LHP Quốc tế Hà Nội vẫn chỉ là giao lưu, cọ xát!

(VOV) - Dù điện ảnh Việt Nam trắng tay nhưng LHP là cơ hội để chúng ta tự nhìn nhận lại chính mình và tìm ra lối thoát.

Không đoạt giải cao là ...đương nhiên

Không phải tới khi bế mạc, trao giải thưởng, người ta mới biết phim Việt Nam không có giải. Nhưng điều đó lại hoàn toàn xứng đáng và hợp lý khi đặt song hành với những phim nước ngoài khác. Ở hạng mục phim truyện, nếu như 12 bộ phim của các quốc gia khác đều chọn miêu tả về cuộc sống hiện thực với những xung đột, giằng xé trong nội tâm nhân vật như: Đêm yên lặng (Thổ Nhĩ Kỳ), Xin chào (Nhật Bản), Bị còng tay (Philippines)… hoặc câu chuyện cảm động, đầy tính nhân văn như: Bài ca của sự im lặng (Trung Quốc), Bức điện (Tajikistan), TALGAT (Kazakhstan)…thì 2 bộ phim của Việt Nam lại đi theo một trường phái khác hẳn.

Trong khi Đam mê không được đánh giá cao bởi nói như diễn viên Như Quỳnh (thành viên Ban giám khảo LHP) thì câu chuyện phim, tình huống phim, màu sắc phim đều giả tạo, không phải là cuộc sống là con người, là câu chuyện của xã hội Việt Nam. Còn Thiên mệnh anh hùng của đạo diễn Victor Vũ lại đi theo lối tả mang màu sắc Hollywood với câu chuyện dã sử.

NSND Như Quỳnh trao giải Nam diễn viên xuất sắc cho đại diện đoàn phim "Đêm của sự im lặng" (ảnh: Hoàng Hà)


Ông Jan Schuette - Trưởng Ban giám khảo phim truyện nhận xét: “Đây là một bộ phim có ngân sách lớn, được đầu tư tốt, chuyên nghiệp với cảnh quay đẹp, kỹ xảo tốt. Tuy nhiên, đạo diễn có phần lỏng tay khiến nội dung chưa được chặt chẽ. Chính vì thế, không quá bất ngờ khi Thiên mệnh anh hùng chỉ giành được Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo (giải thưởng ngoài hạng mục chính của LHP). Cũng như vậy, với hạng mục phim ngắn, phim hoạt hình Bò vàng của Việt Nam cũng chỉ giành được bằng khen của BGK”.

Thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của phim Việt Nam, NSND Như Quỳnh cho rằng: Câu chuyện mà đạo diễn Thổ Nhĩ Kỳ hay Philippines đặt ra trong tác phẩm điện ảnh của họ rất giống ở Việt Nam. Câu chuyện trong phim giản dị như cuộc sống, không quần áo đẹp, không hóa trang, không có cảnh giả, không cần kịch tính, xung đột gì cao cả. Có điều, để làm được tới tầm đó, họ phải thực sự sống và hiểu người dân ở đó. Ngoài ra, họ phải là những người rất giỏi làm nghề nên mới đưa lên màu sắc của đất nước họ lên phim một cách thú vị như thế. Phim Việt chúng ta thì luôn thích làm đẹp về bối cảnh, về nhân vật, về trang phục khiến người xem thấy giả tạo, khiên cưỡng.

Lý giải về việc 2 giải thưởng quan trọng là diễn viên nam/nữ xuất sắc nhất rơi vào tay diễn viên người Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, NSND Như Quỳnh cho rằng: Sự gắn kết giữa nhân vật và diễn viên thực sự không tốt, không gây được xúc động cho người xem. Ví dụ diễn viên Yang Mei Zhou, người đoạt giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất trong phim Bài ca của sự im lặng (Trung Quốc) đóng vai một cô gái bị câm điếc. Cô ấy có khuôn mặt rất giản dị, không hóa trang. Nhìn vào đó, người xem chỉ thấy một khuôn mặt phẳng, không cảm xúc. Thế nhưng qua đó người xem lại thấy được con tim của cô ta, tấm lòng của cô ta luôn có sự nổi sóng. Điều đó gây xúc động cho khán giả. Để làm được điều đó, công của đạo diễn rất lớn. Còn ở phim Việt Nam, đạo diễn chưa làm được điều này.

