Cờ chữ Việt - Thú chơi tao nhã ngày xuân
VOV.VN - Được kế thừa và sáng tạo từ thú chơi chữ tao nhã của ông cha để lại, bộ môn“Cờ chữ Việt” không chỉ giúp người chơi hướng đến những giá trị sống đẹp, sống có ích mà còn góp phần tương tác với các tư duy hội nhập và hướng đến hành động thành công trên đường đời.
Được giới thiệu trong những ngày đầu xuân tại trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ và di tích Văn Miếu- Quốc tử giám, Hà Nội., “Cờ chữ Việt” đã trở thành trò chơi hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.
Thông qua hướng dẫn tận tình của ông Bùi Chính Hưng, người sáng tạo bô môn “Cờ chữ việt”, chỉ trong vòng 10 phút, anh Nguyễn Đình Duy, quận Ba Đình, Hà Nội đã nhanh chóng nắm bắt được quy luật của trò chơi. Với anh Duy, điểm thu hút của trò chơi này không phải là dễ học mà là ý nghĩa được ghi trên mỗi quân cờ.
Ông Hưng nói: “Tôi thấy đây là một trò chơi rất ý nghĩa. Khi chơi cờ này, vừa chơi vừa chiến thuật đánh, mình hiểu được làm thế nào để trở thành một doanh nhân tốt. Có 4 thứ tôi rút ra được để làm một doanh nhân tốt và xây dựng công ty. Tôi cũng muốn xây dựng một công ty như thế, tức là phải có tư duy đúng, phương pháp hay, hành động và mình phải định nghĩa được thành công của công ty là như thế nào. Cờ chữ này rất dễ học, luật chơi khá đơn giản, quan trọng mình chơi và ngẫm đượ cái suy nghĩ đằng sau người tạo trò chơi này, cái đấy mới khó”.
Tìm hiểu và thử chơi vài ván “Cờ chữ Việt”, chị Mai Phương Thảo, quận Long Biên lại có những suy ngẫm liên hệ với thực tế cuộc sống và công việc hiện tại, điều mà rất hiếm các trò chơi hiện nay có thể mang lại: “Bộ môn này phản ánh rất đúng thực tế, khi chơi mình cũng hiểu thêm nhiều về văn hóa Việt Nam. Ví dụ như cách dùng câu từ hay những giá trị người Việt Nam luôn hướng đến khi làm việc hay khi đối nhân xử thế.. Mình thấy một con cờ khá hay là thành công các bên. Ví dụ như mình phải đối xử với tất cả các bên như nhau, khi thành công thì không thể nào chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân mà còn phải nghĩ đến tất cả mọi người xung quanh, như nhân viên, đối tác. Khi chơi cờ bản thân cũng lắng xuống, có sự kiên nhẫn hơn, cũng cảm nhận được bản thân mình sẽ nên đi những hướng nào trong cuộc sống”.
Khơi gợi sự tò mò và thu hút người chơi như vậy, là bởi “Cờ chữ Việt” rất khác với các bộ môn cờ thông thường. Bộ môn này còn có tên gọi khác là Cờ doanh nhân. Ván cờ mô phỏng cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập, mà cụ thể là các doanh nhân trên tiêu chí cốt lõi là giành người tài. Trong khi ở các môn cờ khác lại mô phỏng trận đánh giữa các quốc gia mà người đứng đầu là các vị Tướng như ở môn Cờ tướng, vị Vua ở môn Cờ vua….
Ván Cờ chữ Việt được tiến hành giữa hai đấu thủ, một người cầm quân Doanh nhân Chủ động (gọi tắt là bên Chủ động), một người cầm quân Doanh nhân Thụ động (gọi tắt là bên Thụ động). Mục đích của mỗi đấu thủ là tìm mọi cách di chuyển quân Doanh nhân tới các “Tổ hợp Thành công” để phóng tên lửa ăn quân theo theo đúng luật sao cho ăn được nhiều quân nhất trên bàn cờ, bên nào ăn được nhiều sẽ giành thắng lợi. Đây là môn thi đấu trí tuệ, đòi hỏi người chơi phải có tính toán chiến thuật để đưa ra những bước đi hợp lý, qua đó giành chiến thắng trước đối phương.
Theo ông Bùi Chính Hưng, tác giả của “Cờ chữ Việt”, bộ môn có nhiều thể thức khác nhau phù hợp với mọi lứa tuổi. Đặc biệt, với người ham mê, tìm hiểu sâu ý nghĩa của các quân cờ, bộ môn này còn định hướng cho người chơi những bài học có thể vận dụng trong cuộc sống: “Đây là trò chơi phù hợp với thời hội nhập ngày nay, dễ thâm nhập với các bạn trẻ, với các lứa tuổi. Nó rất đơn giản, chỉ mất 5- 10 phút giới thiệu, hướng dẫn thế là chơi được rồi. Còn khi chúng ta muốn chơi giỏi thì phải luyện tập, phải tìm hiểu sâu hơn thế. Còn nếu chúng ta muốn khai thác nhiều hơn nữa thì đào sâu tìm hiểu thêm về tư duy hội nhập, để khai thác lợi ích cho chính chúng ta và những người xung quanh, giúp cho cá nhân chúng ta sẽ hoàn thiện bản thân mình, hướng theo cái chân thiện mỹ, những điều hay lẽ phải tốt đẹp, làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta và cả xã hội tốt hơn".
Cờ chữ Việt không chỉ thu hút được sự quan tâm của tầng lớp người trung niên, không ít các em học sinh, sinh viên cũng bày tỏ đam mê với bộ môn vừa truyền thống vừa hiện đại.
Tình cờ biết đến “Cờ chữ Việt” tại Văn Miếu- Quốc tử giám cách đây 4 năm, đến nay, bạn Phan Thị Lan Dương, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Em bắt đầu tìm hiểu, mày mò để hiểu sâu hơn về nó và hiểu cách chơi, tức là nước đi này có ý nghĩa gì, chứ không đơn giản mình chơi thắng để thắng đối thủ. Từ năm nhất đến năm 4, mình đã gắn bó với cờ này, mình rèn luyện được tính kiên nhẫn, đấy là đức tính quan trọng nhất khi em tham gia cờ này”.
Còn Vũ Đức Thắng, Đại học Điện lực không những yêu thích bộ môn trí tuệ này mà còn rèn luyện cho bản thân những thói quen và tư duy tốt trong con đường học tập: “Những quân cờ mang những bài học khác nhau, trên mỗi nước đi thứ nhất mình sẽ thu thập được nhiều và sau đó sẽ sử dụng những quân cờ thu thập được sao cho hợp lý, như kiểu mình đầu tư sao cho có thể thu hồi lại và không bị đối thủ cạnh tranh mất. Qua môn cờ này thì bản thân em thấy giúp cho mình phát triển tư duy nhiều hơn và có những mục tiêu rõ ràng trong học tập, trong tương lai”.
Không chỉ xoay quanh thi đấu trí tuệ như các bộ môn cờ truyền thống khác, Cờ chữ Việt còn là bộ môn tương tác với các tư duy hội nhập cũng như các thói quen hành động tốt của những người thành công. Chơi Cờ chữ Việt hoàn toàn không khó nhưng để chơi giỏi thì cần phải hiểu, phải luyện. Nhưng điều đặc biệt, trong “Cờ chữ Việt” dù ván chơi có người thua, người thắng nhưng ai cũng thấy được bài học của bản thân trong cuộc sống. Điều này càng ý nghĩa hơn, khi qua mỗi ván cờ, người chơi được lắng lại để suy ngẫm về những dự định và hướng đi trong năm mới.