Đạo diễn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nghẹn ngào kể chuyện thời bé
Đạo diễn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nghẹn ngào tâm sự về hành trình cuộc đời từ tuổi thơ tới hiện tại bên gia đình.
- Cơ duyên nào đưa anh chuyển thể tác phẩm văn học “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" lên màn ảnh?
- Tôi ấn tượng với truyện này từ lần đầu tiên đọc. Tôi thấy bản thân và em trai (John) trong câu chuyện này. Những tình huống trong truyện khiến tôi cảm động, làm tôi tự nhiên nhớ lại quá khứ có lỗi ngày xưa.
Hồi nhỏ tôi được gọi là Tèo, còn em trai tôi được gọi là Bờm. Anh em tôi y chang như Thiều và Tường trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Ngày bé, thằng Tèo là tôi luôn bắt nạt thằng em. Còn thằng Bờm lúc nào cũng thần tượng anh trai. Giờ lớn lên nghĩ lại, tôi thấy bản thân ngày xưa tàn nhẫn, làm với em những điều nói ra mà thấy xấu hổ và có lỗi. Tôi cũng không hiểu sao ngày đó mình lại tàn nhẫn với em mình thế. Lúc đó, mình còn là trẻ con, thường ăn hiếp em nhưng không ý thức được.
Đạo diễn Victor Vũ. (Ảnh: VnExpress). |
- Tình anh em giữa anh và em trai “Bờm” giờ ra sao?
- Tuổi tác của tôi và em trai chênh lệch hơi xa nên lúc nào tôi cũng thấy em trai như kẻ làm phiền. Mình đi đâu nó cũng theo mình, làm phiền mình. Mình bực với nó nhưng lúc thiếu nó mình cũng không chịu nổi. Một hai ngày đi chơi rong mà không nghe thấy tiếng nó là lại đi tìm, kéo nó đi chơi cùng, bảo “Ê, mày có đi chơi chung với anh không?”. Nhưng khi đi chơi cùng nó, tôi lại ăn hiếp nó.
Giờ lớn lên, hai anh em tôi rất khác so với ngày xưa. Chúng tôi trở thành những người bạn thân nhất trên đời. Cái gì chúng tôi cũng chia sẻ với nhau. Em tôi làm về kinh tế nhưng mê phim. Vài năm nay, cậu ấy thậm chí tự học và nghiên cứu để viết vài kịch bản. Tôi có góp ý và tham gia trong kịch bản của cậu ấy.
- Anh đã trải qua tuổi thơ ở Mỹ như thế nào?
- Tôi đến Mỹ từ khi trong bụng mẹ và chào đời năm 1975. Lúc mới sang, gia đình gặp nhiều khó khăn. Tôi sống cùng mẹ và hai chị gái, mấy năm sau bố mới sang. Khi gia đình mới đến Mỹ, chúng tôi không khá giả lắm, khá thiếu thốn và phải đối mặt với nhiều thử thách. Tôi nhớ cảm giác mình từng khao khát những thứ người khác có mà mình không. Trong lòng cũng buồn nhưng không phải là cái gì đó nặng nề. Khi còn thơ trẻ, suy nghĩ của tôi khá vu vơ, buồn vô cớ vì những chuyện không quan trọng lắm.
Nhà tôi sống ở Los Angeles chứ không ở khu quận Cam - nơi có đông cộng đồng người Việt. Lúc đi học, trường của tôi phần nhiều là đồng môn da trắng. Đến trường, tự nhiên tôi nhận ra mình khác biệt và cảm thấy mặc cảm. Tôi từng bị mấy đứa bạn trong trường trêu chọc và xúc phạm vì là người châu Á. Có một lần tôi khóc vì chúng bạn chọc mình trước mặt cô gái mà tôi thích. Mặc dù cô bé đó không có phản ứng gì, tôi rất xấu hổ và về nhà khóc.
Nói chung, thời gian trưởng thành của tôi có nhiều mặc cảm. Nhiều khi tôi suy nghĩ, có thể bởi những mặc cảm đó, tôi về ăn hiếp em trai. Có thể là người ta ăn hiếp mình thì mình lại về ăn hiếp người khác. Tôi giống Thiều trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh ở điểm rằng Thiều là một cậu bé có nhiều mặc cảm. Cậu sợ bản thân không giỏi hơn những đứa khác cùng lớp hoặc em trai, từ đó dễ phát sinh tính ích kỷ trong một đứa trẻ.
Đạo diễn Victor Vũ và mẹ. (Ảnh: VnExpress). |
- Mẹ anh chia sẻ và đồng cảm ra sao với đứa con trai sống nội tâm như anh?
- Hồi nhỏ, nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn nhưng luôn luôn có mẹ và hai chị bên cạnh. Tôi nhận ra một điều rằng mình có thể đi đây đi đó, gặp chuyện này chuyện kia nhưng vẫn luôn có gia đình. Đó là điều quan trọng. Tôi học nói tiếng Việt do bị mẹ bắt phải đi học Việt ngữ. Mỗi chủ nhật vừa đi học giáo lý, vừa học tiếng Việt. Lúc đó tôi rất ghét nhưng giờ chắc phải cảm ơn mẹ.