Đại diện đoàn phim "Bị còng tay" đến từ Philippines lên nhận giải thưởng cao nhất - phim truyện xuất sắc (ảnh: Hoàng Hà)


Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng không quá ngạc nhiên khi điện ảnh Việt không giành được giải thưởng cao bởi theo ông phim của chúng ta đang thiếu đi tính chân thực, đời thường. Đạo diễn “Đừng đốt” cho rằng: “Đã có một thời phim Việt đi theo lối tả cuộc sống như thế, nhưng chúng ta lại chê nó sớm quá, để chạy theo những giá trị ảo, nên giờ xem của Iran mới giật mình. Khán giả Việt giờ không thể xem được những bộ phim chậm rãi như là Amuor  (Chuyện tình) hay Cuộc chia ly, vì đã quá quen xem phim Mỹ với nhiều pha hành động nhanh, vội rồi. Điều đó rất nguy hại!”.

LHP thành công về nhiều mặt?

So với LHP quốc tế lần thứ 1 được tổ chức năm 2010, thì năm nay, LHP được đánh giá là thành công về mọi mặt. Cục Điện ảnh Việt Nam đã bỏ ra một số tiền không nhỏ để mang về nước những tác phẩm điện ảnh đặc sắc, vừa đoạt giải thưởng quốc tế lớn như: Chuyện tình, Chia ly... chiếu rộng rãi cho khán giả và những người làm điện ảnh thưởng thức. Không những thế, với việc quy tụ được nhiều tác phẩm điện ảnh đến từ hơn 20 quốc gia trên khắp thế giới, đã khiến giới chuyên môn và người xem được “no” mắt.

Mặc dù trắng tay ở những giải thưởng quan trọng, nhưng nhiều người làm điện ảnh lại tỏ ra vui mừng. NSND Thế Anh cho rằng: “Làm điện ảnh không chỉ ngồi tự khen nhau. Như thế thì điện ảnh không bao giờ tiến được. Có người nói rằng điện ảnh của chúng ta còn kém. Nói thế thì cũng đúng nhưng nếu kém mà không dám thi thố vì sợ không đoạt giải thì mãi vẫn kém”.

Đoàn phim "Thiên mệnh anh hùng" gồm có đạo diễn Victor Vũ, ba diễn viên Midu, Kim Hiền, Khương Ngọc - lên sân khấu nhận giải của BGK (ảnh: Hoàng Hà)


Nói như ông Jan Schuette - Trưởng BGK phim truyện thì việc có phim được trình chiếu tại LHP đã là thành công rồi. Hơn nữa, đó là nền điện ảnh của Việt Nam đã được giới thiệu tới đông đảo bạn bè quốc tế. Theo bà Aruna Vasudev – Ban cố vấn LHP, Chủ tịch của mạng lưới Khuyến khích điện ảnh châu Á (NETPAC), điện ảnh Việt Nam đang đi đúng hướng, bằng việc tổ chức những LHP như thế này. Vì qua đó, những người làm điện ảnh mới có cơ hội giao lưu, cọ xát với bạn bè quốc tế.

LHP Busan ở Hàn Quốc trước kia cũng được rất ít người biết tới, thậm chí người Hàn Quốc hồi đó cũng chỉ thích phim Holywood. Nhưng chỉ sau vài lần tổ chức, đến nay, điện ảnh Hàn Quốc đã phát triển rất mạnh, trở thành một ngành công nghiệp giải trí của nước này. Việt Nam cũng có thể đạt được như thế.

LHP đã khép lại, nhưng lại mở ra cơ hội lớn cho những người làm điện ảnh nước nhà. Cơ hội này không đến từ những hợp đồng tiền tỷ mà đến từ chính nhận thức của chính những người trong nghề. Đó là con đường duy nhất đưa điện ảnh Việt tiến xa hơn trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên