Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19: Sen Vàng đã tỏa hương?

VOV.VN -Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19 đã khép lại và lắng đọng lại vẫn là câu hỏi Sen Vàng 2015 đã thật sự tỏa hương?

Một lễ khai mạc ngắn gọn, rực rỡ sắc màu với chủ đề “Lửa trong sen” và  nghi lễ thượng cờ biểu trưng cùng chương trình “giao duyên” giữa điện ảnh, ca múa nhạc tạp kỹ mở đầu cho 5 ngày rộn ràng phim, nhộn nhịp các cuộc gặp gỡ giao lưu, hội thảo của những người làm nghề. 

Khép lại là một đêm bế mạc trao giải có chút rườm rà, điệu đàng, không  nhiều đổi mới, thiếu chất điện ảnh, thừa ca múa nhạc. Nhưng vẫn nhận thấycảm xúc vui buồn của các nghệ sĩ, diễn viên, các đoàn làm phim, các nhà sản xuất… và cả công chúng khán giả yêu phim Việt.


Diễn ra từ 1- 5/12/2015 tại TP.HCM với khẩu hiệu "Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, Nhân văn, Sáng tạo, Hội nhập", mục đích của LHPVN 19 là thu hút sự quan tâm của công chúng đến với điện ảnh, tạo động lực để ĐAVN phát triển; giới thiệu đến công chúng những phim mới; tạo điều kiện giao lưu giữa các nhà làm phim, nghệ sĩ và khán giả; kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII năm 2016; giới thiệu logo mới của LHPVN hình búp hoa sen hồng.

Điện ảnh Việt Nam đang dần tiến tới trẻ

LHPVN 19,BTC đã chọn được 125 bộ phim của các thể loại phim, từ 41 đơn vị sản xuất trên cả nước để đưa vào hạng mục phim dự thi và Phim chiếu trong chương trình toàn cảnh. Đặc biệt trong thành phần Ban giám khảo của LHPVN 19, lần đầu tiên có một giám khảo thế hệ 9X (diễn viên Vân Trang 25 tuổi nằm trong BGK phim Truyện).

Nếu nhìn lại lịch sử, đây là lần thứ 4 LHPVN được tổ chức tại TP.HCM, những lần trước vào các năm 1977, 1983, 2009. Lần này, có thể hy vọng là một cột mốc đáng nhớ của ĐAVN bởi nhiều yếu tố trẻ, chất lượng phim tham dự khá đồng đều, đã có “chương trình toàn cảnh” mà đối tượng hướng tới là khán giả trẻ, để đến LHPVN 20 (năm 2017), dự kiến tổ chức ở Tp.Đà Nẵng sẽ thật sự là “sen vàng” tỏa hương.

Một điểm tiến bộ hơn các LHPVN trước là 2 cuộc hội thảo dù chưa tìm ra hướng đi cụ thể nhưng đã tiếp cận vấn đề thiết thực, đang là thời sự “nóng”  của ĐAVN, và được các nhà làm phim trẻ quan tâm.

Một đối mới trong lễ trao giải LHPVN 19 là gộp hết các thể loại để trao giải hạng mục cùng một lượt. Đồng thời, ở LHPVN 19 có một sự lạ, nhiều “cặp đôi” cùng nhận giải: Hai tác giả/phim(biên kịch), hoặc hai phim/ 1 tác giả( quay phim, diễn viên nữ chính…).

Đoàn làm phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" nhận giải Bông Sen Vàng

20 phim truyện điện ảnh tranh BSV dù ở nhiều thể loại, nhiều “dòng” phim khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều mang tính trẻ, kể cả với những phim đề tài lịch sử, hậu chiến, chiến tranh, lãnh tụ… Và nhìn vào danh sách các hạng mục phim đoạt BSV, BSB cũng nhận thấy yếu tố trẻ được ưu tiên, cho dù chưa phải thật xuất sắc thậm chí có phần hơi đuối nhưng có phần hào phóng tặng “sen” như với phim “Cuộc đời của Yến”, hay “Những đứa con của làng”….  Và lý thú nhất, phim được khán giả bình chọn hay nhất trong 20 phim tranh giải là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, và “chương trình toàn cảnh” dành cho “Em là bà nội của anh”.

