Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Tấn công mạng có thể giết chết một cá nhân
VOV.VN - Tại Hội nghị bàn về công nghiệp văn hóa của Việt Nam, Đạo diễn Hoàng Nhật Nam (Công ty Sen Vàng) bày tỏ lo ngại sản phẩm văn hóa chịu tác động tiêu cực từ các nền tảng mạng xã hội. Bên cạnh đó, những hội anti điều hướng dư luận có thể giết chết tương lai, danh dự của một người...
Xã hội ngày càng phát triển, hiện đại, con người càng được tự do bày tỏ quan điểm, cách nhìn của mình về một vấn đề nào đó. Vì thế, trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều nhóm anti-fan - được hiểu như là nhóm người hâm mộ của một cá nhân, tổ chức này sử dụng mạng xã hội để chống lại một cá nhân, tổ chức khác không cùng quan điểm, lợi ích.
Thời gian qua, nhiều nhóm anti-fan trên mạng xã hội không dừng lại ở việc đóng góp, phê bình mà đã đi quá giới hạn, gây ra hậu quả nặng nề về vật chất lẫn tinh thần cho nạn nhân.
Hiện tượng tấn công mạng gây nhức nhối
Tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, Đạo diễn Hoàng Nhật Nam (Công ty Sen Vàng) chia sẻ: "Tôi là một đạo diễn gắn với các hoạt động tổ chức biểu diễn, gắn liền với các show như show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, các lễ hội lớn như Festival Hoa Đà Lạt, các liên hoan phim Việt Nam, liên hoan phim quốc tế, tổng đạo diễn của nhiều cuộc thi hoa hậu trong nước và quốc tế, các chương trình truyền hình thực tế, giải trí trên truyền hình và các nền tảng mạng xã hội, chương trình thời trang…
Đây là một cuộc chơi cũng lắm công phu và những công ty về giải trí về văn hóa như chúng tôi trong những năm qua cũng rất cố gắng, rất chật vật, đôi khi phải "lấy lỗ làm lời", "lời" ở đây là về mặt quảng bá văn hóa, danh tiếng để có thể hy vọng khi nền kinh tế tốt hơn sẽ có những dự án hấp dẫn, giúp cho công ty được tốt hơn."
Đạo diễn bổ sung thêm: "Thế giới hiện nay phân định giữa thế giới thực và không gian mạng (thế giới ảo). Ai cũng gắn với một chiếc điện thoại thông minh, có nhiều tính năng hơn cả một phương tiện, nó còn được xem là một người bạn. Như vậy chúng ta thấy những nội dung video dạng ngắn là xu hướng giải trí, truyền thông có tác động mạnh những năm gần đây với nội dung rất phong phú và trải dài từ nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, đến du lịch văn hóa cũng như trải dài trên các nền tảng như Facebook Watch, Instagram, YouTube Shorts và không thể không nhắc đến TikTok."
Song song với đó, nam đạo diện bày tỏ lo ngại về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội hiện nay: "Hiện nay Gen Z là thế hệ thường xuyên sử dụng những nền tảng này áp đảo hơn các nền tảng khác và xây dựng những video dạng ngắn rất hấp dẫn, có sức lan tỏa, sức tiêu thụ rất rộng lớn. Tuy nhiên, điều đó cũng hạn chế khả năng tư duy cũng như trí tưởng tượng phong phú của người dùng. Thông qua những nền tảng như này, tôi cũng thấy hiện tượng tấn công mạng, những hội nhóm anti, điều hướng dư luận có thể giết chết một cá nhân hoặc một tập thể, giết chết tương lai, danh tiếng và ảnh hưởng đến kinh tế của tổ chức, cá nhân rất nhiều."
Kết hợp giữa văn hóa và giải trí
Nói về vấn đề này, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ: "Tôi cũng muốn nói đến trường hợp của Việt Nam trong công nghiệp văn hóa dựa trên nghệ thuật biểu diễn và văn hóa du lịch, là thế mạnh đầy tiềm năng. Tôi là đạo diễn show Tinh hoa Bắc Bộ ở Chùa Thầy (Hà Nội). Show diễn ra đời từ năm 2017, trải qua những năm khó khăn vì COVID, với 60 phút của chương trình, tôi nhận thấy tất cả khán giả, du khách quốc tế đều rất ấn tượng và cảm thấy tiếp cận được với văn hóa Việt Nam chỉ trong thời lượng rất ngắn. Nhưng buổi diễn cũng gặp rất nhiều khó khăn và nhiều khi nghĩ đến phương án đóng chương trình với rất nhiều lý do khác nhau sau những năm bị ảnh hưởng COVID như việc kiểm soát về con người, hư hao về trang thiết bị, tìm kiếm nguồn khách… Hiện nay show chỉ diễn ra một ngày thứ 7, chúng tôi mong muốn được diễn nhiều hơn để buổi diễn có sức sống, lan tỏa được nhiều hơn.
Tiếp đến là việc kết hợp giữa văn hóa và thông qua các hình thức giải trí. Vừa qua, chúng tôi đã tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế. Trong 23 ngày, chúng tôi đã dẫn thí sinh qua rất nhiều di sản từ Hà Nội, Hạ Long đến Đà Nẵng, Huế, Hội An, TPHCM. Thí sinh được trải nghiệm, mặc những trang phục truyền thống, áo tứ thân, áo dài, áo bà ba, nấu những món ăn, sử dụng những nền tảng công nghệ livestream cá nhân của từng người để lan tỏa. Mỗi thí sinh của hơn 70 quốc gia đóng vai trò là những đại sứ.
Tôi rất mong, các cuộc thi hoa hậu hiện nay đang bão hòa, nên có sự kiểm soát các cuộc thi uy tín, nghiêm túc; cấp phép và rà soát để không xảy ra những kiện tụng về xâm phạm bản quyền. Điều này làm cho doanh nghiệp rất mất thời gian, mất đi sức sống, thiệt hại về kinh tế trong khi có thể làm những việc khác to lớn hơn.
Chúng tôi cũng thực hiện rất nhiều dự án xây nhà tình thường, xây trường… hàng chục tỷ đồng, truyền cảm hứng. Tôi mong các thủ tục cấp phép và việc kiểm soát giúp phân định chất lượng hoạt động của các công ty, như vậy sẽ hỗ trợ tốt hơn cho những doanh nghiệp làm tốt."