Phục dựng nghi lễ rước nước Bạch Hạc thành sản phẩm du lịch
VOV.VN - Tỉnh Phú Thọ đang xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh “Nghi lễ rước nước Bạch Hạc, đền Tam Giang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ”.
Độc đáo nghi lễ rước nước từ ngã ba sông
Đền Tam Giang là ngôi đền linh thiêng, tọa lạc tại khu vực ngã ba Hạc - nơi hợp lưu của ba dòng sông là sông Thao, sông Đà, sông Lô thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Bạch Hạc đền Tam Giang có xuất xứ từ hội làng, gắn với tín ngưỡng thờ Thần hoàng làng Thổ Lệnh, vị anh hùng Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và Thánh Mẫu Quách A Nương là những người có nhiều công lao, đóng góp cho dân tộc và nhân dân vùng Bạch Hạc xưa.
Để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân, hàng năm nhân dân vùng Bạch Hạc tổ chức cúng tế và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sôi nổi, hấp dẫn. Kỳ thứ nhất được tổ chức vào dịp đầu xuân từ ngày 3 đến hết ngày 5 tháng Giêng; kỳ thứ hai tổ chức vào ngày 30 tháng Ba âm lịch (ngày thánh sinh) và kỳ thứ ba tổ chức vào ngày 25 tháng Chín âm lịch (ngày thánh hóa).
Trong lễ hội Bạch Hạc, lễ rước nước là một trong những nghi lễ quan trọng nhất. Tục lệ cổ xưa này là một nghi lễ linh thiêng, thể hiện hồn cốt, nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng đất Tổ. Bên cạnh mục đích lấy nước về thắp hương thờ cúng các vị thần linh, việc rước nước còn thể hiện ước nguyện của con người về sự sinh sôi nảy nở của vạn vật thiên nhiên và con người.
Thông thường đoàn rước bắt đầu từ bến sông bên trái của đền Tam Giang, chạy ngược dòng sông Lô về hướng cầu Việt Trì, qua đền thờ Nữ tướng Quách A Nương rồi quay ngược lại xuôi về ngã ba Hạc. Để lấy được nước thiêng, đoàn rước phải ra nơi hợp lưu của ba dòng sông, thường tạo ra một bên nước trong và một bên nước đục. Theo các bậc cao niên trong làng, để lấy được nước thiêng, ngoài việc phải chọn đúng vị trí, người lấy phải có kinh nghiệm và cơ duyên mới chọn được đúng chỗ nước tốt nhất có đủ âm, đủ dương. Để biết được chỗ nước đó có đủ âm - dương, người lấy phải đưa tay xuống dòng nước và cảm nhận được độ ấm của nước, điều này hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm của người đó.
Sau khi đoàn thuyền đi đến ngã ba Hạc, họ dừng thuyền, thả neo để đoàn rước làm lễ xin phép thần linh được lấy nước về cúng thánh. Mọi người đứng trang nghiêm, chủ tế, thủ từ và các bô lão trong làng đứng trước ban thờ. Chủ tế thắp hương, sau đó quỳ trước ban thờ đọc văn khấn xin phép thần. Sau khi khấn xong, chủ tế đốt văn khấn, tiền giấy rồi mọi người trong đội tế thả xuống sông, với ý nghĩa giao cho các vị thần rồi mới tiến hành lấy nước.
Trước khi lấy nước, người ta thả một vòng tròn quấn vải đỏ hoặc nhiều màu xung quanh xuống mặt nước, để xác định vị trí lấy nước và ngăn những gì không sạch sẽ trôi vào trong. Theo tín ngưỡng địa phương, khi lấy nước chỉ múc trong vòng tròn này thì mới linh thiêng, sau đó đổ nước vào chóe cũng qua một tấm vải đỏ. Sau khi nghi lễ lấy nước kết thúc, đoàn người rước chóe đựng nước thiêng về đặt tại đền để làm lễ tế.
Phát triển thành sản phẩm du lịch
Từ năm 2010 trở lại đây, lễ hội Bạch Hạc, đền Tam Giang được chính quyền và nhân dân địa phương nghiên cứu, phục dựng tổ chức trở lại theo nghi thức truyền thống. Năm 2022, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ chủ trì dự án xây dựng sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh “Nghi lễ rước nước Bạch Hạc, đền Tam Giang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ”.
Dự án nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tâm linh, độc đáo vùng đất Tổ, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch. Sản phẩm trải nghiệm “Nghi lễ rước nước Bạch Hạc, đền Tam Giang, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ” cũng góp phần phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ cho biết, nghi lễ rước nước ngã ba sông tại Bạch Hạc được định hướng phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Thọ. Du khách không chỉ trải nghiệm nghi lễ cùng người dân địa phương mà còn hiểu thêm về ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng sâu sắc của tục lệ này; ngoài ra được tự tay mang nước thiêng tại ngã ba sông về nhà.
Một số doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội đã tới khảo sát và nghiên cứu, xây dựng tour du lịch gắn với nghi lễ rước nước độc đáo này. Ông Phùng Quang Thắng – Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cho biết các hoạt động tại đền Tam Giang sẽ được kết nối với đền Lăng Sương và Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để tạo ra sản phẩm du lịch chuyên biệt về văn hóa lịch sử, qua đó gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến Phú Thọ.
Theo người dân địa phương, nghi lễ rước nước Bạch Hạc từ lâu được nhiều người biết đến và ngày càng nổi tiếng nhờ phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Hàng năm du khách thập phương đến đây rất đông, đặc biệt là từ các tỉnh phía Nam, để lấy nước thiêng về dùng cho các công việc hệ trọng như hàn long mạch, cải táng, làm nhà hay một số nghi lễ trong xây dựng công trình… Trước nhu cầu của người dân và du khách, việc xây dựng tour trải nghiệm “Nghi lễ rước nước Bạch Hạc” một cách an toàn, bài bản là rất cần thiết. Ngoài ra, khi xây dựng thành sản phẩm du lịch thì lễ rước nước sẽ được tổ chức vào ban ngày để đảm bảo an toàn cho du khách, thay vì diễn ra vào ban đêm theo tục lệ cũ.
Cũng trong khuôn khổ dự án này, cộng đồng dân cư địa phương sẽ được tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ du lịch, cách phục vụ du khách trải nghiệm. Một số hạng mục cơ sở vật chất cũng được đầu tư, cải tạo như các không gian văn hóa, cảnh quan, bến bãi tại khu vực đền Tam Giang. Dự kiến vào quý 3 hoặc quý 4 năm nay, tour du lịch “Nghi lễ rước nước Bạch Hạc” tại Phú Thọ sẽ chính thức thử nghiệm đón khách du lịch./.