Người giữ “hồn” cho lụa Phùng Xá
VOV.VN - Nhắc đến nghề dệt lụa ở Hà Nội không chỉ có làng Vạn Phúc mà từ vài chục năm trước, Hà Nội có rất nhiều làng quê có nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Trong đó làng nghề Phùng Xá, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm”.
Trước ảnh hưởng của làn sóng “lụa ngoại” tràn ngập trong giai đoạn mở cửa, làng nghề Phùng Xá thịnh vượng một thời lại “ba chìm - bẩy nổi” trong cơ chế thị trường. Cả làng Phùng Xá chỉ còn bà Phan Thị Thuận (1954) âm thầm gây dựng và giữ lửa nghề. Không chỉ dày công giúp nghề truyền thống hồi sinh trên vùng đất quê hương Phùng Xá, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận còn là chủ nhân của những sản phẩm dệt mang đậm dấu ấn sáng tạo và lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ có từ năm 1929, đem danh tiếng về cho làng Phùng Xá (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).Thế nhưng có một thời, dòng sông Đáy hiền hoà đứng bên này chẳng còn thấy dâu, cả làng bỗng vắng tiếng quay tơ, dệt lụa. Dân làng cho biết, khoảng năm 1984, trồng dâu, nuôi tằm đã không còn được “ưa chuộng”, người dân chuyển đổi sản xuất sang trồng lúa để mưu sinh và lãng quên dần nghề truyền thống. Có những giai đoạn thăng trầm, ảnh hưởng nhiều của yếu tố nước ngoài, phải bán hàng Trung Quốc. Từ năm 2007-2008 suy giảm rất nhiều cho nên nhiều người chuyển sang làm công việc khác.
Giai đoạn nghề trồng dâu, dệt lụa ở Phùng Xá đứng bên bờ vực thoái trào, bà Phan Thị Thuận đang làm kế toán cho ngành dâu tằm của HTX nông nghiệp. Chứng kiến nhiều nghệ nhân “dứt áo” với nghề truyền thống, người làng dỡ khung cửi vứt đầy đường, người phụ nữ ấy xót xa mang từng khung gỗ, thoi dệt về nhà lắp lại. Mối tơ duyên từ nhỏ với “con tằm, lá dâu” khiến bà đau đáu một nỗi niềm.
Bà Phan Thị Thuận nói: “Công việc trồng dâu nuôi tằm bố mẹ đã cho tôi, gắn liền với hơi thở, mạch máu của tôi. Tôi nhớ các cụ tôi ngày xưa vẫn nói là, một lá dâu là xâu tiền. Rồi con tằm ăn lá nhả vàng. Nếu biết giữ gìn nó sẽ cho mình sợi tơ vàng. Sợi tơ vàng sẽ giúp cho người quay tơ, người dệt cửi, tạo ra rất nhiều công việc cho người lao động địa phương. Khi Tổng công ty Dâu tằm tơ phá sản không mua tằm tơ của Mỹ Đức nữa, tôi được lãnh đạo huyện, xã quan tâm đến nghề truyền thống này, cho tôi đi tìm cách phát triển được nghề”.
Xông pha khắp các triển lãm, hội chợ, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận không ngại gặp gỡ khách hàng, phần là để giới thiệu sản phẩm, phần cũng là để tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Từ đó, bà trăn trở, sáng tạo ra những sản phẩm mới để “hồn tơ, nếp lụa” dường như cũng hiểu thấu khách hàng.
“Giờ máy công nghiệp nhiều, làm rất dễ, cạnh tranh với sản phẩm của mình. Nên tôi phải suy nghĩ cách làm thế nào dễ nhất, tốt nhất, để nhiều người làm được nghề thủ công như tôi. Như cách pha chế màu dệt như thế nào, khách thích thổ cẩm thì dệt thổ cẩm, thích lụa thô thì dệt lụa thô. Tôi đau đáu nghĩ làm thế nào để con kén hỏng phải tận dụng làm ra sản phẩm gì, phân con tằm lại bón lại cho cây trồng, rồi con nhộng thì làm thảo dược, để gia tăng giá trị cho sản phẩm” - bà Phan Thị Thuận chia sẻ.
