Đi lễ đầu năm

VOV.VN - Phong tục đi lễ chùa ngày đầu năm mới luôn được người Việt trân trọng, gìn giữ và phát huy. Ngày đầu năm mới, đi đến chốn thiêng cửa Phật, lòng người sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn, mọi phiền lo cũng lùi về chốn khác, mở lòng đón nhận những điều tươi mới, tốt đẹp.

Trong tâm thức người Việt từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa của việc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới, mà còn mang đậm nét tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài tục lệ cúng gia tiên, người dân thường tìm về các đền, chùa để cầu phúc, cầu may cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.

Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, rất nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an, cầu tài, cầu lộc. Lúc này, các sân chùa, sân đình bỗng trở nên đông đúc, chùa rực sáng ánh đèn, nến, vào sâu bên trong, hương khói nghi ngút tỏa ra từ các bàn thờ.

Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh

Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh

Chị Quách Thị Thu (40 tuổi, ngụ tại Quận Phú Nhuận) chia sẻ: Hằng năm, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên tại nhà, chị đi lễ chùa, vãng cảnh, tìm sự thanh tịnh nơi của Phật để xua đi những những nhọc nhằn vất vả trong cuộc mưu sinh, tìm lại những giá trị “Chân – Thiện – Mỹ” trong con người:

"Lễ chùa đầu năm mới là một hoạt động theo thói quen của gia đình chị. Mình cúng giao thừa xong, chưa có hết tàn nhang nữa là gia đình chị mở cửa ra đi chùa. Mình thưởng thức không khí gọi là giao thời, ở một nơi thanh tịnh, mình cảm thấy bình yên, một năm mới nhiều năng lượng hơn.

Những năm trước, mình đi chùa cũng cầu sức khỏe, bình an may mắn. Nhưng mà sau này, chị đến chùa chỉ để ngắm phật, vãn cảnh thưởng thức không khí bình yên ở chùa là đủ rồi".

Người dân Việt Nam đi chùa còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái. Đặc biệt, tiếng chuông chùa ngân vang giữa đất trời, khói nhang quyện tỏa, màu sắc đèn hoa và những nụ cười nơi cửa Phật... tất cả đã tạo nên không khí yên bình, tâm hồn thanh tịnh.

Nói về thói quen đi lễ chùa đầu năm của người Việt, TS Dương Hoàng Lộc – GĐ Trung tâm Tôn giáo – Đạo đức (Trường ĐH Khoa học Xã Hội Nhân văn TPHCM) nhận định: Đây là một nét văn hóa Phật giáo, là nhu cầu tâm linh của nhiều thế hệ người dân Việt Nam:

"Cái phong tục đi lễ chùa đầu năm hiện nay bắt đầu từ đêm giao thừa. Người ta đến chùa thấp hương lễ phật, xin lộc. Sau đó, người ta tổ chức đi hành hương thập tự đầu năm. Và như vậy, phong tục đi lễ chùa đầu năm kéo dài cho đến Rằm tháng Giêng.

Đầu năm đi hành hương thập tự nó mang một ý‎ nghĩa văn hóa. Con số 10 là con số viên mãn, gắn với 10 phương Chư Phật. Người ta đến chùa đến với 10 phương chư Phật để cầu an, cầu phúc cho bản thân, cho gia đình.

Đi đến chùa còn là cơ hội để người ta đến với môi trường tâm linh, hướng thiện, phát khởi những điều lành, đưa người ta trở về với những giá trị truyền thống của dân tộc.

Và đi hành hương đầu năm còn là cơ hội để con người trải nghiệm những giao hòa với thiên nhiên, làm cho tâm hồn con người trong trẻo hơn, hướng ta đến lối sống hào hợp với thiên nhiên, hướng thiện, hướng thượng".

Theo dòng thời gian, phong tục đi lễ chùa đầu năm mới của người Việt cũng có nhiều thay đổi. Nếu như ngày xưa người dân đi viếng chùa bằng ghe, thuyền hay đi bộ thì ngày nay phương tiện đi lại dễ dàng hơn.

Chúng ta có thể viếng những chùa xa ở các địa phương bằng xe máy, oto con… Thứ hai, các chùa chiềng tu bổ khang trang hơn, trang trí bắt mắt… đáp ứng nhu cầu đi lễ chùa ngày càng đa dạng của người dân.

TS Dương Hoàng Lộc cho biết thêm: "Ngày nay thì phương tiện đi lại nó dễ dàng hơn, tùy theo sở thích, nhu cầu, sinh hoạt nhóm... mà người ta có thể tổ chức những đoàn lớn, đoàn nhỏ đi hành hương.

Và thứ 2 là các chùa ngày nay thì phục vụ nhu cầu cho người dân đi lễ chùa như: thiết lập các khóa lễ cầu an, ban lộc, hái lộc, chưng bày đẹp mắt.

Đặc biệt nhiều chùa ở TPHCM trang trí những khung cảnh miền quê để người ta thấy nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Đó là những cái mới để mà đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu đi lễ chùa đầu năm của người dân".

