Phát hành, phổ biến phim: Nhiều nghịch lý
Rạp chiếu phim là một “kênh sinh tiền” chưa có được sự chú ý đúng mức.
Tình trạng số lượng rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý ngày càng “khiêm tốn” để nhường đất cho các công trình thương mại hoặc hoạt động không hiệu quả, trong khi ngày càng nhiều rạp chiếu tư nhân được đầu tư hiện đại, hoạt động năng động, hiệu quả nhưng chỉ tập trung tại các thành phố lớn và phần lớn chiếu phim của quốc gia có cá nhân, đơn vị đến đầu tư, phim Nhà nước đầu tư sản xuất, nhiều phim Việt được đánh giá cao ít có cơ hội ra rạp, người dân thu nhập thấp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không có phim để xem khiến không ít ý kiến cho rằng việc phát hành, phổ biến phim hiện nay như cái chợ thiếu người quản lý một cách chặt chẽ...
Bài toán khó về rạp chiếu - “đầu ra” cho phim Việt
Thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trên cả nước có 97 rạp và cụm rạp với 246 phòng chiếu, trong đó có 72 rạp chiếu với 104 phòng chiếu do Nhà nước quản lý nhưng hệ thống này, chiếm phần lớn là các rạp đơn lẻ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp trầm trọng, hoạt động cầm chừng.
“Mùi cỏ cháy”, một trong những tác phẩm điện ảnh nhận được nhiều lời khen tặng nhưng không được phổ biến rộng rãi qua hình thức công chiếu bán vé tại các rạp. |
25 rạp và cụm rạp với 142 phòng chiếu của các công ty cổ phần, công ty tư nhân và công ty liên doanh nhưng các rạp này đều được trang bị hiện đại, hoạt động hiệu quả, mang lại doanh thu cao, tác phẩm được chiếu chủ yếu là phim thương mại, công nghệ hiện đại, một số phim được phát hành song song với nước ngoài. Tuy nhiên, giá vé khá cao và các rạp này chỉ tập trung ở các thành phố, đô thị lớn, sầm uất. Thị trường điện ảnh theo đó mất cân đối. Tại hệ thống rạp tư nhân, phim Việt Nam được chiếu chỉ chiếm 34% và số lượng người xem phim nước ngoài chiếm đến 70%.
Tuy nhiên, trong thực tế phát hành phim lại đang tồn tại khá nhiều nghịch lý. Rất nhiều phim Việt được đầu tư sản xuất, có phim đạt giải, được đánh giá cao nhưng khó có cơ hội ra rạp. Bởi lẽ, với hệ thống rạp chiếu phim này, không phải nhà sản xuất nào cũng đủ sức “chen chân” vào rạp, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Các rạp phim tại rất nhiều tỉnh, thành và các đội chiếu bóng đang ngày càng thu hẹp dần, hoạt động èo uột, không có phim để chiếu.
Trong buổi góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, một đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đà Nẵng cho biết, trước đây Đà Nẵng có 7 rạp chiếu phim nhưng nay chỉ còn vỏn vẹn đúng 1 rạp vì đã bị các công trình khác thế chỗ. Rất nhiều tỉnh, thành khác cũng chia sẻ rằng, rạp chiếu phim địa phương cũng đang chung thảm cảnh của Đà Nẵng. Bức xúc này cũng được Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Huy Thành “tổng kết” rằng: “Cứ hở ra là rạp chiếu phim lại biến thành khách sạn, công trình thương mại...”.
“Khát” phim cho số đông
Trao đổi về điện ảnh Việt Nam, cũng trong buổi góp ý dự thảo chiến lược phát triển điện ảnh Việt đến năm 2020, Giám đốc Công ty cổ phần Điện ảnh Vina, ông Trần Văn Hùng đã rớt nước mắt khi nhớ lại những chuyến đi về các vùng xa xôi, chứng kiến cảnh người dân háo hức xem phim mặc dù phim chưa hay, phim không mới. Cũng theo ông Hùng, tại ngay các thành phố lớn, rạp phim vẫn sáng đèn dù rằng phim không được đánh giá cao, chứng tỏ nhu cầu xem phim của người dân rất cao.