Mẹ tôi giàu tình cảm và vui vẻ nhưng là người kín đáo, không thích xuất hiện ở nơi đông người. Mẹ luôn muốn giữ sự riêng tư của gia đình và bản thân. Về sâu xa, mẹ rất tâm lý. Giờ nhìn lại tôi thấy bản thân rất may mắn vì ngày xưa mẹ luôn tạo cảm giác cho những đứa con có thể tâm sự và chia sẻ thoải mái.
Khi có vấn đề gì, tôi đều có thể chia sẻ được với mẹ. Nếu có ba cụm từ để tả về mẹ thì đó là một người bạn tốt, khiêm nhường và có lòng tự trọng. Tôi thường nhủ rằng người tôi chọn làm vợ giống mẹ tôi ở điểm là cả hai rất tình cảm. Đó là điều quan trọng nhất với tôi.
- Anh khám phá ra niềm đam mê phim ảnh từ khi nào?
- Từ nhỏ tôi đã viết truyện ngắn và vẽ truyện tranh. Tôi thích truyền tải những gì trong đầu mình bằng việc viết hoặc vẽ. Ấn tượng đầu tiên của tôi với điện ảnh là năm 7 tuổi, khi được xem phim E.T (Steven Spielberg). Sau đó, tôi gần như liên tục vẽ hình con E.T. và muốn tham gia vào thế giới “cine” nhưng chưa biết bản thân sẽ làm gì.
Lúc 12 hoặc 13 tuổi, tôi được mẹ tặng cho chiếc máy quay video. Tôi gom mọi người trong gia đình, cho họ làm diễn viên trong các phim ngắn. Thời đó tôi rất vui vẻ nhưng cũng là một đứa hơi tự kỷ. Ở trường, tôi không tiếp xúc nhiều, không có nhiều bạn bè. Đi học về nhà làm bài, rảnh thì viết truyện, vẽ truyện tranh hoặc làm phim ngắn.
Hồi mới vào trường điện ảnh, tôi được học nhiều về điện ảnh thế giới. Trước đó, tôi hầu như toàn xem và mê phim Hollywood. Ở trường điện ảnh, tôi được mở mắt rằng có quá nhiều tác phẩm tuyệt vời từ các nền điện ảnh như Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản. Việc tiếp xúc với điện ảnh thế giới giúp mở rộng nhãn quan điện ảnh cho tôi và thấy không bị ép phải định hướng trường phái nào. E.T là phim đầu tiên tôi ấn tượng nhưng không phải là phim tôi thích nhất. Tôi thích các phim của Kurosawa, Hitchcock, Fellini.
Victor Vũ làm việc với diễn viên nhí Thịnh Vinh trên phim trường "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh". (Ảnh: VnExpress). |
- Cuộc sống sinh viên điện ảnh ở Mỹ của anh thế nào?
- Năm 17 tuổi, tôi vào đại học, đi ở nội trú rồi thuê nhà riêng. Đại học của tôi có 90% sinh viên là người Mỹ da trắng. Khi đó, tôi vẫn còn là một chàng trai hơi tự kỷ và khép kín. Khi tụ tập với bạn bè đại học, sinh viên điện ảnh chúng tôi hay nói chuyện nhiều về phim ảnh. Năm đầu, tôi quen anh Tony Bùi (phim Ba mùa) khi anh ấy học năm thứ ba cùng trường với tôi (Loyola Marymount University). Chúng tôi quen nhau qua công việc bán thời gian là đưa các cuộn phim 35mm lên chiếu trong các buổi xem phim ở trường.
- Ở giai đoạn đầu làm phim, điều gì đã trở thành cảm hứng giúp anh tạo nên những tác phẩm về gia đình?
- Có hai thứ cùng lúc xảy đến với tôi hồi đại học. Khi đam mê điện ảnh được phát triển, tôi tiếp xúc với cộng đồng người Việt. Lúc đó, văn hóa Việt lại giống như thế giới mới có nhiều thú vị với tôi. Bởi vậy, những bộ phim đầu tiên của tôi đều có đề tài về Việt Nam.
Gia đình là đề tài rất quan trọng và ý nghĩa với tôi. Đó là lý do mà Pháo hay Thiếu phụ Nam Xương là các phim ngắn đầu tiên tôi thực hiện. Tôi sống trong gia đình rất gần gũi và mọi người luôn che chở nên khi viết những phim đầu tay, tôi khai thác những đề tài gần gũi nhất. Sau khi làm các phim về Việt Nam gồm Buổi sáng đầu năm, Oan hồn, tôi quyết định về Việt Nam làm phim.
- Lớn lên ở Mỹ, anh tìm mối liên hệ gì để tạo ra “chất” Việt Nam trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”?
- Tôi là người Việt Nam, mang tâm hồn người Việt trong mình. Phim là một câu chuyện gia đình - thứ ai cũng hiểu được. Tôi cho rằng một nhà làm phim nói riêng và bất kỳ ai nói chung khi làm gì đều cần nghiên cứu và tìm hiểu trước khi bắt tay vào dự án. Một nhà làm phim về xã hội đen không nhất thiết phải từng sống với xã hội đen. Quan trọng là mình muốn thể hiện câu chuyện một cách chân thật nhất như thế nào./.