Giải thưởng Cánh Diều 2016: Điện ảnh Việt Nam mừng ít, lo nhiều
VOV.VN - Tưởng chừng đã có sự chuyển biến tích cực trong điện ảnh Việt Nam, nhưng xem ra chỉ là tín hiệu mừng ít lo nhiều.
“Vừa phấn khởi vừa không”
Như đã đưa tin, tối 9/4, lễ trao giải thưởng Cánh Diều 2016 đã diễn ra tại TP. HCM. Phim về thế hệ trẻ @: “Sài Gòn anh yêu em” (phim điện ảnh), “Zippo, Mù tạt và em” ( phim truyền hình dài tập), “Hai đứa trẻ” (phim tài liệu) đã đoạt Cánh Diều Vàng. Sự lên ngôi này tưởng chừng đã có sự chuyển biến tích cực trong điện ảnh Việt Nam, nhưng xem ra đây mới chỉ là tín hiệu mừng ít lo nhiều…
Các diễn viên nhận giải tại lễ trao giải Cánh Diều 2016 |
Trong khuôn khổ của Giải Cánh Diều 2016 (theo năm tổ chức), trước đêm trao giải, buổi tọa đàm “Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2016” đã được tổ chức sáng 9/4 với sự tham gia đông đảo các nghệ sĩ điện ảnh, các nhà làm phim cả nước và truyền thông, nhưng thiếu vắng đại diện nhà sản xuất. Các bản tham luận và ý kiến đặt ra nhiều câu hỏi thách thức cho người làm phim Việt hiện nay.
"Nhìn vào danh mục phim đoạt giải Cánh Diều Vàng, Bạc (CDV, CDB) ở các thể loại, cho dù có sự thay đổi khá tích cực, phim về các vấn đề giới trẻ, và của người trẻ làm đã được công nhận, nhưng xét tổng thể thì còn quá nhiều mặt yếu, mà nếu không có những kế hoạch trước mắt và lâu dài để khắc phục thì điện ảnh Việt Nam sẽ khó phát triển đúng nghĩa như điện ảnh thế giới".
Đó là lời của PGS.TS Trần Luân Kim, Trưởng Ban giám khảo phim điện ảnh giải thưởng Cánh Diều 2016 phát biểu trong buổi tọa đàm. Phấn khởi vì nhìn vào lực lượng làm phim đa phần trẻ, khá năng động và đặc biệt nhiệt huyết với nghề, sẵn sàng dấn thân để làm nghề thực sự. Đây cũng chính là yếu tố tích cực, cần phải nắm bắt để có chiến lược bồi dưỡng và phát triển năng lực, tài năng cho điện ảnh Việt tương lai.
Nhưng phần “không phấn khởi” thì có khá nhiều vấn đề được đặt ra với điện ảnh Việt Nam. Cứ chiếu theo 19 phim tranh giải, đa phần chọn đề tài tâm lý xã hội, ít phim hành động, có tí phim kinh dị, nhiều chất hài…, chủ yếu khai thác đề tài thị thành, còn đề tài nông thôn quá hiếm, vùng sâu vùng xa hay vùng núi cao, hải đảo thì cực hiếm, chỉ có 1 phim “Cha cõng con” về đề tài miền núi, nhưng rồi cuối cùng cũng hướng ước mơ về thành thị.
Một điểm nhấn nữa, phim phần lớn nói về tình yêu và đã được đa dạng hóa ở nhiều khía cạnh, tạo nên cái nhìn nhiều chiều về tình yêu. Nhưng việc khai thác có phần hơi quá yếu tố đồng tính trong các phim cho cảm giác nhàm chán và hết “hiệu ứng cảm xúc”. Phim hành động thì vẫn chưa có gì sáng tạo, nếu không “múa” võ theo kiểu phim kiếm hiệp nước ngoài, chẳng có thế võ dân tộc nào, thì lại la hét, đặc biệt hình ảnh lực lượng công an hay cơ quan pháp luật rất yếu, toàn có mặt khi mọi chuyện của đôi bên đã giải quyết xong, đến chỉ là dọn dẹp “chiến trường”.
Đoàn làm phim "Sài Gòn anh yêu em" nhận giải Cánh Diều 2016. |
Khâu yếu nhất của các phim điện ảnh trong năm 2016 chính là kịch bản phim. Rất thiếu và hiếm kịch bản phim thu hút, hấp dẫn. Có lẽ thế mà trong năm 2016 và sang cả năm 2017, trong các phim đã sản xuất cũng như các dự án phim đang chuẩn bị “lên sàn” có nhiều phim nhà sản xuất phải bỏ tiền mua kịch bản nước ngoài về làm lại hoặc Việt hóa.
Chưa kể, một thực tế khác cũng được đưa ra bàn luận trong tọa đàm, đó là tình trạng các nhà làm phim bóc lột sức lao động các bạn trẻ đam mê viết kịch bản, trả rất “bèo” kịch bản của các nhà biên kịch trẻ, không khuyến khích hay động viên họ theo nghề.
Quá lạm dụng đề tài hình sự
Với phim truyền hình, cái “phấn khởi” là khá nhiều đề tài từ trong nhà ra tới phố, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt khá nhiều phim nói về văn hóa sông nước miền Tây Nam bộ “đặc sệt như phù sa” mang đến “hương vị lạ” như cách nói của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, Trưởng ban giám khảo phim truyền hình.
