Hà Nội sống và yêu: Cúng tổ nghề Thăng Long xưa và nay

VOV.VN - Mỗi gia đình người Việt Nam đều có bàn thờ tổ tiên. Mỗi cộng đồng làm nghề đều thờ chung một ông tổ có công truyền dạy nghề cho họ. Khi đến Thăng Long lập nghiệp, mỗi cộng đồng làm nghề đều họp bàn để cùng nhau bỏ tiền mua đất dựng những nơi thờ cúng chung cho cả nghề mình.

Thăng Long xưa có rất nhiều làng nghề cả trong nội đô và ngoại ô. Nói về tục cũ, nếp xưa trong ngày Tết không thể không nhắc đến lễ cúng tổ nghề đầu năm của các làng nghề. Trước tết, họ biện một mâm lễ mang ra đình thờ tổ nghề cúng lễ mời Cụ Tổ nghề về ăn tết, giống như các làng mời Thành Hoàng.

Đầu xuân, các làng nghề tổ chức lễ mừng nghề. Trước là để nhớ ơn công đức tổ tiên, sau là mong một năm mới làm nghề may mắn suôn sẻ.

Mỗi làng nghề sẽ có một nghi thức thực hành khác nhau tuỳ theo từng nghề, như chia sẻ của nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến: "Ví dụ làng giấy Yên Thái nay là phường Bưởi quận Tây Hồ khi mở nghề thì người cao tuổi nhất trong nghề và có uy tín nhất trong nghề cầm cây dó ném xuống sông Tô Lịch, với ý nghĩa mong muốn năm tới cây dó sẽ trở từ vùng cao về làng nhiều hơn.

Ý nghĩa là sản phẩm làm ra nhiều hơn, có nghĩa giấy của làng làm ra sẽ toả ra nhiều phương nhiều hướng hơn. Với tổ nghề làm rèn thì khác. Đầu năm mới phố Lò Rèn người ta đốt bễ than rồi lấy búa gõ lên mặt đe một hồi. Vừa là mở nghề, vừa là mong muốn quanh năm ngày tháng tiếng búa gõ trên cái đe đều thì nghĩa là có nghề quanh năm".

Rèn sắt là một công việc đòi hỏi sức khoẻ tốt. Thợ làm nghề rèn sắt ở Thăng Long xưa vốn xuất thân từ làng Hoè Thị (Làng Canh, huyện Từ Liêm, Hà Nội bây giờ). Cứ ngày mùng 4 hoặc mùng 6 Tết xưa, tại đình Lò Rèn lại vang lên tiếng búa với nhịp điệu rất đẹp đẽ của người trưởng phố để mở đầu một năm mới.

Ngày nay, con phố Lò Rèn chỉ còn một gia đình làm nghề nên không duy trì được mỹ tục ấy. Ông Nguyễn Phương Hùng (63 tuổi) là người thợ rèn cuối cùng trên phố kể, dù không còn lễ cúng tổ nghề đầu năm nhưng việc lau chùi hòn đe, cái búa vào dịp đầu xuân là việc ông không bao giờ quên:

"Quay ngược thời gian bố tôi kể lại hồi xưa mỗi năm tết đến, ông nội tôi bắt bố tôi phải ra đình thắp hương xong mới về nhà cỗ bàn ở nhà rồi mới dọn cửa hàng ra. Còn bố tôi thì không cần biết tốt xấu, cứ mùng 6 mở cửa hàng thành tập tục rồi. Năm mới mở cửa hàng ra rèn mấy cái đinh gai đóng vào gốc đe này này. Đóng như này này, không phải dùng máy cắt, chặt đâu rơi đâu đóng đấy.

Trước khi ấy phải lau chùi hòn đe cho sạch sẽ, lau bằng bằng giẻ mới. Còn tôi đến mùng 10 hoặc đi chơi đến ngày 15. Nhưng mà tập tục con gà đĩa xôi không quên được, hoặc là lau đe. Thời đại của tôi là khác, thương mại hoá nên tôi mở xong tôi đóng cửa đi chơi. Đấy là một cái sai lầm. Không phải cái sai lầm mà là thương mại hoá phải chấp nhận".

Theo thời gian rất nhiều nghề không còn tồn tại vì kỹ thuật phát triển, công nghệ phát triển. Nhiều đình, đền thờ Tổ nghề ở Thăng Long xưa – Hà Nội ngày nay cũng mất dần hoặc bị thu hẹp.

Bởi thế, Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng (Ngũ Xã, Ba Đình, Hà Nội) và nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Vũ Thị Tuyết Nhung đều chung quan điểm giữ được nghề và nhớ ơn tổ nghề đầu năm cũng là cách vận động của tín ngưỡng trong đời sống hiện đại:

"Tôi sinh ra ở đất Ngũ Xã này, các cụ tôi lập nghiệp ở đây năm nay đến đời tôi là 400 năm rồi. Trước kia cả làng đúc đồng, sau khi hoà bình thì cả làng quay ra làm nghề đúc nhôm để phục vụ quốc phòng và dân sinh. Vì thế cho nên đúc đồng mất đi hàng bao nhiêu chục năm, thế thì nhiều người cũng bỏ nghề. Bố tôi sợ mất nghề bảo các con cố gắng giữ lấy nghề. Một mặt tôi vừa làm nghề như ông để giữ nghề các cụ và sau này dạy cho con cho cháu".

"Bây giờ một số đình không còn giữ tục lệ dâng hương lễ thánh. Nhưng một số nơi vẫn giữ như đình Kim Ngân ở phố Hàng Bạc, đình Ngũ Xã ở Trúc Bạch vẫn đỏ khói hương, đỏ đèn, bà con nhân dân vào những đền thờ tổ nghề, những cây quất cây đào rất đẹp và rất rực rỡ, ấm cúng".

Thờ cúng tổ nghề trong khu phố cổ là một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá dân gian, tạo nên nét văn hoá đặc sắc của những phường nghề thủ công. Cho đến nay, mặc dù phần lớn các nghề thủ công không còn duy trì hoạt động, nhưng những cơ sở thờ cúng tổ nghề vẫn được cộng đồng cư dân duy trì thờ cúng.

Lễ cúng tổ nghề đầu năm dù có đổi thay để phù hợp với nhịp sống hiện đại, nhưng theo nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, nó vẫn luôn mang ý nghĩa nhớ về công ơn tổ tiên và cầu mong một năm mới công việc hanh thông:

"Rất nhiều nghề mất đi nhưng ở Hà Nội vẫn có 14 tổ nghề vẫn duy trì hương khói đèn nhang làm nơi thờ tự. Nghề không còn cũng dễ hiểu nhưng một số nơi vẫn giữ được nếp xưa. Vì không còn nghề nữa người ta vào đình thờ tổ nghề đấy cầu mong con cháu mạnh khoẻ, rồi cầu mong tổ nghề phù hộ độ trì cho sức khoẻ,… Người ta vẫn giữ được cái nếp xưa. Cái đấy cũng là một cái duy trì truyền thống và rất là hay trong văn hoá Hà Nội".

Hiếm có ở đâu tại Việt Nam lại có nhiều đền thờ tổ nghề như ở Hà Nội. Đó là bởi Thăng Long-Hà Nội là đất Kẻ Chợ, người thợ không có “tài cao, nghề tinh” ắt khó lòng trụ lại. Cũng bởi vùng đất địa linh nhân kiệt, anh hùng chen chân đứng, thợ khéo tụ thành phường, mà nhiều nét văn hóa đẹp đã được chưng cất lên thành tập tục, thành lễ nghĩa.

Dù biến thiên theo thời gian, nhưng mỗi dịp tết đến xuân về, tại các đình thờ Tổ nghề lại tái hiện không khí cúng tổ nghề từ ngàn xưa, như khẳng định sự trường tồn của những giá trị văn hoá tâm linh của người Việt.

SỐNG Ở HÀ NỘI

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, rất nhiều lần kẻ thù bại trận ở Thăng Long phải rút quân về nước đều diễn ra vào mùa xuân. Không biết  ngẫu nhiên hay cha ông ta chọn mùa  xuân, mùa của vạn vật sinh sôi để  “đánh một trận sạch không kình ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”.

Những mùa xuân Thăng Long – Hà Nội!

Kinh đô là đầu não quyền lực, kinh tế của mọi quốc gia, vì thế kinh đô bao giờ cũng là đích cuối cùng của kẻ xâm lược. Chiếm được kinh đô là chiếm được quốc gia đó. Trong lần xâm chiếm Đại Việt lần thứ nhất của đế chế Mông Nguyên, chúng đã chiếm thành Thăng Long. Trước sức mạnh và sự hung bạo của kẻ thù, triều Trần ra lệnh cho quân và dân tạm rút khỏi kinh thành thực hiện kế vườn không nhà trống.

Quân giặc chiếm thành nhưng chỉ còn là tòa thành trống rỗng và chúng chỉ tìm thấy những tên sứ giả hỗn xược bị trói chặt bằng thừng. Ở Thăng Long đúng 11 ngày, quân Nguyên Mông buộc phải rút chạy trong mùa xuân năm 1258. Đó là trận quyết chiến  đầu tiên trên đất Thăng Long kể từ khi nước Đại Việt ra đời.

Cuối năm 1406, vận mệnh của Đại Việt và Thăng Long bị giặc phương Bắc đe dọa khi Minh Thành Tổ đưa 80 vạn quân sang xâm lược. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra ở khắp nơi nhưng phải chờ đến Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa ở Lam Sơn giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hóa trở vào thì tương quan địch ta mới thay đổi.

Và mùa xuân năm 1428, quân Lê Lợi đã giải phóng hoàn toàn thành Đông Quan. Bại tướng Vương Thông và lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là Lê Lợi đã cùng uống máu ăn thề, Vương Thông cam kết rút quân về nước. Trên tinh thần “Lấy khoan hồng thể bụng hiếu sinh”, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã cấp hàng trăm chiếc thuyền, hàng nghìn con ngựa và lương thực để 10 vạn quân Minh trong đó có 5 vạn đóng ở Đông Quan về nước.

Thế kỷ 16,17 Đại Việt có rối ren song ngoại bang không dám nhòm ngó. Thăng Long trở lại trật tự sau hai lần quân Tây Sơn ra Bắc vào năm 1787 và 1788. Song Lê Chiêu Thống đớn hèn đã sang cầu cứu nhà Thanh. Quân Tây Sơn lúc này đang đồn trú ở Thăng Long dưới quyền chỉ huy của tướng Ngô Văn Sở hay tin đã quyết tâm “Cho chúng ngủ một đêm rồi lại đuổi chúng đi”. Tối ngày 16/12/1788, quân giặc vượt sông Hồng tiến vào Thăng Long.

Dưới ách chiếm đóng của quân Thanh, Thăng Long trải qua những ngày tháng đau thương và căm hận. Dân kinh đô rỉ tai nhau “Nước Nam ta từ khi có đế, có vương đến nay chưa có ông vua nào luồn cúi đê hèn đến như thế”. Căm ghét quân giặc và bọn bán nước, dân kinh thành càng hướng Nguyễn Huệ để “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Sáng ngày 5 Tết Kỷ Dậu quân Tây Sơn cùng một lúc mở hai cuộc tiến công quyết định vào đồn Ngọc Hồi và Đống Đa tiêu diệt toàn bộ quân địch khiến tướng Sầm Nghi Đống khiếp sợ phải thắt cổ tự tử. Trưa ngày 5 tết, Quang Trung mặc chiến bào sạm khói súng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân vào thành Thăng Long. 

Trong thế kỷ 20, sau khi Mỹ thua đau trận Điện Biên Phủ trên không với 34 pháo đài bay bị bắn hạ đã phải ký Hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973 rút toàn bộ quân đội khỏi Việt Nam. Ngày 29-3-1973, những lính Mỹ cuối cùng đã phải rời  khỏi Việt Nam. 

“Thăng Long phi chiến địa. Thiên hạ vạn đại xương”. Người Việt Nam yêu chuộng hòa bình không bao giờ muốn chiến tranh nhưng nếu kẻ thù cố tình xâm chiếm thì sẽ phải chuốc lấy thất bại.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Người Hà Nội xúng xính áo dài du xuân sáng mùng 1 Tết
Người Hà Nội xúng xính áo dài du xuân sáng mùng 1 Tết

VOV.VN - Trong sắc xuân rực rỡ, những tà áo dài thướt tha xuất hiện khắp phố phường, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc và đậm đà bản sắc truyền thống.

Người Hà Nội xúng xính áo dài du xuân sáng mùng 1 Tết

Người Hà Nội xúng xính áo dài du xuân sáng mùng 1 Tết

VOV.VN - Trong sắc xuân rực rỡ, những tà áo dài thướt tha xuất hiện khắp phố phường, tạo nên một bức tranh đầy màu sắc và đậm đà bản sắc truyền thống.

Hà Nội triển khai thu phí tham quan tại một số di tích
Hà Nội triển khai thu phí tham quan tại một số di tích

VOV.VN - Từ đầu xuân này, thành phố Hà Nội triển khai thu phí tham quan tại 2 di tích khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm và Bảo tàng Hà Nội.

Hà Nội triển khai thu phí tham quan tại một số di tích

Hà Nội triển khai thu phí tham quan tại một số di tích

VOV.VN - Từ đầu xuân này, thành phố Hà Nội triển khai thu phí tham quan tại 2 di tích khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm và Bảo tàng Hà Nội.

Nhạc kịch “Lửa từ Đất” tái hiện hành trình cách mạng của Bí thư Hà Nội đầu tiên
Nhạc kịch “Lửa từ Đất” tái hiện hành trình cách mạng của Bí thư Hà Nội đầu tiên

VOV.VN - Nhạc kịch "Lửa từ Đất" là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hướng tới những giá trị lịch sử và tinh thần cách mạng của thủ đô, đặc biệt là cuộc đấu tranh giành độc lập của những người Hà Nội và tầng lớp trí thức tham gia cách mạng.

Nhạc kịch “Lửa từ Đất” tái hiện hành trình cách mạng của Bí thư Hà Nội đầu tiên

Nhạc kịch “Lửa từ Đất” tái hiện hành trình cách mạng của Bí thư Hà Nội đầu tiên

VOV.VN - Nhạc kịch "Lửa từ Đất" là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, hướng tới những giá trị lịch sử và tinh thần cách mạng của thủ đô, đặc biệt là cuộc đấu tranh giành độc lập của những người Hà Nội và tầng lớp trí thức tham gia cách mạng.