Phát huy di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi
VOV.VN - Chiều 12/12, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Báo Nhân Dân tổ chức Hội thảo khoa học “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay”, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024).
Tới dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và một số Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: "Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, thông tuệ, đa tài, xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Nguyễn Đình Thi đã để lại một di sản văn hóa đồ sộ với những tác phẩm có giá trị nhiều mặt, sống mãi với thời gian. Cùng với sự nghiệp sáng tác văn nghệ, sáng tạo văn hóa, Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc".
Tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, ông Nguyễn Đình Thi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam – Nhà hoạt động văn hóa xuất sắc, nghệ sĩ tài hoa, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà. Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thông qua hội thảo, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ không ngừng học hỏi, đúc rút những bài học quý báu từ các thế hệ đi trước để tiếp tục dấn thân, vững vàng và không ngừng phát triển trên hành trình sáng tạo.
Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ cùng thảo luận về việc đi sâu làm rõ, đánh giá về những đóng góp của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam; phân tích, làm rõ những yếu tố tạo nên giá trị to lớn, sức sống trường tồn của các tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Đình Thi.
Với tham luận "Nguyễn Đình Thi: Tài năng, tầm vóc và bản lĩnh", GS Phong Lê chia sẻ: "Trước hết, và hàng đầu phải là tài năng. Đối với Nguyễn Đình Thi, đó là một tài năng gần như bẩm sinh, ngay từ khi xuất hiện ở tuổi trên dưới 20. Tài năng gắn với tài hoa, nó là yêu cầu và là phẩm chất cần có, hoặc nhất thiết phải có cho bất cứ ai muốn chọn con đường đi vào các lĩnh vực nghệ thuật. Nói nghệ thuật là nói đến nhiều lĩnh vực gồm văn thơ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh... Và với Nguyễn Đình Thi là nói đến không phải một mà là nhiều lĩnh vực nghệ thuật mà ông thực sự có đóng góp hoặc có vị trí ở hàng đầu. Và đó là hệ quả của tài năng".
Chia sẻ tại hội thảo với tham luận "Nguyễn Đình Thi - Ngôi sao sáng một vùng trời", GS Hà Minh Đức cho biết: "Nhà văn Nguyễn Đình Thi viết Nhận đường, đó là con đường cách mạng của dân tộc, con đường kháng chiến cứu nước, chống giặc xâm lược. Đó cũng là tiếng nói chung của anh chị em văn nghệ sĩ. Từ đây các nhà văn lần lượt tham gia các chiến dịch, từ những bậc cao niên như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng... đến các nhà văn trẻ như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nam Cao... Họ đều có mặt ở các chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Biên giới, chiến dịch Tây Bắc... và lần lượt xuất bản nhiều tác phẩm, chủ yếu là các bút ký như Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Thắng từ biên giới của Nam Cao, Tùy bút kháng chiến của Nguyễn Tuân".