Ngày hội của di sản
VOV.VN - Lần đầu tiên, các đoàn nghệ thuật từ Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk cùng tham dự Liên hoan trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Tại Lễ hội Đền Hùng năm nay, Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô quốc gia. Liên hoan diễn ra từ ngày 21-28/4 nhằm tôn vinh, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng trình diễn, giới thiệu và quảng bá các di sản. Liên hoan cũng là dịp thể hiện nỗ lực, vai trò của Việt Nam trong thực hiện cam kết khi tham gia Công ước 2003 của UNESCO đối với việc nghiên cứu, nhận diện, truyền dạy, quảng bá và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể sau khi được UNESCO ghi danh.
Các nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa phi vật thể thuộc 13 tỉnh, thành phố đã mang đến Liên hoan những giá trị hồn cốt, bản sắc của từng di sản, thông qua các phần trình diễn và thực hành theo đúng nguyên gốc.
Nỗ lực bảo tồn, lan tỏa những tinh hoa văn hóa của dân tộc
Lần đầu tiên, các đoàn nghệ thuật từ Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Đắk Lắk cùng tham dự Liên hoan trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Trong đó, mỗi loại hình là một sản phẩm tinh thần, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cục Di sản văn hoá (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, đây là nét mới trong việc kết hợp du lịch và quảng bá di sản vì trước kia, các liên hoan thường tổ chức quy mô nhỏ, lần này là tất cả các tỉnh có di sản tham gia.
Đông đảo người dân và du khách quan tâm đến các loại hình di sản như: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; nghệ thuật làm gốm của người Chăm... Trong đó, không gian biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Đoàn nghệ nhân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu luôn chật kín người xem.
Ông Phạm Minh Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Trưởng đoàn nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ tham dự liên hoan cho biết: “Chúng tôi mong muốn góp phần quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đến đông đảo nhân dân cả nước; đồng thời cùng các địa phương lan tỏa giá trị những loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc”.
Tính đến nay, Việt Nam có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; trong đó có 13 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản được ghi danh vào danh mục cần bảo vệ khẩn cấp. Những năm qua, các cấp, ngành; các tỉnh, thành phố nơi sở hữu di sản đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị tinh hoa của các loại hình di sản, song việc hội tụ các di sản thành một liên hoan thì lần đầu tiên mới được tổ chức tại Phú Thọ dịp này.
Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Ngoài những buổi trình diễn phục vụ nhân dân và du khách, liên hoan có các hoạt động nhằm cổ vũ việc truyền dạy của các nghệ nhân dân gian tới thế hệ trẻ. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất vừa bảo tồn và truyền dạy để di sản văn hóa phi vật thể của chúng ta được sống, được lưu truyền trong cộng đồng theo Công ước của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể”.
Biến di sản thành tài sản
Là người có 25 năm gắn bó với nghệ thuật hát xoan Phú Thọ, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Sen (phường Xoan Phù Đức, xã Kim Đức, TP Việt Trì) trải lòng: “Thật vui vì chúng tôi được trình diễn hát xoan, được phục vụ nhân dân và du khách dịp Lễ hội Đền Hùng. Nhà tôi có 4 đời theo nghề hát xoan và tôi luôn tự hào vì điều đó. Thế nhưng, việc giữ gìn hát xoan hiện gặp nhiều khó khăn, thiếu kinh phí. Chúng tôi mong muốn loại hình nghệ thuật này được đầu tư nhiều hơn, các nghệ nhân có chế độ đãi ngộ hợp lý để đủ trang trải cuộc sống".
Chia sẻ về quá trình bảo vệ, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông Nguyễn Sĩ Trinh, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Đội ngũ nghệ nhân dân gian ngày càng ít, trong khi lớp trẻ không mặn mà theo nghề. Tại Hà Tĩnh, hoạt động trải nghiệm dân ca chưa phổ biến, chưa thu hút được khách du lịch. Do vậy, cuộc sống của những nghệ nhân nơi đây còn nhiều lo toan, không thể toàn tâm toàn ý theo đuổi nghệ thuật. Hằng năm, mỗi câu lạc bộ ví, giặm tại Hà Tĩnh được hỗ trợ 5 triệu đồng để duy trì hoạt động nhưng còn khó lắm”.
Ghi nhận thực trạng trên, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết: "Rất nhiều địa phương đã nỗ lực tổ chức và truyền dạy các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tới thế hệ trẻ. Nhiều nơi huy động được các nguồn lực xã hội để hỗ trợ các nghệ nhân, đồng thời là cũng hỗ trợ cho các cuộc, các lớp tập huấn, khuyến khích học sinh tham gia những buổi sinh hoạt truyền dạy. Trong thời gian tới, Cục Văn hóa cơ sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nêu ra được những mục đích, ý nghĩa để mọi tầng lớp nhân dân hiểu rằng di sản văn hóa phi vật thể là một nền tảng, một tài sản có giá trị để phát triển du lịch, quảng bá văn hóa".
Muốn biến di sản thành tài sản thì cần có lộ trình dài hơi, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đồng thời huy động các nguồn lực của xã hội. Trước mắt, để bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh thì cần phải bảo đảm yếu tố tiên quyết: Di sản phải được nuôi dưỡng tốt và lưu truyền trong cộng đồng. Muốn có được điều đó, các nghệ nhân-những người trực tiếp sống với di sản cần có một chế độ đãi ngộ đúng mức để tăng thêm trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ mai sau./.