Điện ảnh Việt Nam bao giờ cho có “sao“?
VOV.VN - 20 phim điện ảnh đang vào cuộc tranh giải Bông Sen vàng LHPVN lần thứ 19. Nhưng nếu hỏi có “sao” ở phim không, thì rất khó có câu trả lời...
Điện ảnh cách mạng Việt Nam (ĐAVN) từ ngày thành lập15/3/1953 đến nay, trải qua nhiều thử thách, có lúc thăng trầm, có lúc bối rối trăn trở tìm lối đi, nhưng đã có nhiều thành công được ghi nhận trong nước và quốc tế. Riêng với phim truyện điện ảnh, ĐAVN đã có một thời tạo dựng nên những hình tượng nhân vật điển hình với những vai diễn điển hình của những diễn viên xuất sắc. Họ đã từ phim bước ra ngoài đời để trở thành những “thần tượng” hay “sao” của công chúng. Nhưng từ khi ĐAVN bước vào giai đoạn của “hội nhập”, “toàn cầu hóa”, “kinh tế thị trường”... thế kỷ 21, thì càng ngày càng vắng bóng “sao”, cho dù có rất nhiều những “hotgirl”, “hotboy”, giới showbiz Việt tham gia diễn xuất trong phim.
20 phim điện ảnh đang vào cuộc tranh giải Bông Sen vàng LHPVN lần thứ 19. Nhưng nếu hỏi có “sao” ở phim không, thì rất khó có câu trả lời. Bởi thực tế điện ảnh Việt Nam hiện tại chưa có “sao” và có lẽ cũng rất lâu nữa mới có thể có “sao”nếu có chiến lược tạo dựng “sao”.
Ngày xưa điện ảnh Việt đã từng có “sao”
Nếu như tính từ phim truyện đầu tiên của ĐAVN “Chung một dòng sông” - 1959, đến năm 1975( trước thời kỳ đồi mới), thì ĐAVN đã có phim thần tượng với những diễn viên “sao” mà cho đến tận bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ, vẫn được nhắc lại như một kiểu mẫu, không có phiên bản thay thế. Những diễn viên như Phi Nga, Mạnh Linh, Tố Uyên, Trà Giang, Thế Anh, Lâm Tới, Trần Phương, Bùi Bài Bình, Dũng Nhi…, Như Quỳnh, Đức Hoàn, Tuệ Minh, Minh Châu, Thanh Loan, Vũ Thanh Quý, Phương Thanh,.. không chỉ là “sao”- thần tượng của cả một thế hệ thời đó mà còn như là biểu tượng thành công của ĐAVN, mang niềm tự hào quốc gia đối với bạn bè quốc tế.
Ngày đó khái niệm “thần tượng” hay “sao” trong phim gần như chưa có trong ĐAVN, nhưng những bộ phim có sự diễn xuất của họ đều mang đến những hiệu quả tích cực trong đời sống văn hóa nghệ thuật cũng như xã hội. Trong thập niên 1975-1985, ĐAVN với những bộ phim về chiến tranh, hậu chiến tranh cũng đã tạo nên những thần tượng mới như: Thúy An, Lý Huỳnh, Nguyễn Chánh Tín, Hà Xuyên, Lê Vân... Đặc biệt là thời kỳ “đổi mới”, trong thập niên 1985-1995, ĐAVN có những bước phát triển theo khuynh hướng thị trường, với dòng phim “mì ăn liền”, cho dù có thể là khoảng thời gian ĐAVN “thoái trào”, nhưng cũng tạo dựng những gương mặt “sao” gây “sốt” ở các rạp như: Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh... Những gương mặt này chính là “sao”- thần tượng của lớp khán giả trẻ ĐAVN.
Đến 15 năm sau của thế kỷ 21, ở năm 2015, những “sao” này của ĐAVN vẫn được nhắc đến như một hoài niệm, như một nuối tiếc, như thể mãi mất đi khó tìm lại được. Cho dù hiện tại trong showbiz Việt, rất nhiều “hotgil”, “hotboy”, “chân dài”, “hoa hậu”, “nam vương”, “siêu mẫu”, ca sĩ, MC… tràn ngập màn ảnh ĐAVN.
Điện ảnh Việt Nam hiện tại chưa thể có “sao”.
Trong xu thế phát triển chung của thời “hội nhập”, “kinh tế thị trường”, điện ảnh trở thành một ngành công nghệ giải trí tiềm năng thu lợi nhuận khổng lồ, nên một bộ phim được nhà sản xuất luôn tính toán lợi nhuận cao nhất rất quan trọng. Ở các tập đoàn công nghệ giải trí lớn trên thế giới và ngay cả các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... đều hiểu một bộ phim mốn thu lợi nhuận nhiều nhất thì cần phải có các “sao”- thần tượng, đó là bảo chứng cho thành công cả nghệ thuật lẫn doanh thu của phim.