Theo cuốn sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” đã được Thượng tọa Thích Thanh Duệ – Phó Viện trưởng Học viện Phật Giáo Việt Nam thẩm định và hiệu đính, NXB Văn hoá Thông tin, chùa là nơi thờ Phật, cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng công cộng của người Việt Nam từ xưa tới nay, mang ý nghĩa vô cùng to lớn.

Theo phong tục cổ truyền mọi người Việt Nam trong các ngày Rằm, mồng Một, ngày lễ Tết, cùng những ngày có việc hệ trọng, thường đến chùa lễ Phật với tấm lòng thành cầu khấn nhờ nghiệp lực vô biên của Phật, của chư vị Bồ Tát, Hiền thánh mà được thiện duyên, gặp may cầu cho được: mạnh khoẻ, sống lâu, tai qua, nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, có con nối dõi, yêu vui thân mệnh, gia đình hoà thuận, hạnh phúc an khang.

Việc sửa soạn đi lễ chùa đều có những quy định mà người hành lễ phải tuân thủ: Đến dâng hương tại các chùa chỉ được sắm các lễ chay: hương, hoa tươi, quả chín, oản phẩm, xôi chè… không được sắm sửa lễ mặn chư cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt mồi, gà, giò, chả…

Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực Chùa có thờ tự các vị Thánh, Mẫu và chỉ dâng ở đó mà thôi. Tuyệt đối không được dâng đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện (chính diện), tức là nơi thờ tự chính của ngôi Chùa.

Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Lễ mặn (nhưng thường chỉ đơn giản: gà, giò, chả, rượu, trầu cau…) cũng thường được đặt tại ban thờ hay điện thờ (nếu xây riêng) của Đức Ông - Vị thần cai quản toàn bộ công việc của một ngôi chùa.

Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng lễ Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì chủ đặt ở bàn thờ Thần Linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.

Tiền giấy âm phủ hay hàng mã kiêng đặt ở ban thờ Phật, Bồ Tát và cả tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện. Mà tiền, vàng công đức nên để vào hòm công đức đặt tại Chùa. Hoa tươi lễ Phật là: hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại…

Đi chùa lễ Phật vào những ngày đầu năm luôn mang lại cho người ta cảm giác bình an, thư thái. Khung cảnh nhẹ nhàng, mọi người từ tốn, khoan thai trong đối đãi, giao tiếp. Cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở chim hót, tất cả như khiến lòng người chẳng muốn vấn vương những muộn phiền đã cũ.

Mùi khói hương lan tỏa khắp không gian, mang lại những thanh tịnh cho cuộc đời, nhưng đây cũng là chi tiết khiến nhiều người ái ngại, chia sẻ về hai chữ “tâm hương”, TS Dương Hoàng Lộc đưa ra quan điểm của mình:

"Truyền thống của người Việt Nam mình đối với ông bà tổ tiên, thần thánh, phật thì phải thắp hương để gửi gắm tâm nguyện của mình. Nhưng mà đến chùa Đình Miếu hay tại nhà mình mà chúng ta thấp hương quá nhiều.

Đặc biệt là những nhang hương tẩm ướp các chất độc haị thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và cộng đồng. Cho nên, một số chùa gần đây người ta đã đưa cái lư hương ra phía ngoài sân và một số chùa người ta yêu cầu đến thì thấp một cây hương thôi, một số chùa thì thắp hương sẵn mình có nhiệm vụ chỉ lễ lạy không có thắp hương.

Đây là 1 sự chuyển hóa mà nhiều người cũng đã ý thức được rằng hương tẩm ướp như vậy không tốt cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng.  Chúng ta cũng phải có ý thức giữ sức khỏe bản thân và cộng đồng. Mình đến chùa với tâm thành nén hương lòng “tâm hương” thì rất là quý".

Đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ, là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Về nơi cửa Phật, lòng người sẽ lắng lại, thanh thản, nhẹ nhàng và bình yên!

Cuộc sống ngày càng hiện đại, văn minh nhưng nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn luôn được người dân lưu giữ, bởi cảm giác bình an nơi cửa Phật vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng, khó lòng thay thế.

Thuộc danh thắng Bái Đính - Tràng An, khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính là một quần thể chùa chiền rộng 539 ha, nằm trên núi Bái Đính, cách cố đô Hoa Lư 5km và cách thành phố Ninh Bình 12km. Đây là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng và linh thiêng nhất Việt Nam, mỗi năm đón đến hàng vạn Phật tử về hành hương cũng như các du khách trong và ngoài nước ghé thăm.

Cảm giác đầu tiên khi được đặt chân đến chùa Bái Đính có lẽ là sự choáng ngợp trước khung cảnh núi non bao la, quy mô và kiến trúc ấn tượng quần thể, cùng không gian đậm màu linh thiêng. Chùa Bái Đính được chia thành 2 khu vực:

Khu vực chùa cổ (Bái Đính cổ tự) được thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng từ năm 1136. Trải qua thời gian nghìn năm, các di tích cổ vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn như Hang sáng - Động tối, đền thờ thần Cao Sơn, đền thờ thánh Nguyễn, Giếng ngọc.

