Phim hoạt hình Việt bao giờ "cất cánh"?
Ngó qua các chương trình giải trí cho thiếu nhi trên truyền hình hiện nay, ta dễ dàng nhận thấy tràn ngập phim nước ngoài.
Tại các cuộc hội thảo, tọa đàm giữa các nhà làm phim hoạt hình Việt Nam- Hàn Quốc diễn ra hai ngày (9/10 và 10/10 vừa qua) tại Hà Nội, thêm một lần nữa, chúng ta thấy khoảng cách chênh lệch trong chiến lược sản xuất phim hoạt hình của hai nước.
Phim Việt nặng giáo dục, ít giải trí
Nếu như từ năm 1959 của thế kỷ trước, Việt Nam đã khai sinh Xưởng phim Hoạt hình Việt Nam (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam), đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện việc sản xuất phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, thì 55 năm sau, hãng vẫn dậm chân tại chỗ với “định mức” 12-15 phim đặt hàng của Nhà nước mỗi năm, chủ yếu là phim mang tính giáo dục và đề tài lịch sử.
Trong khi đó, chỉ trong vòng hơn 15 năm qua, Hàn Quốc từ một nước sản xuất phim theo đặt hàng của nước ngoài, giờ ngành công nghiệp phim hoạt hình của Hàn Quốc đã phát triển tới mức phần lớn phim hoạt hình phát sóng trên các đài truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng ở Hàn Quốc là hàng nội địa và phim hoạt hình của Hàn Quốc đã xuất khẩu ra một số nước trên thế giới.
Bà Lương Thị Minh Phương, Tổng giám đốc Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết: “Hãng vẫn đi theo chủ trương chính là làm phim đặt hàng của Nhà nước với những nội dung mang tính giáo dục cao, giới thiệu về truyền thống lịch sử dân tộc, bài học giáo dục cho các cháu về yêu thương ông bà cha mẹ, việc học hành...”.
Có thể điểm qua những bộ phim hoạt hình gần đây hãng sản xuất như Hào khí Thăng Long (nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội), Trần Quốc Toản, Truyện cổ Loa Thành, Mỵ Châu Trọng Thủy… Sang năm, nhân dịp kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng 8 (1945-2015), hãng được đặt hàng làm phim lịch sử về giai đoạn lịch sử 1945-1975.
Qua rồi cái thời chương trình phim hoạt hình “Những bông hoa nhỏ” phát trên đài truyền hình Việt Nam được các thế hệ thiếu nhi những năm 80, 90 háo hức đón xem mỗi tối. Nhưng đó là thời kỳ “đói văn hóa”, khi trẻ con chẳng có gì để xem, để chơi. Còn khi được lựa chọn, tình hình đã khác.
Phim hoạt hình nước ngoài làm giải trí nhiều, nhưng vẫn có tính chất giáo dục nhẹ nhàng. Nếu không thay đổi nội dung và cách thức tiếp cận, phim Việt khó cạnh tranh. Lí giải cho nội dung phim hoạt hình Việt khô cứng vì nặng tính giáo dục, ít giải trí, một cán bộ của Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết, vì là phim đặt hàng, nên hãng phải tuân thủ các qui trình từ kiểm duyệt nội dung, tới quy trình sản xuất. Nếu kịch bản đưa lên mà nhiều giải trí, ít giáo dục thì khả năng không được duyệt rất cao.
Bà Minh Phương cho biết, nhà nước đang chủ trương hãng phải thực hiện cổ phần hóa vào cuối năm 2015. Đến lúc đó, hãng sẽ phải có chiến lược kinh doanh, tăng lượng phim giải trí.
