Công bố gần 100 châu bản và nhiều tư liệu về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế
VOV.VN - Chiều nay (17/1), tại Quảng trường Ngọ Môn, Đại Nội, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức Triển lãm “Kinh thành Huế- Dấu xưa còn lại”.
Triển lãm gồm 2 phần: “Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế trong dòng lịch sử” và “Kinh thành Huế- Dấu tích một triều đại”. Triển lãm lần đầu tiên công bố gần 100 châu bản lưu hình dấu và bút tích ngự phê cùng nhiều tư liệu, hình ảnh về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế. Những tài liệu, tư liệu và hình ảnh này được triển lãm ngay khu vực Kỳ Đài, Thượng thành, Kinh thành Huế để du khách đến với Huế có thêm thông tin về một nét xưa thành cũ trên đất cố đô.
Từ nửa đầu thế kỷ XVII, Thuận Hóa-Phú Xuân đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ. Đầu thế kỷ XVIII, đất này trở thành đô thành của Đàng Trong. Dưới triều Tây Sơn, đất Phú Xuân này được vua Quang Trung chọn làm kinh đô. Sau khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, Phú Xuân lại trở thành kinh đô của triều Nguyễn. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long muốn “mở rộng đô thành để làm nơi bốn phương chầu hội”.
Năm 1803, vua sai giám thành là Nguyễn Văn Yến ra “bốn mặt ngoài đô thành cũ Phú Xuân đo cắm để mở rộng thêm”. Đến năm 1805, Vua bắt đầu cho xây đắp Kinh thành. Việc xây đắp Kinh thành kéo dài đến năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) mới hoàn thành. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa ở thành phố Huế cho biết: Đây là hoạt động mở đầu cho việc khai thác di tích Huế ở một hướng khác, tạo đều kiện để công chúng đến với Thượng thành mà không phải chỉ nhìn ngắm những bức thành, những pháo nhãn, những lối dạo mà còn kết hợp với hình ảnh để hiểu sâu hơn về Kinh thành Huế.
“Đó là giới thiệu với công chúng một hệ thống tư liệu kể cả 100 châu bản của Triều Nguyễn, những tấm ảnh đã có từ thế kỷ XIX trở về sau, những tập bản đồ cổ. Tất cả kết thành một hệ thống giới thiệu kinh thành Huế, không phải chỉ lúc vua Gia Long xây dựng kinh thành mà Huế còn là vùng đất biên cương Thừa Thiên - Thuận Hoá cho đến thủ phủ các Chúa Nguyễn... Một hệ thống các tư liệu rất đáng tin cậy, lấy từ châu bản triều Nguyễn”.
Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, Kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ nhất và quy mô nhất. Sau khi hoàn thành, Kinh thành Huế nằm bên bờ Bắc sông Hương, gồm 3 vòng thành là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành, các công trình này đều quay mặt về hướng Nam. Kinh thành Huế được xây dựng theo kiến trúc Vauban với 24 pháo đài quanh thành bố trí cách đều nhau.
Phía bên ngoài thành có một hệ thống hào, sông bao quanh vừa có chức năng bảo vệ Kinh thành, vừa có chức năng giao thông đường thủy. Phía bên trong có sông Ngự Hà là đường thủy duy nhất vắt ngang Kinh thành. Cùng với đó là hệ thống cửa của Kinh thành với 10 cửa chính thông ra ngoài thành, 1 cửa thông tới Trấn Bình đài và 2 cửa thủy quan ở phía Đông và Tây trên dòng Ngự Hà.
Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: “Chúng tôi muốn lan tỏa những giá trị của tài liệu châu bản. Những giá trị liên quan đến câu chuyện về xây đắp kinh thành của người xưa, việc chỉ đạo những người dân để xây đắp kinh thành. Thông qua cuộc triển lãm này, công chúng đến với Huế không chỉ tham quan di tích mà còn hiểu hơn về câu chuyện về văn hóa lịch sử của mảnh đất cố đô”.
Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Những dấu xưa thành cũ đó và cả những công trình còn hiện hữu của Kinh thành Huế vẫn in dấu trong từng trang Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.