Nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ của người Khmer ở Trà Vinh
Nghề thủ công truyền thống chế tác mão và mặt nạ của người Khmer ở Trà Vinh là di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa màu sắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trải qua quá trình phát triển, người Khmer ở Trà Vinh đã đúc kết được kho tàng tri thức văn hóa dân gian phong phú. Trong các loại hình nghệ thuật diễn xướng, múa hát truyền thống của người Khmer, mão và mặt nạ là hai loại phục trang đặc biệt mang đậm màu sắc huyền bí, linh thiêng, đậm chất văn hóa truyền thống của người Khmer, thể hiện trình độ nghệ thuật và tri thức dân gian tộc người.
Các loại mão, mặt nạ thường được sử dụng trong những dịp lễ, Tết truyền thống của người Khmer như Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Đôn Ta, được trình diễn trong các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer như múa Rô băm, múa Chhay dăm, hát Aday, hát Dù kê... Các loại mão, mặt nạ được các nghệ nhân sáng tạo nên là một nghệ thuật hóa trang nhận diện ngoại hình, tính cách nhằm làm bộc lộ nội tâm nhân vật trong biểu diễn nghệ thuật Khmer truyền thống.
Khi trình diễn các loại hình nghệ thuật này, diễn viên phải đeo mặt nạ và đội mão. Để chế tác mão, mặt nạ, các nghệ nhân cần có kiến thức và am hiểu về từng loại nghệ thuật, đồng thời phải có năng khiếu về nghệ thuật tạo hình và tính kiên trì để hoàn thành được các công đoạn rất khó trong nghề, như nặn đất sét để tạo khuôn, đắp vải, dán giấy, sơn phết trang trí hoa văn.
Quá trình làm nên một chiếc mão hoặc mặt nạ, các nghệ nhân người Khmer ở Trà Vinh thường bồi đắp vải hoặc giấy lên một khuôn đúc sẵn bằng đất sét hoặc xi măng. Các công đoạn để làm nên một sản phẩm đều hoàn toàn bằng thủ công và phải thật cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Tùy các loại mão, mặt nạ đơn giản hay phức tạp mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau.
Hiện nay, ở Trà Vinh còn rất ít nghệ nhân am hiểu nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ của người Khmer, đây là nghề thường mang tính "cha truyền con nối" đòi hỏi người chế tác phải có sự sáng tạo nghệ thuật cùng kĩ năng nghề nghiệp và sự đam mê. Tuy nhiên, dưới tác động của những nhân tố khách quan và chủ quan, nghề thủ công truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ mai một, thất truyền. Do đó việc gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật chế tác mão, mặt nạ Khmer cần được quan tâm trao truyền nghề cho thế hệ trẻ người Khmer.
Để triển khai hiệu quả dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” , vừa qua, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) phối hợp Sở VHTTDL Trà Vinh, UBND huyện Châu Thành mở lớp truyền dạy nghề chế tác mão, mặt nạ trong biểu diễn văn hóa nghệ thuật Khmer. Qua đó, góp phần để vốn tri thức dân gian độc đáo này luôn phong phú và có sức sống trong cộng đồng với vai trò là những sản phẩm văn hóa đặc trưng, đồng thời tạo dòng chảy liên tục cho loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Khmer.
Lớp truyền dạy chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer có sự tham gia của 54 học viên là các vị chư tăng, thanh thiếu niên đồng bào dân tộc Khmer. Các học viên được Nghệ nhân ưu tú Thạch Sang là người am hiểu văn hóa Khmer, có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer truyền dạy những kỹ thuật cơ bản trong chế tác mão và mặt nạ và trình diễn nghệ thuật truyền thống.
Với những giá trị hết sức đặc sắc, nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của người Khmer cần tiếp tục được bảo tồn và phát huy trong công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước. Việc tổ chức lớp truyền dạy là dịp các nghệ nhân, học viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc trong đời sống. Từ đó có những giải pháp khoa học, đồng bộ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống Khmer đặc sắc trong điều kiện mới, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần của người dân, vừa từng bước tạo thành sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách đến với Trà Vinh.