Phim đặt hàng không doanh thu, lấy ai để truy cứu trách nhiệm?
Có nhiều ý kiến không chỉ ở báo chí mà còn facebook đặt ra câu hỏi là tại sao bỏ một số tiền lớn mà không bán được đồng vé nào.
“21 tỉ cho một bộ phim lịch sử là quá nhỏ bé. 1 triệu đô chả là cái gì, chưa đủ để trả cát-sê cho một diễn viên nước ngoài chứ đừng nói đến chuyện làm phim”. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh từng viết nhiều kịch bản và đạo diễn không ít các vở diễn, chương trình nghệ thuật lớn đã đưa ra cái nhìn tổng quát xung quanh câu chuyện 21 tỉ của bộ phim “Sống cùng lịch sử”.
Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử".
- Đã có quá nhiều ý kiến không chỉ ở báo chí mà còn facebook đặt ra câu hỏi là tại sao bỏ một số tiền lớn như thế mà không bán được đồng vé nào? Hiệu quả ở đâu, ai chịu trách nhiệm? Nhưng tôi thấy câu hỏi đó chưa đúng. Trước hết, muốn bàn về nó thì anh phải hiểu đấy là phim gì, nội dung nó như thế nào? Chưa hiểu đã vội quy kết phim là mô phỏng, hời hợt thì không đúng. Với “Sống cùng lịch sử”, cần phải hiểu nó không phải do đạo diễn Thanh Vân lựa chọn mà do Cục Điện ảnh lựa chọn. Đạo diễn chỉ là người chế biến thôi, và buộc phải chấp hành kịch bản ấy như chấp hành luật pháp. Không thể bóp méo, không thể thay da đổi thịt được. Nếu Thanh Vân không thực hiện nó vì như anh nói, ngay từ đầu đã biết là bộ phim khó mà có khán giả, thì ngay lập tức sẽ có nhiều người khác sẵn sàng thực hiện chứ không có chuyện thấy nó dở mà không có ai nhận. Trong bối cảnh “đặt hàng” ấy, đạo diễn có tài năng đến mấy thì cũng không thể thay đổi trọn vẹn được bộ phim.
Tôi cũng không trách móc gì đạo diễn vì phàm là tiền của nhà nước bỏ ra thì phải do nhà nước lựa chọn. Họ cần đúng chứ không cần hay như khán giả cần. Làm phim mà như lịch sử đang viết thì đúng quá rồi, đâu có gì mới mẻ nữa. Phim phải đưa đến những cái nhìn mở để khán giả cảm được chứ không phải bắt họ chỉ nhìn một hướng.
Cứ mỗi khi đến dịp kỷ niệm là có phim thì không thể vượt qua được hai tiếng tuyên truyền. Nghệ thuật mà cứ đặt vào con đường của tuyên truyền thì nghệ thuật không phải của công chúng mà là của ai đó. Chúng ta phải làm cho khán giả thích chứ không phải làm cho cấp trên thích. Nếu không thì nội dung phim sẽ luôn là sự cứng nhắc và cũ kỹ. Tôi tin là với khả năng của anh Thanh Vân và tác giả kịch bản Đoàn Minh Tuấn, nếu để các anh có sự chủ động thì phim sẽ hay hơn nhiều. Tôi đã từng làm một vài phim tuyên truyền thế này nên tôi rất hiểu, khó kinh khủng.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
21 tỉ cho một bộ phim lịch sử là quá nhỏ bé. 1 triệu đô chả là cái gì, chưa đủ để trả cát-sê cho một diễn viên nước ngoài chứ đừng nói đến chuyện làm phim. Khi làm về Điện Biên Phủ, tổ chức một đại cảnh ở trận đánh đồi A1 trong phim thì lúc đó mới thấy, tiền không là cái gì cả. Phải hiểu tận tâm là như thế. Đạo diễn làm phim trong cơ chế này khổ lắm. 21 tỉ đó không phải để làm phim hết đâu. Tôi nhớ cách đây nhiều năm, làm phim về Ngã ba Đồng Lộc, phim được duyệt 4,4 tỷ nhưng cắt lại 700 triệu để nuôi lương anh em ở nhà. Rồi còn nhiều sự “rơi rụng” khác nữa mà các nghệ sĩ không thể nói hết ra.
- Có ý kiến nói rằng, nếu 21 tỉ này mà đặt vào tay tư nhân thì phim sẽ khác. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi không tin. Đó chỉ là cách nói khiêu khích thôi.
- Với một đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh với bề dày lịch sử hàng nghìn năm nhưng không có nổi một bộ phim xứng với tầm vóc ấy. Ông có thấy đó là một nghịch lý?