Đối với các hãng phim nhà nước, việc có “”sao” trong phim gần như là của hiếm. Một Hải Yến được “sáng” từ phim “Người Mỹ trầm lặng” của Hollywood, ở các phim sau không mang lại sức “nóng” cho phim. Hay như Hồng Ánh, dù là hàng “sao” với nhiều giải thưởng điện ảnh trong nước và quốc tế, nhưng cũng không mang lại cơn “sốt” nào cho các phòng vé. Các diễn viên nam lại càng nhạt nhòa, gần như ít ai nhớ mặt những vai diễn nam trong các bộ phim của các hãng nhà nước. Với các hãng phim tư nhân thì có khác. Phần lớn đã định hướng cho mình làm dòng phim “thị trường”, nên hơn ai hết đều hiểu rõ “luật” thành công về kinh doanh của phim chí ít cũng cần phải có “hot boy”, “hotgirl”- “sao” trong giới showbiz Việt của lứa tuổi teen… Họ cũng đã chủ đích tạo ra một vài gương mặt “sao”như Ngô Thanh Vân, Johnny Trí Nguyễn, Tăng Thanh Hà, Lương Mạnh Hải, Thanh Hằng, Minh Hằng, Võ Thành Tâm, Lương Thế Thành... Nhưng các gương mặt này chưa thề thành “sao”chính vì khả năng diễn xuất của họ thất thường, phim chưa kể có những scandal ngoài phim ảnh làm mất đi thiện cảm của công chúng với diễn viên.
ĐAVN hiện tại chưa có khái niệm “công nghệ chế tác sao”, để tạo dựng các diễn viên thần tượng, cung cấp cho các dự án phim “thần tượng”. Ở TPHCM và Hà Nội có trường đào tạo diễn viên ĐASK tới bậc đại học và cao học, rồi Truyền hình VN cũng mở lớp đào tạo diễn viên đóng phim truyền hình, chưa kể nhiều khóa học diễn xuất của các nhà văn hóa, các câu lạc bộ, các trường năng khiếu nghệ thuật... Nhưng có lẽ chưa có một cơ sở nào có dự án đào tạo một cách chuyên nghiệp để có một “sao” - thần tượng trong phim thực thụ, như một công nghệ “sản xuất sao” cung cấp cho các hãng phim. Chưa có một công ty nào quản lý “sao” - điện ảnh một cách chuyên nghiệp, mà chỉ là những hợp đồng thời hạn.
Trong các dự án chiến lược xây dựng ngành ĐAVN từ 2015- 2020 và tầm nhìn 2030, cũng không có mục tiêu xây dựng “sao”. Hầu như các “sao”của ĐAVN qua các giai đoạn phát triển của điện ảnh đều tự thân mà làm nên tên tuổi nhờ tài năng của mình. Các hãng phim tư nhân được phép sản xuất phim, cũng không chủ trương xây dựng “sao”, vì không sở hữu được diễn viên nên chẳng ai đầu tư, không ai “trồng cây cho người khác hái quả”.
Nên chăng học kinh nghiệm láng giềng?
Ở nước ngoài, “công nghệ chế tác sao” đã hình thành từ rất lâu, gắn liền với việc phát triển và kinh doanh công nghệ giải trí. Không cần nhìn xa, chỉ ngó quanh như Hãng KBS của Hàn Quốc, Hãng TVB của Hồng Kông - Trung Quốc... đã mở hẳn một trường đào tạo diễn viên cho hãng, và công việc đào tạo cũng như một quy trình khép kín, từ khâu tuyển năng khiếu, học tập, rồi cho thử vai, rồi tiếp đến là cả một bộ máy PR trên truyền thông, mạng xã hội, các fan club, forum..., chăm sóc hình ảnh, tạo dựng những “tiểu hoa đán, tiểu vương đán”, rồi có cả đội ngũ biên kịch chế tác các kịch bản phim có nhân vật “đo ni đóng giày” cho diễn viên, cho đến khi diễn viên thành “sao”- thần tượng được công chúng hâm mộ... Họ không tiếc tiền đầu tư và biết rằng chính các “sao”- thần tượng này sẽ là Thần Tài của hãng.
Một nền điện ảnh không có “sao” là biểu hiện sự khiếm khuyết. Và đó cũng là một trong những thước đo sự phát triển của nền điện ảnh quốc gia. ĐAVN hiện tại vẫn ăn đong diễn viên theo kiểu “ăn xối ở thì”, mang tính thời vụ, không bền vững.
Và cho dù kết thúc LHPVN lần thứ 19, có những Bông sen vàng, bạc cho diễn viên xuất sắc thì đó cũng chưa phải là “sao” của ĐAVN. Vẫn rất cần một dự án riêng trong chiến lược phát triền ĐAVN tương lai một “công nghệ chế tác sao” cho ngành ĐAVN, để thực sự là thần tượng của giới trẻ, trở thành hình tượng của một thời kỳ ĐAVN, như đã từng có “sao” trong quá khứ./.