Trùng tu di sản cố đô Huế: Gian nan chuyện bảo tồn nguyên bản

VOV.VN - Hàng trăm di tích, di sản ở thành phố Huế đều có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, thường xuyên chịu tác động dữ dội của thời tiết, thiên tai, chiến tranh… nên đa phần đã xuống cấp nghiêm trọng. Làm thế nào để trùng tu, sửa chữa nhưng không làm mất tính nguyên bản của di sản, quả là câu chuyện rất khó, kéo dài nhiều năm qua.

Hơn 200 năm tồn tại, Điện Thái Hòa ở thành phố Huế là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng Cung triều Nguyễn. Đây từng là nơi diễn ra những đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của Vua, hoàng thân quốc thích cùng các đại thần.

Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được khởi công vào cuối tháng 11/2022 trên diện tích 7.100 m2 với tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng. Trước khi trùng tu công trình này, đơn vị thi công đã chụp ảnh toàn bộ hiện trạng công trình, dập lại hoa văn trang trí, đánh dấu vị trí cấu kiện gỗ…, sau đó mới tiến hành hạ giải từng hạng mục. Những cấu kiện được đánh giá hư hỏng hoàn toàn thì phục hồi mới, hư hỏng ít thì xử lý vệ sinh nối vá, cấu kiện còn tốt thì giữ lại.

Việc thi công, trùng tu các hạng mục công trình đảm bảo yếu tố nguyên bản, tính thẩm mỹ, các vật liệu đặc thù như gạch, ngói, gỗ… do những người thợ có tay nghề cao về tu bổ di tích thực hiện. Nghệ nhân Lê Văn Nhường cùng hàng chục thợ nghề mộc truyền thống ở xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã nỗ lực gìn giữ tính nguyên bản khi thi công trùng tu di tích Điện Thái Hòa: “Việc tu sửa phải giữ nguyên hồn cốt, chất cũ ngày xưa. Chúng tôi phải tuân thủ những kỹ thuật truyền thống kết hợp với kỹ thuật của Ban Quản lý, làm sao kết cấu phải đảm bảo. Điện Thái Hoà là một công trình lớn, đòi hỏi chúng tôi phải thận trọng hơn. Chúng tôi có những phương án, thợ thầy, cần phải có sự trao đổi thận trọng hơn. Tất nhiên, đã có bản vẽ kỹ thuật nhưng chúng tôi kết hợp với nghề truyền thống để thi công”.

Đến nay, việc tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa được đánh giá là bảo đảm yếu tố gốc của di tích. Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế cho biết, từ năm 1805 cho đến năm 1945, Điện Thái Hoà đã trải qua 22 lần trùng tu. Mỗi lần trùng tu thì có một lớp màu mới chồng lên, do đó lần trùng tu này phải bóc tách màu để xác định đâu là màu gốc của di tích.

Theo ông Hồ Hữu hành, công trình này có riêng một gói thầu scan 3D, tức là dựng lại Điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật của những cấu kiện đang tồn tại để lưu giữ các yếu tố gốc, làm cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu. “Đây là một công trình rất khó khăn cho việc trùng tu, bởi lẽ ở trong công trình này có rất nhiều giá trị trong đó có các ô thơ văn mà được UNESCO công nhận đó di sản tư liệu. Thứ hai là nơi đặt ngai vàng và bửu tán là bảo vật quốc gia. Chúng tôi đưa ra rất nhiều giải pháp và biện pháp thi công để đảm bảo giữ gìn được bảo vật quốc gia không bị hư hỏng trong quá trình thực hiện”.

Năm 1993, Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Hơn 30 năm qua, khoảng 170 hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn và trùng tu. Các di tích Ngọ Môn, Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, lăng các vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Cung An Định, điện Kiến Trung, điện Thái Hòa... đã được phục hồi và nâng cấp. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 21 cơ quan, tổ chức quốc tế và 9 cơ quan, tổ chức trong nước; thực hiện 55 chương trình và dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu, trùng tu và đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhiệm vụ “cứu nguy” các di tích, di sản đang xuống cấp nghiêm trọng. 