- Cái đó đúng. Nói một cách công bằng thì hiếm có một đất nước nào mà lịch sử lại hay như của Việt Nam. Để trả lời cho câu hỏi này thì có 2 vấn đề: Góc nhìn của người nghệ sĩ và chìa khóa mở của nghệ sĩ đối với tác phẩm về lịch sử chưa đúng. Tức là chúng ta mới làm được cái việc là minh họa lại lịch sử thôi chứ chưa có sự sáng tạo. Ngay cả sự “minh họa” cũng không hề khách quan. Đã minh họa thì phải theo cả sáng cả tối, cho nên vì sao một thời “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh lại hay như thế vì nó có cả sáng tối. Nhưng hễ nói về phim lịch sử thì chỉ có chiến đấu và chiến thắng, còn các trận thua thì lờ đi. Như thế là không khách quan, không trung thực.
Cái thứ hai nữa là vì chúng ta quá nghèo. Nghèo đến độ không làm cái gì đến nơi cả. Mỗi dựng bối cảnh không mà cũng giả thì đừng nghĩ đến cái gì xa xôi nữa. Các phim lịch sử từ trước đến nay không có bối cảnh chiến trường nào giống hết. Làm phim chiến tranh khó ở chõ cái gì cũng đòi hỏi ở tầm đỉnh cao. Ngoài có kịch bản hay còn phải có nhiều tiền. Đồng thời với đó là vấn đề nhân lực. Nói ra thì các bạn diễn viên mủi lòng nhưng xem phim Việt chỉ vài phút là biết họ “diễn” rồi, hỏi sao khán giả không chán. Trong khi phim nước ngoài, họ diễn mà mình không biết. Vì sao có một thế hệ các anh chị diễn rất hay là vì họ đầu tư rất nhiều thời gian. Tôi nhớ có phim, NSND Trà Giang đã phải mất 6 tháng trời để học cách làm một cô nông dân, còn đây thì nhận kịch bản xong ngày mai đã thành nông dân rồi, da còn chưa kịp đen. Cách đi đứng, nói năng thì đầy chất thành thị. Cũng phải nói là ngày xưa, hễ có phim là dù có kề dao vào cổ thì cũng phải đi xem bằng được. Còn bây giờ, nhiều bạn trẻ cứ nói đùa là, với những phim tuyên truyền thì dù có kề dao vào cổ cũng không đi xem. Vì có nhiều sự lựa chọn nữa thay vì chỉ đến rạp để thưởng thức phim.
Tất cả những điều này ai cũng biết, nhưng không ai theo cả. Người ta không thay đổi, hình thức quản lý cũng dẫm chân tại chỗ, kệ. Đó là lỗi quản lý cần phải làm một cuộc cách mạng trong tư duy. Còn nếu không thì đừng làm, thuê đạo diễn nước ngoài như Trương Nghệ Mưu mà làm.
Điện ảnh Việt Nam ở mức thấp lắm nhưng nhiều người cứ hay tưởng tượng. Trong đề án phát triển điện ảnh từ nay đến năm 2020, ngành điện ảnh đặt ra tham vọng là phải đứng số 1 châu Á làm không ít người thấy buồn cười. Nói như một vở diễn mà nhiều người thuộc, đời phải biết mình là ai. Điện ảnh của mình thấp lắm, chỉ hơn Campuchia một chút thôi. Và vì thế, những phim quan trọng của lịch sử, nhà nước phải bỏ tiền thuê đạo diễn để có dấu ấn, rồi đạo diễn chúng ta đi theo. Không có gì mà phải sĩ diện cả. Phim “Đông Dương”, rồi phim về Điện Biên Phủ do Pháp sang làm, lừng lững và vô cùng cảm xúc. Nhưng mình không làm được vì sức của mình có hạn.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trên phim trường
- Như vậy là nói đi nói lại thì vẫn là câu nói muôn thủa, đổ cho cơ chế để không ai phải chịu trách nhiệm?
- Quy trách nhiệm thì hơi khó, vì nếu nói là do Cục Điện ảnh đặt hàng đạo diễn thực hiện, thế thì phải đặt câu hỏi ngược lại là, bản thân anh đạo diễn rõ là với phim này làm ra không có ai xem nhưng anh vẫn kệ. Vậy thì trách nhiệm của Hãng phim truyện Việt Nam ở đâu và nhân cách của người nghệ sĩ ở đâu khi cứ nhận bừa. Nhưng nó là cái vòng luẩn quẩn thôi.
Nhưng ở đây, kịch bản là do Cục Điện ảnh chọn thì phạt thế nào? Khán giả có xem hay không tôi không biết. Trước khi chiếu, các bác lãnh đạo ngành xem và hí hửng là rất tốt rồi thì phạt tôi thế nào được./.