Ghi danh nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở Yên Bái
VOV.VN - Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vừa được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình Tri thức dân gian, theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Để làm ra những bộ trang phục đẹp, công đoạn đầu tiên mà người phụ nữ Mông phải làm là dùng một cây bút vẽ sáp ong để tạo nên hoa văn trên vải, trước khi đem nhuộm và may thêu hoàn thiện.
Cây bút vẽ sáp ong được thiết kế bởi một thanh tre và hai lá đồng. Ở giữa hai lá đồng này có một ô trống nhỏ là nơi chứa sáp ong. Người phụ nữ khi vẽ chỉ cần đặt bút vào bát sáp ong đã được đun nóng, điều chỉnh lượng sáp ong sao cho vừa đủ để vẽ lên trên nền vải. Từ đó tạo nên những hoa văn đẹp, độc đáo, ý nghĩa, mang theo cả thông điệp về tình yêu, cuộc sống...
Theo quan niệm của người Mông, đã là con gái thì ai cũng phải biết trồng lanh, dệt vải, vẽ hoa văn, làm trang phục. Bởi vậy, vẽ họa tiết lên vải lanh bằng sáp ong từ bao đời nay vẫn được phụ nữ Mông gìn giữ và phát huy.
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn giúp các địa phương có thêm động lực để quảng bá, giới thiệu với du khách về di sản của mình, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch. Đây cũng là một trong những đề án quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.