Từ làm thuê đến làm chủ
Cùng tới Việt Nam dịp này với ông Park Hong Su, Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Thông tin Gangwon là các bộ phim hoạt hình đang hot của Hàn Quốc để trình chiếu cho các khán giả Việt Nam (ngày 10/10 và 11/10 tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội), cùng với nó là các gian hàng bày bán các sản phẩm ăn theo các bộ phim Bánh mì mây, Pororo…
Không ngại ngần chia sẻ bí quyết thành công của nền công nghiệp phim hoạt hình Hàn Quốc, ông Park Hong Su khẳng định, một bộ phim hoạt hình được cho là thành công, nội dung hay mới chỉ chiếm 10% , 90% thành công còn lại phải là doanh thu từ các sản phẩm ăn theo bộ phim. Theo tiêu chí đánh giá phim hoạt hình của Hàn Quốc, một bộ phim thành công phải hội tụ hai yếu tố: được phát sóng rộng rãi và bán được nhiều sản phẩm ăn theo nhân vật hoạt hình.
Ông Park cũng không giấu giếm rằng, điều này Hàn Quốc đã học hỏi từ Mỹ, nước có nền công nghiệp phim hoạt hình sớm nhất và mạnh nhất thế giới.
Ông lấy ví dụ, hãng Walt Disney của Mỹ đã ra đời cách đây gần 100 năm, có thể giờ đây hãng không sản xuất được nhiều phim mới, nhưng búp bê hay những sản phẩm có liên quan tới biểu tượng chuột Mickey vẫn đem về lợi nhuận lớn cho hãng.
Ông Park chia sẻ, trước đây, Hàn Quốc toàn sản xuất phim hoạt hình theo đơn đặt hàng nước ngoài như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Italia. Sau năm 1990, khi Hàn Quốc vừa bước qua giai đoạn khủng hoảng tài chính. Khi đó, thị trường Hàn Quốc tràn lan nhạc phim, phim truyền hình, truyện tranh của Nhật Bản.
Lúc đó, người Hàn Quốc nghĩ nếu họ không bảo tồn được văn hóa gốc, thì rất khó chống cự được sự xâm lấn của văn hóa ngoại bang. Trong bối cảnh đó, cố Tổng thống Kim Dae Jung (nhiệm kỳ 1998- 2003) tuyên bố mở cửa, đón nhận các nền văn hóa nước ngoài.
Mặt khác, ông đưa ra chính sách kích thích ngành sản xuất sáng tạo phát triển. Ban đầu, quyết sách này của tổng thống bị dư luận phản đối mạnh mẽ.
Vậy mà 15 năm sau, tỉ lệ chiếm lĩnh thị trường phim nội địa của Hàn Quốc ngày càng tăng. Có thể nói, giờ đây hầu hết các phim chiếu trên các đài truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đều được sản xuất trong nước.
Kênh EBS (Education Broadcast Station), kênh truyền hình giáo dục mà ông Park Hong Su được mời làm giám đốc danh dự đã đưa ra chiến lược quảng bá và phát triển cho phim hoạt hình trong nước. Chính vì vậy, 100% phim hoạt hình hiện đang phát trên kênh EBS là phim Hàn Quốc.
Không chỉ tự sản xuất, giờ đây, Hàn Quốc đã có thể xuất khẩu phim hoạt hình ra nước ngoài, các hãng phim không ngần ngại bỏ tiền thuê các chuyên gia giỏi của Mỹ sang làm việc tại Hàn Quốc.
Ông Park Hong Su lấy ví dụ, từ bộ phim Bánh mì mây rất thành công ở Trung Quốc. Để có những tư vấn hữu ích cho các bộ phim hoạt hình thiếu nhi, viện của ông đã mời giáo sư tâm lý của Mỹ sang Hàn Quốc làm việc. Sự thành công của Bánh mì mây có sự góp phần không nhỏ của việc mời một đạo diễn hãng Walt Disney sang Hàn Quốc làm việc.
Về sự phát triển của công nghiệp phim hoạt hình Việt Nam, ông Park Hong Su có lời khuyên: “Việt Nam sở hữu nhiều nhân lực trí tuệ, đặc biệt các bạn có khả năng sáng tạo cũng như khả năng tham gia vào sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo rất lớn. Nếu chú trọng vào ngành công nghiệp sáng tạo, Việt Nam sẽ có một tương lai tươi sáng”./.