sau này có nhiều đóng góp quốc gia, dân tộc. Thời gian qua, nhiều người đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho xã hội, nhà chùa rất mừng về điều này. Bên cạnh đó, các cựu sinh viên từng ở chùa MuNiRenSây, khi có dịp là ghé thăm chùa và chia sẻ động viên các em thế hệ sau học tập tốt hơn” - Thượng tọa Trần Sol chia sẻ thêm.
Chùa MuNiRenSây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, mà còn là điểm tựa, nâng bước bao thế hệ sinh viên người dân tộc Khmer đến học tập tại thành phố Cần Thơ. Qua đó, góp phần tạo ra đội ngũ trí thức người dân tộc thiểu số, nhằm phục vụ cho sự phát triển của quê hương, đất nước.