Mùa hè thất bại của phim Việt

Doanh thu của Ðường đua sau ba ngày đầu tiên công chiếu đã như gáo nước lạnh giội xuống những nhiệt huyết vừa bừng lên của phim Việt.

Thất bại về doanh thu của một số phim tết năm 2013 dù vẫn làm theo công thức áp dụng khá nhiều năm ăn khách đã là một dấu hiệu khá bất thường của thị trường phim Việt.

Trong sự u ám ấy, Nhà có năm nàng tiên lại nổi lên khi đem về doanh thu (theo thông tin không chính thức) phòng vé lên đến trên 50 tỉ đồng. Sự chênh lệch về doanh thu của Nhà có năm nàng tiên và các phim còn lại đặt các nhà làm phim Việt vào những suy ngẫm khá "cân não". Bởi đơn giản: gu khán giả đúng là không biết đâu mà lần.

Nản lòng với doanh thu

Mấy năm gần đây, phim Việt ra rạp khá đều đặn chứ không còn đợi vào mùa tết. Trước Ðường đua, mùa phim hè của phim Việt bắt đầu với Lọ Lem Sài Gòn (ra rạp 31-5) - một phim hợp tác giữa VN và Hàn Quốc.

Phim gây thất vọng với cả truyền thông và khán giả về sự hấp dẫn cũng như yếu tố điện ảnh của phim. Nhiều người ví sự thất bại này giống với bộ phim hợp tác của VN và Indonesia Ranh giới trắng đen - phim nhạt nhòa, ngô nghê, thiếu sức hút.

Sau Lọ Lem Sài Gòn là Biết chết liền (ra rạp 14-6) - phim 3D của đạo diễn Lê Bảo Trung. Biết chết liền là một dự án khá tâm huyết của đạo diễn Lê Bảo Trung khi Gia sư nữ quái dù không được đánh giá cao về nghề nghiệp nhưng khá khả quan về doanh thu.

Một cảnh bạo lực trong phim Đường đua. 

Tiếc thay, Biết chết liền dường như đã là một phép thử sai của Lê Bảo Trung với khán giả vì đã không thu hồi đủ vốn cho nhà sản xuất...

Săn đàn ông (ra rạp 12-7) và Hit Hoàng tử & Lọ Lem (ra rạp 19-7) được ví gần với chữ thường dùng cho phim giải trí Việt khoảng mấy năm trở lại đây: thảm họa. Săn đàn ông là phim hài được gắn nhãn 16+ của hai đạo diễn chưa quen tên là Võ Quốc Thành - Khánh Ly đã làm "choáng váng" khán giả bởi sự pha tạp bất chấp ngôn ngữ điện ảnh cũng như thẩm mỹ thông thường.

Còn Hit Hoàng tử & Lọ Lem - bộ phim thứ ba của đạo diễn Ngô Quang Hải, từng là một cái tên được kỳ vọng sau Chuyện của Pao (Cánh diều vàng 2005) - đã trượt khỏi mức tiêu chuẩn thông thường nhất của một tác phẩm điện ảnh, chưa nói đến yếu tố có ngôn ngữ riêng, hấp dẫn và xa xỉ hơn là phim hay!

Doanh thu phòng vé của cả hai phim đã cho thấy không phải cứ có hot boy, hot girl hay hình ảnh gây sốc này nọ là có thể kéo khán giả ùn ùn đến rạp...

Và trong bối cảnh tin xấu nhiều như vậy, sự có mặt của Ðường đua ngay lập tức nhận được những lời khen, sự chia sẻ mừng rỡ của những người yêu điện ảnh Việt như một tín hiệu đáng mừng.

Nhưng một lần nữa, khán giả lại có những lý lẽ riêng của số đông, doanh thu ba ngày đầu tiên của Ðường đua có thể nản lòng bất cứ ai muốn được làm phim tử tế!

Êkip trẻ của phim Đường đua. Từ trái qua: Nhan Phúc Vinh, Phạm Anh Khoa, Quý Bình, đạo diễn Nguyễn Khắc Huy và Kim Nhã - Ảnh: T.T.D.

Cánh cửa hẹp cho phim Việt

Nhìn ngược lại thị trường điện ảnh VN chỉ trong năm 2013, có thể thấy sự chênh lệch ngày càng lớn giữa phim Việt và phim ngoại. Dù phim Việt đã có những chuyển mình đáng kể, đội ngũ làm phim Việt kiều về nước, khán giả ít nhiều đã có thói quen xem phim Việt thì cũng khó mà so sánh nổi với phim ngoại nhập.

Việc phát hành phim Việt trước đây gần như nằm trong tay Galaxy, kế đó là BHD, gần đây có thêm Lotte và Megastar. Các nhà phát hành này đều có chung mẫu số là chủ sở hữu các cụm rạp, vì vậy khi phát hành cho phim nào, họ sẽ ưu ái suất chiếu hơn cho phim đó, nhất là Galaxy, BHD đều kiêm thêm việc sản xuất phim.

Việc gia nhập WTO đã khiến điện ảnh VN lâm vào cảnh tréo ngoe, nếu như Trung Quốc có thể ban hành lệnh cấm cả hai phần của phim hoạt hình Kẻ trộm mặt trăng chỉ vì không muốn khán giả quá bị thu hút vì các phim ngoại nhập thì VN lại không được quyền có hạn ngạch với phim ngoại.

Và thế là chỉ từ đầu năm đến nay, phim Việt mới chỉ có năm phim ra rạp nếu không tính bốn phim tết thì phim ngoại trung bình mỗi tuần có ít nhất hai phim ra rạp.

Nguyễn Thanh Sơn - chồng của giám đốc sản xuất Hồng Ánh đồng thời là phó đạo diễn Ðường đua - đã lý giải trên trang cá nhân của anh: Ðường đua không tạo ra được bùng nổ phòng vé có một phần là do phim "nặng", không nhiều tính giải trí cho lớp khán giả trẻ dưới 20 tuổi, vốn là công chúng chính của điện ảnh Việt hiện nay...

Có lẽ dù được đánh giá cao về nghề nghiệp, sự ủng hộ của giới truyền thông thì Ðường đua cũng phải chấp nhận số phận về doanh thu với bốn phim hè trước đó. Phim Việt mùa hè này thế là đã "đầu hàng" trước phim ngoại! Khó mà trách khán giả khi họ đã thất vọng với các phim Việt trước đó, "dụ" họ đến rạp tiếp ngay sau khi họ thất vọng, bài toán không dễ giải!./.

Khán giả Việt khó tính hay dễ dãi?

Sau mùa phim Tết Quý Tỵ 2013 (doanh thu phòng vé Mỹ nhân kế 58,9 tỉ đồng, Nhà có năm nàng tiên trên 50 tỉ đồng...) các nhà sản xuất và phát hành phim Việt có thể cảm nhận “gu” khán giả trong nước đã dịch chuyển.

Có thể thông cảm cho các nhà phát hành khi vì lợi nhuận, họ được quyền chọn phim nào ăn khách để “ưu ái” chiếu nhiều suất, đổ tiền quảng bá mạnh, nhưng dù sao vẫn thấy khá “đắng” cho phim Việt trong cuộc đấu với phim nước ngoài ngay trên sân nhà.

Doanh thu tạm tính của phim VN hè 2013 tính đến ngày 30-7 (Biết chết liền đạt doanh thu trên 7,2 tỉ đồng; Lọ Lem Sài Gòn và Hit Hoàng tử & Lọ Lem cùng đạt 1,9 tỉ; Săn đàn ông: 741 triệu và Cát nóng đạt doanh thu trên 35 triệu đồng) cho thấy khán giả Việt vẫn thích phim hài giải trí nhưng không được làm quá nhảm hay quá tệ.

Trên bình diện chung, bộ phim quán quân doanh thu vé bán tại VN hè này chính là Kẻ trộm mặt trăng 2 (Despicable me 2), phát hành từ ngày 3-6 đến nay đạt doanh thu gần 54,7 tỉ đồng. Phim hoạt hình vui nhộn vẫn là món ăn ngon dễ nuốt trong khẩu vị khán giả VN (phim hoạt hình khác Turbo - Tay đua siêu tốc chỉ vừa chiếu cuối tuần qua đã đạt ngay doanh thu gần 5 tỉ đồng).

Nhiều người “bất ngờ” về hiện tượng phim Thái Lan Tình người duyên ma (doanh thu gần 20 tỉ đồng) nhưng thật ra thành công của phim này không khó hiểu, khi chứa chất hài giải trí nhẹ nhàng và tạo được sự lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng.

Trong tình hình này, có lẽ các nhà làm phim VN cần tỉnh táo nhìn lại để trả lời cho bằng được câu hỏi: khán giả Việt khó tính hay dễ dãi? Làm sao để họ mê xem phim bom tấn Hollywood nhưng vẫn mua vé ủng hộ phim Việt?

Với kết quả bộ phim Đường đua bước đầu đạt doanh thu 853 triệu đồng trong dịp cuối tuần đầu tiên ra rạp (từ ngày 26-7), có lẽ phim Việt đành trông chờ vào sự ra mắt của Lửa Phật vào cuối tháng 8 này để tìm ra lời giải khả dĩ hơn trong việc khiến khán giả Việt móc hầu bao xem phim nội.
                                                                                               Trung Nghĩa


Xem bài gốc tại đây:

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/561344/mua-he-that-bai-cua-phim-viet.html

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vụ phát tán "Bụi đời Chợ Lớn": Công ty Thiên Ngân im lặng
Vụ phát tán "Bụi đời Chợ Lớn": Công ty Thiên Ngân im lặng

Hiện tại, Công ty Thiên Ngân cho biết họ sẽ chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc.

Vụ phát tán "Bụi đời Chợ Lớn": Công ty Thiên Ngân im lặng

Vụ phát tán "Bụi đời Chợ Lớn": Công ty Thiên Ngân im lặng

Hiện tại, Công ty Thiên Ngân cho biết họ sẽ chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc.

Phim Việt giờ vàng: 10 năm tuột dốc
Phim Việt giờ vàng: 10 năm tuột dốc

Đã có được hàng ngàn tập phim lên sóng nhưng sau gần 10 năm lên sóng giờ vàng, phim Việt vẫn trong tình trạng yếu kém.

Phim Việt giờ vàng: 10 năm tuột dốc

Phim Việt giờ vàng: 10 năm tuột dốc

Đã có được hàng ngàn tập phim lên sóng nhưng sau gần 10 năm lên sóng giờ vàng, phim Việt vẫn trong tình trạng yếu kém.

Vụ “Bụi đời Chợ Lớn” bị phát tán: Lỗ hổng “chết người”
Vụ “Bụi đời Chợ Lớn” bị phát tán: Lỗ hổng “chết người”

(VOV) - Có thể coi “Bụi đời Chợ Lớn” là bộ phim ồn ào nhất của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.

Vụ “Bụi đời Chợ Lớn” bị phát tán: Lỗ hổng “chết người”

Vụ “Bụi đời Chợ Lớn” bị phát tán: Lỗ hổng “chết người”

(VOV) - Có thể coi “Bụi đời Chợ Lớn” là bộ phim ồn ào nhất của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.