Có một điều hơi tiếc  và cũng như “chuyện thường tình” ở các LHPVN là thế loại phim tài liệu- khoa học, hoạt hình rất ít được chú ý và quan tâm. Ở LHPVN 19, phim hoạt hình đã tham gia với số lượng không kém gì phim truyện điện ảnh, phim tài liệu- khoa học cũng tham gia với số lượng cao hơn các LHPVN trước, chất lượng phim cũng có nhiều tiến bộ, có nhiều phim ảnh hưởng xã hội rất tốt… Nhưng các thể loại này ngay cả truyền thông cũng thờ ơ, chỉ nhắc đến sơ sài, cho có, nên khi đoạt giải, dù là BSV cũng không được hào hứng đón nhận.

Điều tiếc nhất là phim truyện đoạt BSV thì các diễn viên nhí lại không được ghi nhận thành công của mình.

Sen có tỏa hương?

Đây là một LHPVN có đồi mới, nhưng xem ra ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa của nơi diễn ra là TPHCM không được sôi động. Những băng rôn quảng bá, hay poster các phim trong chương trình toàn cảnh, phim dự tranh giải BSV đều rất khiêm tốn và hiếm. Không chỉ ở LHPVN 19 không khí có phần tẻ nhạt, mà 4 lần LHPVN gần đây đều không còn không khí rạo rực, sôi động, nóng từng giờ một cho đến kết thúc LHPVN như ở các LHPVN thứ 14, 13, 12. 11….

Cho dù đã có những đổi mới trong lựa chọn phim trao giải, và cho dù BSV đã trao cho phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” như một thành công của lần đầu tiên Nhà nước hợp tác với tư nhân sản xuất phim, nhưng không nên quá lạc quan với kết quả BSV, BSB trong LHPVN 19, vì xem ra vẫn có những vàng "non", bạc "chưa đủ tuổi", bởi chất lượng phim chưa thật sự như trông đợi của công chúng khán giả, và với giới nghề thì rất nhiều khiếm khuyết cả về nội dung lẫn nghệ thuật điện ảnh. 

Chưa kể có nhiều tiếc nuối, một số phim khá thuyết phục với giới nghề và mang đến nhiều cảm xúc ở công chúng xem phim thì lại không được làm chủ nhân của BSV, BSB. Nhìn vào bảng tổng sắp BSV, BSB và các giải cá nhân ở các hạng mục, thấy rõ là phim của các hãng tư nhân bị ra rìa, dù trong lễ khai mạc LHPVN 19, phim tư nhân được nhắc đến rất trịnh trọng, và như là thành tố để tạo sức sống, sự sinh động, sự đa sắc của thị trường ĐAVN…

Ngoài ra việc trao “Sen” quá dàn trải , rộng rãi với các phim hoạt hình, tài liệu, như một “đặc ân” để cả nhà cùng vui. Vì gần như phim hoạt hình tham dự là của CTy TNHH MYV Hãng phim Hoạt hình VN, phim tài liệu thì đa phần của Hãng phim TL-KH Trung ương và của Điện ảnh Quân đội. 

Việc dễ dãi trao BSV, BSB cho phim mà đôi khi không dựa vào đúng tiêu chí của LHPVN, hay slogan: “Điện ảnh VN: Dân tộc, Nhân văn, Sáng tạo , Hội nhập”. Và có nên chăng khi phim đoạt BSB “rơi” vào phim của đạo diễn “người nhà”  Trưởng ban tổ chức LHPVN 19, và một phim BSB khác thì do hãng phim của Phó ban tổ chức LHPVN 19?

