Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ tái hiện điện Kính Thiên
VOV.VN - “Tái hiện điện Kính Thiên phải trên nền tảng khoa học, có sự đồng thuận trong nước và quốc tế”. Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại hội nghị giao ban Ban chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Khu Di tích Cổ Loa.
Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Đề án phát triển Chương trình giáo dục di sản và Kế hoạch nâng cao chất lượng điểm du lịch tại Di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long và Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Từ đầu năm đến nay đã có trên 250.000 lượt khách trong nước và quốc tế tham quan khu di sản Hoàng Thành Thăng Long và trên 135.000 lượt khách tham quan Khu di tích Cổ Loa. Nội dung bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long và thành Cổ Loa, được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là tái hiện điện Kính Thiên, phục dựng hệ thống thủy văn tại Khu di tích Cổ Loa và xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền.
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết: “Tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện hồ sơ khoa học, nhằm đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án tái hiện không gian chính điện Kính Thiên. Hoàn thiện hồ sơ kèm theo báo cáo đánh giá tác động của chuyên gia độc lập, vận động để nộp hồ sơ tại trung tâm di sản thế giới dự kiến vào quý 3/2023. Hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng với các hộ gia đình tại 28D Điện Biên Phủ trong năm nay. Tiếp tục nghiên cứu tái hiện kiến trúc chính điện mặt bằng, kiến trúc, quy mô chính điện Kính Thiên”.
Công tác khảo cổ, nghiên cứu di sản Hoàng Thành Thăng Long và Di tích Cổ Loa với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế, trong nước, có sự thống nhất trong đánh giá giá trị di tích. Riêng di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long đã khai quật khảo cổ học trên 990m2, phát lộ toàn bộ sân Đan Trì và sân Long Trì, đường ngự đạo, khảo cổ phần móng điện Cần Chánh... Thành phố Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý 91% diện tích di sản với trên 16,600ha. Còn trên 1,7ha đất khu vực di sản chưa tiếp nhận, do Bộ Quốc phòng và các hộ dân đang quản lý, sử dụng, thành phố Hà Nội đang thực hiện các công tác phục vụ giải phóng mặt bằng.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định việc bảo tồn phát huy giá trị di sản là việc làm hệ trọng. Thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư 14.000 tỷ cho công tác này. Bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di sản cần sự quyết tâm cao, đảm bảo đúng tiến độ để văn hóa thực sự là nguồn lực mới phát triển bền vững Thủ đô trong tương lai.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa phải hết sức cẩn trọng: “Chính trị là phải quyết làm, kinh phí phải quyết tâm bỏ ra, chậm ngày nào, nguy cơ mất ngày ấy. Giữ được các di sản chính là yêu cầu phát triển Thủ đô bền vững trong tương lai. Lộ trình tái hiện điện Kính Thiên cần đẩy nhanh khảo cổ, lập hồ sơ. Đây là việc hệ trọng nên không thể làm ẩu, làm bừa, phải trên nền tảng khoa học phải có sự đồng thuận trong nước, quốc tế. Phấn đấu trong nhiệm kỳ này phải xong hồ sơ các loại để mà khởi công”./.