Tuy vậy, dòng phim chính luận còn quá ít, thay vào đó phim tâm lý xã hội, phim về tình yêu lớp trẻ và đặc biệt phim điều tra, vụ án, xã hội đen lại tăng đột biến. Biết rằng phục vụ thị hiếu khán giả theo thị trường, nhưng nếu quá lạm dụng các đề tài “hình sự” xem ra cần phải điều chỉnh vì loại phim này nếu không khéo rất dễ trở thành phản ứng tác động ngược không tốt với khán giả xem phim.
Phim ngắn, đây là điều “phấn khởi”, gần như toàn của giới trẻ làm với khá nhiều đề tài liên quan đến đời sống hiện thực. Có nhiều sáng tạo, cho dù con non tay nhưng đều chứng tỏ năng lực và có kiến thức nghề khá vững. Song cũng có khá nhiều tác phẩm rất hời hợt và cẩu thả trong xử lý ở các khâu từ kịch bản, đạo diễn, diễn viên đến hình ảnh, âm thanh…
Phim Tài liệu đã có những “mầm mống” làm theo kiểu của Hollywood, không còn cứng nhắc, hay quá ngắn, cách tiếp cận vấn đề thật hơn, sâu sắc hơn… Nhưng cũng chỉ mới manh nha ít phim, và đường để đưa phim tài liệu đến công chúng khán giả vẫn còn khá chông gai, “chưa phấn khởi”.
Phim Hoạt hình cũng thế, rất nhiều phim đã áp dụng công nghệ mới làm phim nên tính hấp dẫn về hình ảnh - thị giác đã có thể lạc quan, đề tài cũng đã hướng đến những xu hướng phát triển trí tuệ của trẻ trong thời @, không đóng khung trong những chủ đề giáo dục đạo đức theo kiều dân gian.
Riêng về mảng công trình Lý luận phê bình điện ảnh, thì bao lâu nay đều kém. Rất ít tác phẩm, và càng hiếm hơn những tác phẩm chuyên sâu học thuật điện ảnh đương đại...Một điều “chưa phấn khởi” nữa là điện ảnh Việt hiện tại không có sự kết nối giữa các thế hệ làm phim, người trẻ làm theo kiểu người trẻ, độc lập, thành bại đều tự thân. Các thế hệ đi trước thì lại không muốn “bắt tay” với lớp trẻ, nên cứ già nua cũ kỹ, khó tìm lại “hào quang” của mình, cũng như không có cơ hội truyền kinh nghiệm của mình cho lớp trẻ.
Một cảnh trong phim "Sài Gòn anh yêu em" |
Phim tình yêu áp đảo
Điện ảnh một quốc gia mạnh hay yếu thường được đánh giá từ phim điện ảnh. Và cuộc đua tranh để đoạt CDV 2016 chỉ là cuộc đua giữa các hãng phim tư nhân với gần như là các phim mang tính thị trường, chỉ có vài phim được xem là “lửng lơ” giữa nghệ thuật - thị trường, đặc biệt dòng phim độc lập không tham gia, cho dù phong cách làm phim độc lập cũng có một đại diện là “Cha cõng con”.
“Sài Gòn anh yêu em” là một phim tâm lý tình cảm, cho dù đoạt CDV phim xuất sắc và vài CDV cho vài vị trí khác, nhưng tổng thể là phim chưa mạnh, ít có sự sáng tạo, không phải là một tác phẩm hoàn hảo, một số tuyến câu chuyện không đủ sức nặng, hơi “ngôn tình” quá, lý tưởng hóa quá, gây cảm giác không thật, diễn viên diễn hơi bị kịch hóa và lên gân quá mức, có những tình tiết hơi kịch và khiên cưỡng.
Và nếu chiếu theo phim này, thì rõ ràng khó lạc quan với điện ảnh Việt Nam. Số lượng phim sản xuất nhiều, nhưng chất lượng thì không theo kịp. Lại đặt vấn đề, phải chăng các nhà sản xuất vì lợi nhuận đưa lên hàng đầu, do vậy chỉ cần phim thị trường đúng thị hiếu khán giả, và “đánh” càng nhanh, càng nhiều càng tốt, quay vòng vốn ít thời gian nhất.
Phải chăng tư duy của các nhà sản xuất, phim nghệ thuật, phim có chất lượng cao hay phim dùng chỉ để đi ở các Liên hoan phim quốc tế, thì để Nhà nước làm, bởi ít phải lo về mặt thu hồi vốn làm phim, và còn đỡ khoản tiền phí in phim, làm thủ tục đưa phim đi thi quốc tế cũng khá nhiêu khê và tốn kém?
Vẫn là mừng ít lo nhiều, điện ảnh Việt muốn sánh với điện ảnh quốc tế, cần lắm nỗ lực khắc phục các yếu kém, đồi mới toàn diện để có một chiến lược ngắn hạn, dài hạn phát triên, để có các tác phẩm điện ảnh chất lượng cao./.
Đạo diễn “Cha cõng con” bức xúc trả lại Bằng khen giải Cánh Diều 2016
Lễ trao giải Cánh Diều 2016: Nhiều sạn và thiếu chuyên nghiệp
Phim “Sài Gòn Anh yêu em” thắng lớn với 4 giải thưởng Cánh Diều 2016