Rạp chiếu phim là một “kênh sinh tiền” chưa có được sự chú ý đúng mức nhưng hơn thế là một cánh cửa góp phần hội nhập văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa. Xem phim, không chỉ là giải trí đơn thuần, đặc biệt là với khán giả trẻ, kể cả về lối sống, phục trang, ứng xử hằng ngày.
Về thực trạng phát hành phim hiện nay, Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Đào Bá Sơn cũng chia sẻ rằng, Nếu không quan tâm đầu tư rạp chiếu kịp thời, phần lớn các hệ thống rạp do người nước ngoài đầu tư, đến một thời điểm nào đó, điện ảnh Việt sẽ “ngắc ngoải”.
Việc phát hành phim đang bỏ quên số đông là người lao động thu nhập thấp và đồng bào vùng nông thôn, ngoại tỉnh đang rất cần được chú ý, có điều kiện được lựa chọn phim mà họ muốn xem chứ không phải chỉ là những phim đã cũ kỹ, có từ vài thập kỷ trở về trước. Thực tế, đây lại là lực lượng khán giả tiềm năng, đông nhất trên đất nước. Đây cũng là đối tượng rất cần được lưu tâm với những chính sách ưu đãi, thiết thực để có điều kiện tiếp cận các tác phẩm điện ảnh mới. Nếu đầu tư khéo, đây cũng là khu vực giúp nhà sản xuất sinh lời rất nhanh.
Đạo diễn so sánh bài học phát hành phim cho người thu nhập thấp rất gần với bài học về nồi cơm điện cho người nghèo mà một người bạn của ông đã thực hiện rất thành công: Thay vì nhập nồi cơm điện nước ngoài hoặc sản xuất giá thành cao, sang trọng, bắt mắt, người chủ sản xuất mạnh dạn đầu tư sản xuất nồi cơm điện giá trẻ chỉ vài trăm ngàn rồi đưa về các vùng quê tiêu thụ. Với điện ảnh, tại sao không tạo điều kiện cho người dân quê, công nhân lao động mua vé xem phim giá rẻ, tiền lãi mỗi vé ít nhưng tổng tiền lãi sẽ nhiều?... Tất nhiên, để “điều hòa” được thị trường, rất cần sự ngồi lại của các nhà sản xuất, phát hành phim và cần thiết nữa là một hiệp hội phát hành, phổ biến tác phẩm điện ảnh trong tương lai.
Được biết, để khắc phục những bất cập trong công tác phát hành, phổ biến phim, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức độ hưởng thụ trong lĩnh vực điện ảnh hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đặt ra khá nhiều kế hoạch, trong đó tập trung đẩy mạnh số lượng phim truyện Việt Nam chiếu rạp, đảm bảo tỷ lệ 25% năm 2015 và 40% tổng số phim được chiếu tại các rạp trong toàn quốc. Không cho sáp nhập trung tâm điện ảnh hoặc trung tâm phát hành phim và chiếu bóng sáp nhập vào trung tâm văn hóa của các địa phương, đồng thời củng cố hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, phát huy hoạt động các đội chiếu bóng lưu động.
Với rạp chiếu phim, từ 2010 đến 2020 đảm bảo nâng cấp, xây dựng mới 106 rạp trong đó có trung tâm điện ảnh đa năng tại Hà Nội và TP HCM với quy mô khoảng 1.500 ghế... Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến còn cho rằng trong tình hình khó khăn chung hiện nay, muốn triển khai các kế hoạch này hiệu quả trong hiện thực thì cần có sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả những người trong nghề cho đến các cấp lãnh đạo, kể cả cấp cao hơn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.