Phát hành và phổ biến phim: Bao giờ cho đến ngày xưa?
VOV.VN - Công tác phát hành – phổ biến phim tại rạp của các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng hiện nay đang rơi vào tình trạng lúng túng như gà mắc tóc.
Nếu cách đây ba mươi, bốn mươi năm trước - thời hoàng kim của công tác phát hành và phổ biến phim tại rạp, các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng, khán giả chờ đợi hàng tiếng để có được tấm vé xem phim, thì nay, các trung tâm này đang sống trong cảnh lay lắt. Dẫu vẫn đang sở hữu những rạp chiếu phim có vị trí đắc địa, giá vé ưu đãi nhất nhưng khán giả đã không còn mặn mà với các buổi chiếu tại rạp phim cấp tỉnh.
Hải Phòng – 1 trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, trung tâm của Vùng duyên hải Bắc Bộ, những năm 80-90 thế kỷ trước, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng thành phố này luôn là lá cờ đầu về phát hành phim - chiếu bóng cả nước. Nếu như con số doanh thu 2 tỉ đồng năm 2000 của một rạp chiếu phim ở Hải Phòng là niềm mơ ước của điện ảnh nhiều tỉnh thành, thì đến năm 2015 cả hệ thống rạp của Hải Phòng chỉ cho doanh thu… 200 triệu đồng! Các phòng chiếu xuống cấp, trần nhà thấm dột, hệ thống cách âm không đảm bảo, máy lạnh hỏng, thiết bị lạc hậu. Các rạp phim “năm thì mười họa” mới có buổi sáng đèn, những cũng chỉ lác đác dăm ba người tới xem.
(Ảnh minh họa) |
Ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Hải Phòng cho biết: “Không thể nào sống nổi. Rạp chiếu bóng 11-5, một cái rạp mà các bạn bè đồng nghiệp từng mơ ước đã đóng cửa. Năm 2013, điện ảnh Hải Phòng từng đề nghị là trả rạp chỉ để xin lấy một bộ máy chiếu công nghệ mới”.
Do trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu không đủ tiêu chuẩn để chiếu trực tiếp phim của những hãng nổi tiếng, chất lượng, nên các bộ phim chiếu tại Trung tâm phát hành và phổ biến phim các địa phương thường chậm 1 đến 2 tháng, có nơi chậm đến cả nửa năm so với ngày phát hành. Không nói đến những bộ phim nổi tiếng của nước ngoài, ngay cả những bộ phim do tư nhân sản xuất trong nước cũng hiếm khi được chọn chiếu tại Trung tâm phát hành và phổ biến phim địa phương. Lời lãi chẳng đáng là bao, trong khi nguy cơ bị mất bản quyền là rất lớn.
Ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Ninh Bình bày tỏ: “Các phim bản quyền, phim hay đến với các Trung tâm chiếu phim các tỉnh thì có khi K+ chiếu trước. K+ được chiếu nhưng mà Trung tâm lại không được thuê. Ninh Bình đầu năm 2016 có cụm rạp Lotte khai trương cứ chiếu trước 2 tháng. Mọi năm chúng tôi được giao kế hoạch 200 triệu thì chúng tôi có thể làm vượt nhưng đến năm 2016 này thì không được 50%. Bởi rạp họ chỉ nằm cách đấy có một đoạn thôi, 4 phòng chiếu mà cứ chiếu trước 2, 3 tháng thì khi chúng tôi chiếu thì không còn khách nữa. Họ đầu tư một phòng chiếu 10 tỷ - 11 tỷ chúng tôi thì chỉ có 3-400.000 triệu thôi. So sánh mọi cái kệch cỡm”.
Những thành phố lớn, những tỉnh phát triển đã thế, tại các tỉnh lẻ, tình hình càng bi đát hơn. Từ cuối năm 2013, Trung tâm phát hành và chiếu bóng Lạng Sơn đã phải ngừng hoạt động máy chiếu phim nhựa do không có phim mới để chiếu, buộc phải sử dụng máy chiếu kỹ thuật số lưu động để chiếu khai mạc phim phục vụ các sự kiện chính trị. Tiền bán vé không đủ chi phí, người lao động luôn bị chậm lương.
Ông Dương Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Phát hành và Chiếu bóng Lạng Sơn chia sẻ: “Hiện nay toàn bộ nhân viên kỹ thuật, vận hành máy chiếu phim thì hầu như không được đào tạo bài bản. Năng lực, trình độ thuyết minh, quảng cáo phim lâu nay không được đào tạo. Chúng tôi có một nhân viên, nguyên là thuyết minh phim tại rạp, vừa nghỉ, thế là trong nhân lực đó cực kỳ hẫng. Bây giờ muốn thuyết minh những bộ phim hay của nước ngoài thì cũng không đủ năng lực. Rất khó khăn”.
Thực tế cho thấy, không chỉ ở địa phương mà ngay tại Hà Nội, cụm rạp Dân Chủ vừa phải đóng cửa do nhiều năm thua lỗ. Còn một số rạp thì đang sống lay lắt, do khuôn viên chật hẹp, khó cải tạo nâng cấp lên thành các cụm rạp, thiếu dịch vụ đi kèm để phục vụ nhu cầu của khán giả nên lượng người xem đến rạp không cao…
Ngoài các công ty phát hành và phổ biến phim tư nhân trong nước như BHD, Galaxy Studio, Saigon Media… nhờ được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, công nghệ, nên doanh thu còn kha khá, còn các Trung tâm phát hành và phổ biến phim của nhà nước thì… vẫn bù lỗ thường xuyên. Có thể nói, công tác phát hành – phổ biến phim tại rạp của các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng hiện nay đang rơi vào tình trạng lúng túng như gà mắc tóc. Đâu đâu cũng thấy rạp xuống cấp, thiết bị chiếu phim lạc hậu, khiến các nhà sản xuất “ngại” đưa phim đi tỉnh bởi lợi nhuận không bao nhiêu mà nguy cơ mất bản quyền rất lớn. Vì vậy, nếu không có sự đột phá cả về tư duy người quản lý lẫn cơ chế chính sách phát triển điện ảnh, có lẽ chúng ta vẫn chưa thể phá vòng quẩn để thu hút khán giả, và doanh thu ngành điện ảnh vẫn chỉ là con số ngậm ngùi./.