Và chính vì thế dù có thể xem là thành công của LHPVN, nhưng xem ra vẫn còn nhiều việc phải làm để "Sen" thực sự khoe sắc và tỏa hương.

Kết quả các hạng mục:

Bông sen Vàng:
Phim Hoạt hình: Cậu bé cờ lau
Phim Khoa học: Bản hòa tấu Sơn Đòong
Phim Tài liệu: Đỉnh cao chiến thắng
Phim Truyện video: Không có
Phim Điện ảnh: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Bông sen bạc:
Phim Hoạt hìnhh: Đàn sếu có trở về, Những mặt phẳng
Phim Khoa học: Chúa sơn lâm sau song sắt. Sinh ra trong mùa nổi
Phim Tài liệu: Cỏ xanh im lặng, Triết gia Trần Đức Thảo suy tư cùng thế kỷ
Phim truyện video: Đất lành.
Phim điện ảnh: Những đứa con của làng, Cuộc đời của Yến.
Đạo diễn xuất sắc:
Phim truyện điện ảnh: Victor Vũ
Phim tài liệu: Đào Thanh Tùng
Phim khoa học Nguyễn Hoàng Lâm
Phim hoạt hình. Phùng Văn Hà
Phim truyện video: Đặng Thái Huyền
Tác giả kịch bản xuất sắc cho mỗi hạng mục:
Phim Hoạt hình: Phạm Thanh Hà và Phạm Đình Hải phim Những mặt phẳng
Phim Tài liệu: Đào Trọng Khánh phim Giọt nước giữa đại dương
Phim Điện ảnh: Hai tác giả của phim Thầu Chín ở Xiêm, Người trở về
Phim Khoa học: Tạ Thị Huệ của Ứng dụng tế bào gốc chữa bệnh
Phim truyện video: Không có
Quay phim xuất sắc:
Phim Khoa học: Nguyễn Tài Việt, Dương Văn Quân 
Phim Tài liệu: Dương văn huy
Phim Điện ảnh: Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn K’Linh.
Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc cho hạng mục
Phim truyện điện ảnh: Nguyễn Dân Nam (Những đứa con của làng, Cuộc đời của Yến)
Phim hoạt hình (giải Họa sĩ tạo hình và Họa sĩ diễn xuất): Lý Thu Hà (Cậu bé cờ lau)

Âm nhạc xuất sắc cho hạng mục
Phim truyện điện ảnh: Lê Cát Trọng Lý (phim Cuộc đời của Yến)
Phim hoạt hình: Lương Ngọc Châu (phim Người cha)
Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc cho hạng mục phim truyện điện ảnh và phim truyện video:
Phim Điện ảnh: Đỗ Thúy Hằng (Nữ), Trung Anh (Nam)
Phim truyện video: Nguyễn Thu Thủy (Nữ), không có giải Nam
Nam/nữ diễn viên phụ xuất sắc cho hạng mục phim truyện điện ảnh:  Kim Hiền (nữ),  Huy Cường,  Phạm Trần Thanh Duy (nam)
Phim do khán giả bình chọn:
Phim do khán giả bình chọn: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Phim khán giả yêu thích nhất dành cho điện ảnh toàn cảnh: Em là bà nội của anh
Điện ảnh xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang, cách mạng: Nhà tiên tri, Đường xuyên rừng (do Tổng cục Chính trị bình chọn)./.

BSV: Phim truyện điện ảnh Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh- Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân sản xuất.

BSB: Phim truyện điện ảnh: Những đứa con của làng- Công ty TNHH MTV Truyền thông Nam Phương (Hồng Ngát Film) và

“Cuộc đời của Yến” - Công ty TNHH Hãng phim Truyện VN sản xuất.

Đạo diễn xuất sắc: Victor Vũ.

Diễn viên nam chính xuất sắc: Trung Anh- Những đứa con của làng.

Diễn viên nữ chính xuất sắc: Đỗ Thúy Hằng- Những đứa con của làng và Cuộc đời của Yến.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên