Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Thanh Hóa): Giờ chỉ còn là phế tích!
Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (hay còn gọi là kinh đô Nam triều) thuộc địa phận hai xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), có vai trò quan trọng là căn cứ địa để nhà Lê bắt đầu sự nghiệp trung hưng đất nước, là kinh đô kháng chiến chống nhà Mạc.
Tồn tại gần nửa thế kỷ, trải qua 4 đời vua, diễn ra 7 kỳ thi tiến sĩ..., tuy nhiên, do nhiều biến cố lịch sử, đến nay kinh đô ấy chỉ còn là phế tích.
Giá trị lịch sử, văn hóa
Trong cuốn Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường, Nxb Thanh Hóa, năm 2021 cho biết: Những năm cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, cuộc nội chiến kéo dài hơn 60 năm giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc đã khiến cho đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.
Sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê (năm 1527), nhà Mạc đã lùng sục khắp nơi nhằm tiêu diệt con cháu nhà Lê và quan lại trung thành với nhà Lê. Giữa bối cảnh đó, năm Quý Tỵ 1533, Chiêu Huân công Nguyễn Kim (người Bái Trang, huyện Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đã tìm được Lê Ninh (một người con của vua Lê Chiêu Tông) liền rước về rồi lập làm vua (Lê Trang Tông, niên hiệu Nguyên Hòa). Đến năm Ất Tỵ 1545, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim mất, toàn bộ binh quyền giao lại cho Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim). Năm Bính Ngọ 1546, Trịnh Kiểm cho lập hành điện vua Lê ở Vạn Lại (nay là xã Thuận Minh), đồng thời lấy Vạn Lại - Yên Trường xây dựng kinh đô, nhằm khẳng định quyền thống trị của vua Lê và nêu cao ngọn cờ phù Lê chống Mạc để quy tụ muôn dân.
Đại Việt sử ký toàn thư và Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép: “Thái sư Trịnh Kiểm cho rằng, lập quốc tất phải căn cứ vào nơi hiểm trở. Sách Vạn Lại, núi đứng sững, nước uốn quanh, thực đáng gọi là nơi hình thế đẹp. Đó là do trời đất xếp đặt để làm chỗ dấy nghiệp đế vương. Trịnh Kiểm bèn sai đào hào, đắp lũy, xây dựng hành điện, mời nhà vua đến đóng tại đó. Một triều đình đầy đủ văn quan, võ tướng với sứ mệnh trung hưng nhà Lê đã được lập nên. Từ đây, đất nước hình thành 2 vương triều, 2 kinh đô, gồm Nam triều từ Thanh Hóa trở vào thuộc vua Lê; Bắc triều từ Ninh Bình đổ ra, bao gồm cả kinh thành Thăng Long (Đông Kinh) thuộc quyền họ Mạc. Năm 1533, trước sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng, thấy rằng Vạn Lại gần Lam Kinh, địa thế lúc này trở nên chật hẹp, mà… “địa thế An (Yên) Trường (nay thuộc xã Thọ Lập, Thọ Xuân) cách Vạn Lại khoảng 4 km về phía Đông thì phía tả có núi, phía hữu có sông cái, hình thế rộng rãi, hiểm trở…”, Trịnh Kiểm bèn cho dời hành điện đến đó. Từ năm 1546 đến năm 1593, Vạn Lại - Yên Trường thay nhau trở thành trung tâm của triều đình, hành điện được chuyển qua, chuyển lại giữa 2 nơi…
Chỉ còn là phế tích
Tồn tại gần nửa thế kỷ (1546-1593), nơi đây đã diễn ra nhiều buổi thượng triều bàn luận những quyết sách quan trọng như chống Mạc, phục hồi kinh tế, chính sách văn hóa - xã hội, giao thương với nước ngoài của 4 đời vua: Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông. Cũng chính nơi đây, ba vua nhà Hậu Lê là Lê Trung Tông, Lê Anh Tông và Lê Thế Tông lên ngôi. Sau khi băng hà, Lê Trang Tông và Lê Trung Tông đã chọn Vạn Lại làm nơi an nghỉ.
Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường được các nhà sử học đánh giá có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Theo đó, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích này là việc làm cần thiết, góp phần tôn vinh công lao của vương triều Lê Trung Hưng đối với đất nước trong suốt chiều dài lịch sử 250 năm. Tuy nhiên, kinh đô này hầu như đã bị lịch sử lãng quên. Hiện nay quanh khu vực (ngay sau trụ sở UBND xã Thuận Minh) được xác định từng đặt hành điện của nhà vua tại kinh thành Vạn Lại cỏ gai rậm rạp, chỉ có đôi voi đá, ngựa đá vẫn trơ gan chơ vơ nơi thềm điện xưa. Voi đá ở tư thế quỳ, có chiều dài khoảng 2,6m, cao 2,4m, vòi cuộn trước ngực; ngựa đá tư thế đứng song song có chiều dài 1,4m, cao 0,95m, lưng rộng 0,4m, có yên, bàn, đuôi cuộn... Rải rác xung quanh là những mảnh gạch ngói, bình gốm vỡ lẫn trong đất đá. Dải đất bao quanh làng được gọi là lũy thành giờ cũng mờ phai hình hài vì người dân san lấp để làm đường đi lối lại. Cái gò đất cao cách hành điện 1 km về phía phía Tây được nhà Lê xây dựng đàn tế giờ là khu vườn hoang… Tất cả những điện miếu, lăng tẩm, hành cung đã biến mất bởi thời gian. Những chứng tích khác như giếng mắt rồng, đàn tế Nam Giao, trường thi... hơn 500 năm trước bị cây cỏ bao quanh hoặc mọc lên các công trình nhà ở, trường học.
Theo đại diện chính quyền địa phương, cuối năm 2021, thực hiện quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã phối hợp với Trường Đại học KHXHNV Hà Nội và các đơn vị có liên quan, tiến hành công tác điều tra, thăm dò, khai quật di tích Hành cung Vạn Lại- Yên Trường tại nhiều địa điểm, với tổng diện tích là 294m2. Di vật thu được tại di tích Hành cung Vạn Lại tương đối đa dạng về loại hình. Vật liệu kiến trúc gồm các chân đá tảng, gạch, ngói với nhiều kiểu loại kích thước khác nhau, điều này cho thấy rằng, đây là một quần thể công trình với nhiều đơn nguyên kiến trúc được tạo dựng và sử dụng trong một thời gian dài. Gốm men và sành số lượng không nhiều nhưng kết hợp với các di vật xung quanh khu vực khai quật có thể nhận thấy di vật ở đây đa dạng về loại hình và kéo dài về niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX.
Sau cuộc khai quật khảo cổ học, tháng 12.2021, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường trong lịch sử Vương triều Lê”. Tại hội thảo các nhà khoa học đã khẳng định, Vạn Lại - Yên Trường chính là kinh đô thực sự của chính quyền Nam triều trong suốt gần nửa thế kỷ (1546-1593). Mặc dầu đã bị tàn phá nhiều, nhưng khu di tích Vạn Lại - Yên Trường có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng, cần được đẩy mạnh nghiên cứu, bảo tồn, phát huy. Tuy nhiên, phạm vi nghiên cứu về kinh đô Vạn Lại - Yên Trường đang ở quy mô nhỏ, chưa có cơ sở khoa học xác đáng và cái nhìn toàn diện về kinh đô Vạn Lại - Yên Trường. Theo đó, để bảo vệ toàn vẹn giá trị nguyên gốc của di tích, tỉnh Thanh Hóa cần triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích dựa trên các nội dung cơ bản về phạm vi, giới hạn, nhiệm vụ lâu dài, mục tiêu trước mắt; xác định không gian văn hóa của di tích cần được bảo vệ. Định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên bản đồ quy hoạch…