Khu vực chùa mới được xây dựng từ năm 2003, với các công trình kiến trúc ấn tượng, đặc trưng cho văn hóa Phật giáo Việt Nam như cổng Tam Quan, Bảo tháp, Điện Pháp chủ, hành lang La Hán với 500 pho tượng bằng đá xanh nguyên khối sống động, công viên văn hóa và học viện Phật giáo...

Kể từ khi xây dựng, chùa Bái Đính đã xác lập được nhiều kỷ lục tại Việt Nam và châu Á như: tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất Châu Á, tượng Phật Thích Ca cao nhất nặng nhất châu Á, chuông đồng lớn nhất nhất Việt Nam…

Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch đến chùa Bái Đính là từ tháng 1 - tháng 3 âm lịch khi tiết trời xuân vẫn còn mát mẻ. Bạn có thể kết hợp du xuân vãn cảnh, lễ chùa cầu may và tham gia các lễ hội lớn ở cả Tràng An và Bái Đính.

Là biểu tượng tâm linh gắn liền với vùng đất cố đô từ bao đời nay, chùa Thiên Mụ luôn đứng đầu khi nói đến những ngôi chùa đẹp ở Huế. Chùa còn có tên gọi là Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê, đối diện là dòng sông Hương thơ mộng, cách trung tâm TP Huế khoảng 5 km.

Vì sở hữu một khung cảnh vô cùng nên thơ và trữ tình nên chùa Thiên Mụ luôn là nguồn cảm hứng của bao tác phẩm nghệ thuật từ thi ca đến hội họa. Phong cảnh bình yên giữa thiên nhiên này đã khiến bao du khách phải bồi hồi, luyến lưu.

Chùa được xây dựng từ năm 1601, sớm nhất tại Huế. Qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, chùa Thiên Mụ được nhớ đến với những kiến trúc đặc trưng của cổng Tam Quan gồm 2 tầng và 3 mái đồ sộ, tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, Đinh Hương Nguyên, điện Quan Thế Âm...

Chùa Bửu Long nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 20 km, tọa lạc trên một ngọn đồi nằm về phía Tây của sông Đồng Nai, thuộc địa phận quận 9. Được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1942 và trùng tu vào 2007, chùa Bửu Long nay là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Sài Gòn, thu hút người dân thành phố và khách du lịch đến chiêm bái.

Ấn tượng đầu tiên mà chùa Bửu Long mang đến chính là nét kiến trúc độc đáo, hài hòa giữa văn hóa tín ngưỡng Thái Lan, Ấn Độ cùng đặc trưng phong cách thiết kế nhà Nguyễn. Chùa sử dụng tông màu trắng làm chủ đạo, tô điểm với những chi tiết đỉnh tháp hình chóp nhọn, mang màu vàng rực rỡ.

Với lối thiết kế nguy nga, tinh xảo trong từng bức tường điêu khắc và tượng đá sống động, chùa Bửu Long đã được National Geographic bình chọn là 1 trong 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới vào năm 2019.

Dù ở trong thành phố nhưng chùa Bửu Long vẫn được bao quanh bởi một rừng cây xanh tươi mát và thoáng đãng. Với vị trí đặc biệt này, chùa được rất nhiều người, không chỉ riêng khách hành hương, lựa chọn làm điểm đến để chay tịnh và ngồi thiền, tạm quên đi những xô bồ của nhịp sống hối hả.

Trong ngày, thời điểm lý tưởng nhất để tham quan chùa Bửu Long và vào lúc sáng sớm hoặc hoàng hôn. Đến đây vào buổi sớm, bạn sẽ được tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành, nắng cũng không quá gắt cho một chuyến đi dạo dưới những tán cây.

Còn nếu lưu lại chùa Bửu Long vào lúc hoàng hôn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cảnh ánh mặt trời vàng cam lặn dần trên đỉnh tháp vô cùng ấn tượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 có gì mới?
Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 có gì mới?

VOV.VN - Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn - khẳng định Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 có nhiều điểm mới, có chủ đề “an toàn, văn minh thân thiện".

Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 có gì mới?

Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 có gì mới?

VOV.VN - Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng BQL khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn - khẳng định Lễ hội chùa Hương Xuân Quý Mão 2023 có nhiều điểm mới, có chủ đề “an toàn, văn minh thân thiện".

Người dân TP.HCM đến chùa dự lễ Vu Lan, thả hoa đăng trên sông Sài Gòn
Người dân TP.HCM đến chùa dự lễ Vu Lan, thả hoa đăng trên sông Sài Gòn

VOV.VN - Tối 11/8 (tức ngày 14 tháng 7 âm lịch), nhiều chùa ở TP.HCM đã tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu, thu hút nhiều người dân, phật tử đến tham gia.

Người dân TP.HCM đến chùa dự lễ Vu Lan, thả hoa đăng trên sông Sài Gòn

Người dân TP.HCM đến chùa dự lễ Vu Lan, thả hoa đăng trên sông Sài Gòn

VOV.VN - Tối 11/8 (tức ngày 14 tháng 7 âm lịch), nhiều chùa ở TP.HCM đã tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu, thu hút nhiều người dân, phật tử đến tham gia.