Kiến trúc sư Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khẳng định, trên đất cố đô Huế, nhà Nguyễn đã để lại một hệ thống kiến trúc gỗ đặc sắc, tiêu biểu của thiết chế kiến trúc cung đình. Cho nên, việc bảo tồn quần thể di tích cần phải tính đến nguồn gỗ phục vụ cho việc trùng tu lâu dài. “Cách đây cũng nhiều năm rồi chúng tôi cũng đề xuất trong Dự án bảo tồn và phát huy giá tri di tích Huế là một số vùng đất vành đai và một số vùng đất tốt thì nên có quy hoạch trồng gỗ để cho con cháu sau này họ khai thác. Tôi cũng khuyến nghị mỗi khu di tích như vậy trong kế hoạch trồng rừng chúng ta nên đưa danh mục này vào như là đáp ứng để bảo vệ di sản gỗ mà ở chúng ta thì đa số là di sản gỗ, đâu cũng là di sản gỗ cả. Đấy là một nhu cầu cho đến trăm năm và nhiều hơn nữa”.

Quần thể di tích Huế là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã xây dựng 21 điểm du lịch dịch vụ từ khu vực Đại Nội đến các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định với nhiều chương trình phong phú như: biểu diễn nghệ thuật cung đình Huế, thưởng thức Nhã nhạc và ẩm thực tại Nhà hát Duyệt Thị Đường... Việc đưa giá trị di sản Huế đến gần hơn với du khách và cộng đồng, trong những năm qua đã góp phần làm cho khu di sản Huế ngày càng hấp dẫn, thu hút đông đảo lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Du xuân tại lễ hội lâu đời bậc nhất cố đô Huế
Du xuân tại lễ hội lâu đời bậc nhất cố đô Huế

VOV.VN - Cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm, các đô vật lại về sới vật làng Sình (xã Phú Mậu, thành phố Huế) để tranh tài tại hội vật lâu đời bậc nhất cố đô Huế.

Du xuân tại lễ hội lâu đời bậc nhất cố đô Huế

Du xuân tại lễ hội lâu đời bậc nhất cố đô Huế

VOV.VN - Cứ vào ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm, các đô vật lại về sới vật làng Sình (xã Phú Mậu, thành phố Huế) để tranh tài tại hội vật lâu đời bậc nhất cố đô Huế.

Dựng nêu đón Tết trong khu di tích Cố đô Huế
Dựng nêu đón Tết trong khu di tích Cố đô Huế

VOV.VN - Sáng nay 2/2 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Miếu, Thế Miếu. Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.

Dựng nêu đón Tết trong khu di tích Cố đô Huế

Dựng nêu đón Tết trong khu di tích Cố đô Huế

VOV.VN - Sáng nay 2/2 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ dựng nêu (Thướng Tiêu) tại Triệu Miếu, Thế Miếu. Đây là hoạt động nhằm tái hiện nghi lễ xưa của dân tộc Việt Nam nói chung, triều đình nhà Nguyễn nói riêng, tạo không khí vui tươi vào dịp mở đầu Tết Nguyên đán.

Quỹ Bảo tồn di sản Huế góp nguồn lực trùng tu, phát huy giá trị Cố đô
Quỹ Bảo tồn di sản Huế góp nguồn lực trùng tu, phát huy giá trị Cố đô

VOV.VN - Quỹ Bảo tồn di sản Huế ra mắt từ tháng 6/2023, đúng dịp 30 năm Quần thể di tích cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Đến nay, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đã góp thêm nguồn lực đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế.

Quỹ Bảo tồn di sản Huế góp nguồn lực trùng tu, phát huy giá trị Cố đô

Quỹ Bảo tồn di sản Huế góp nguồn lực trùng tu, phát huy giá trị Cố đô

VOV.VN - Quỹ Bảo tồn di sản Huế ra mắt từ tháng 6/2023, đúng dịp 30 năm Quần thể di tích cố đô Huế, 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới. Đến nay, Quỹ Bảo tồn di sản Huế đã góp thêm nguồn lực đáng kể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Cố đô Huế.