Ngày đêm miệt mài bên những nong tằm tuy vất vả nhưng đã giúp nghệ nhân Phan Thị Thuận sáng tạo ra những sản phẩm dệt độc đáo. Năm 2012, bà chính thức trình làng sản phẩm lần đầu tiên có ở Việt Nam: những chiếc chăn do con tằm tự dệt mà không cần đến bàn tay người thợ kéo sợi, ươm tơ. Lâu nay, con tằm ăn lá dâu rồi nhả tơ tạo thành cuộn kén tròn. Con người lấy kén đó kéo ra, se thành những sợi tơ vàng óng, sau dệt nên những tấm vải theo ý mình. Đó vẫn là quy trình kỳ công để tạo ra tấm vải lụa. Bằng hiểu biết “như lòng bàn tay” về tập quán sinh hoạt của con tằm, bà Thuận đã thành công trong việc điều khiển chúng tự dệt lên tấm kén phẳng. Từ những sợi tơ do tằm tự dệt, những chiếc chăn, chiếc gối được hình thành, xốp nhẹ như mây trời nhưng lại rất vững chắc, bền bỉ.
Anh Lê Vân Nam, con trai nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận chia sẻ: “Giai đoạn đầu không ai tin, vì tập tính con tằm là đan thành áo kén để bảo vệ cơ thể, nhưng bây giờ bắt nó làm ra dạng phẳng để làm chăn bông thì nghe còn mơ hồ lắm. Thế nhưng bà kiên trì, sau 4-5 năm thử nghiệm, thất bại cũng nhiều. Cuối cùng bà điều khiển nó làm được theo ý mình. Bởi vì bà là người sinh ra trong làng nghề Phùng Xá. Bà làm nghề đời thứ 4 rồi nên rất hiểu con tằm, từ lúc trứng nở ra thành con tằm chín, sau đó làm ra cái kén rồi ươm tơ, dệt lụa”.
Không dừng lại ở đó, nghệ nhân Phan Thị Thuận lại là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu dệt tấm vải lụa từ sợi tơ lấy từ cuống sen, tạo ra một sản phẩm mang đậm hồn quê Việt. Với những ý tưởng sáng tạo và độc đáo, bà đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương trao giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015. Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được Thủ tướng lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được UBND thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 9 Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021.
Tiếng lành đồn xa, khách hàng biết đến lụa Phùng Xá ngày một nhiều hơn, những khung cửi trong xưởng dệt trước đó phủ bạt lặng thinh nay lại rộn ràng tiếng thoi đưa, nong kén chật lối. Nhờ vậy, nhiều thợ ươm tơ, dệt vải trong làng có thêm động lực bám trụ với nghề truyền thống. Hiện Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức do bà Phan Thị Thuận chèo lái đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động thời vụ, với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/tháng. Theo ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch Hội nghệ nhân, thợ giỏi thành phố Hà Nội, từ nỗ lực vực dậy nghề truyền thống, các hộ dân ở xã Phùng Xá bước đầu thành công với những sản phẩm lụa tơ tằm chất lượng cao. Vừa làm giàu cho cá nhân, vừa góp phần giữ nét đẹp đặc trưng của vùng quê ven dòng sông Đáy.
Bước sang tuổi 70, độ tuổi mà nhiều người chỉ muốn nghỉ ngơi, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận vẫn gắn bó với nghề truyền thống. Những nếp nhăn đã gợn sóng trên gương mặt bà nhưng ánh mắt toát lên thần sắc của của một nghệ nhân quay tơ, dệt lụa bao đời, giọng nói sang sảng, rắn rỏi. Bà vẫn miệt mài với những nong tằm, để tiếng lách cách thoi đưa mãi còn trên quê hương Phùng Xá./.