Phim truyền hình Việt Nam lao đao với bài toán chất lượng
(VOV) - Mặc dù có tiến bộ nhưng phim truyền hình Việt Nam vẫn rất khó khăn trong việc tìm giải pháp để nâng cao chất lượng.
Nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế phim và Công nghệ truyền hình, Hội thảo “Nâng cao chất lượng phim truyền hình” đã diễn ra chiều 20/6 tại Hà Nội với sự góp mặt của đông đảo các nhà làm phim trong nước và quốc tế.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu nhận định rằng trong 5 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt Nam đã có những bước tiến bộ đáng kể. Cụ thể như 54% phim truyền hình chiếu trên màn ảnh trong nước là phim truyền hình sản xuất trong nước. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát triển mạnh về số lượng phim, đến nay, các nhà làm phim truyền hình vẫn đang đối mặt với việc nâng cao chất lượng.
Thiếu nhân lực chất lượng
“Nhân lực lấy từ đâu?” là câu hỏi khiến các Hãng phim luôn phải trăn trở. Hiện nay, Việt Nam chỉ có hai đơn vị làm phim truyền hình được coi là chuyên nghiệp, là VFC và TFS, nhưng vẫn còn thiếu đội ngũ chuyên môn, chuyên gia trong các lĩnh vực để tạo được một ê kíp làm phim.
Thực tế cho thấy, nhân lực giống như một vòng luẩn quẩn, được nhặt từ chỗ nọ và nhảy sang chỗ kia. Tình trạng chung là các đơn vị sản xuất phim tư nhân phải thuê mướn lại đội ngũ nhân lực của các hãng phim và sự cẩu thả là điều khó tránh khỏi. Thay vì làm 1 bộ phim trong vòng 1 năm thì giờ đây, các nhà làm phim chỉ làm trong vòng vài tháng, thời gian còn lại, họ có thể tiếp tục hợp tác với các công ty làm phim tư nhân khác để kiếm thêm thu nhập. Vô hình chung, điều này khiến tốc độ sản xuất phải rất nhanh và chắc chắn khi đó “bài toán” về chất lượng có thể bị buông lỏng và không được đảm bảo.
Toàn cảnh buổi hội thảo "Nâng cao chất lượng phim truyền hình" diễn ra ngày 20/6 tại Hà Nội. |
Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải – Giám đốc Hãng phim truyền hình Việt Nam cho biết: “Chúng ta phải thừa nhận rằng hiện nay, Việt Nam chưa có nền tảng về đội ngũ làm phim truyền hình bài bản và chuyên nghiệp. Phần lớn đội ngũ hiện tại đều từ một lĩnh vực nào đó chuyển sang. Chúng ta chưa có một ngành sản xuất phim như các nước phát triển mà chỉ tồn tại những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ”.
Bên cạnh đó, phim truyền hình Việt Nam còn đang đối mặt với tình trạng các nhà làm phim thiếu kỹ năng làm việc. Mới đây nhất, “Người cộng sự” – dự án phim hợp tác giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Đài truyền hình Nhật Bản TBS, được coi là bước đi ban đầu tiếp cận với thị trường phim quốc tế nhưng khi bắt tay vào thực hiện, các nhà làm phim Việt Nam đã lộ rõ sự non nớt trong tay nghề của mình. Chính vì vậy, vấn đề của phim truyền hình Việt Nam không hẳn là thiếu kinh phí, thiếu nhân lực, mà ở chính việc thiếu kỹ năng làm phim.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhận định: “Các nhà làm phim Việt Nam thiếu kinh nghiệm trong các khâu. Khi chúng ta có nguồn kinh phí lớn thì cũng cần một đội ngũ có khả năng sản xuất ra bộ phim đảm bảo chất lượng tương xứng với số kinh phí bỏ ra”.
“Chúng ta đang rất thiếu nhà sản xuất phim truyền hình chuyên nghiệp. Bởi họ là những người biết cách tìm kiếm nguồn đầu tư, nắm rõ thị hiếu của khán giả. Hơn nữa, chính nhà sản xuất sẽ là những người vừa biết bảo vệ quan điểm sáng tác của đạo diễn, vừa biết điều phối cắt hoặc thêm cảnh phim hợp lý, hấp dẫn”- Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói thêm.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Chee Kong Cheah – Đồng sáng lập – Giám đốc bộ phận sáng tạo, đạo diễn phim (Singapore) bày tỏ: “Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc đều là những quốc gia xuất khẩu phim truyền hình mạnh vì họ có khâu tổ chức sản xuất mang tính quốc tế. Các bạn có thể học hỏi kinh nghiệm làm phim của các nước trên thế giới bằng cách mua bản quyền, kết hợp làm phim giữa nước ngoài và Việt Nam. Không thể có chuyện quay 1 hay 2 ngày là xong một tập phim”.
Công nghệ lạc hậu, yếu khâu quảng bá
Mặc dù tại buổi hội thảo, các nhà làm phim khẳng định phim truyền hình Việt Nam đã có những bước cải thiện hơn so với trước đây rất nhiều nhưng nếu đưa ra thị trường phim quốc tế, phim Việt Nam vẫn còn “lép vế” và khá lạc hậu. Trong khi nhiều nước trong khu vực đã sử dụng những công nghệ hiện đại, thu tiếng tại hiện trường thì phim truyền hình Việt Nam, đa phần vẫn sử dụng âm thanh lồng tiếng.
Bàn về vấn đề này, bà Janine Stein – Tổng biên tập Tạp chí ContentAsia (Singapore) cho biết: “Hiện nay trên thế giới, hầu hết các nước đã tiếp cận với hình thức thu tiếng tại hiện trường, nhưng ở Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được áp dụng như một thói quen. Thu tiếng tại hiện trường là một trong những bước giúp cho phim truyền hình trở nên có chất lượng hơn như phim sẽ tự nhiên hơn, bớt kịch, diễn viên diễn xuất không bị ‘ngượng’ và rất nhiều cái lợi nữa được đề cập đến mà không hề tốn quá nhiều thời gian, chi phí”.
"Bí thư tỉnh ủy" - bộ phim truyền hình thành công trong năm 2012 |
Một yếu tố khác cũng được các chuyên gia chỉ ra đó là việc thực hiện các tập phim chiếu thử. Đây là phương pháp được một số nước trong khu vực áp dụng. Theo đó, trước khi chính thức bấm máy cho bộ phim hoàn chỉnh sẽ có một tập phim thử được làm ra để giới thiệu cho các Đài truyền hình thay vì chỉ có kịch bản và miêu tả.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH BHD (Việt Nam) đưa ý kiến: “Trên thế giới, các nhà sản xuất thường mang những tập phim dựng thử đi chào hàng để các Đài truyền hình đầu tư sản xuất. Trong khi đó, chúng ta thường không bỏ kinh phí để làm thử các tập phim trước khi quay cả bộ phim dài mà mới chỉ dựa vào kịch bản hay lời giới thiệu để quảng bá phim”.
Kết thúc buổi hội thảo, dù không trực tiếp đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng phim truyền hình Việt Nam nhưng những chia sẻ của các đại diện đến từ Malaysia, Singapore lại mang tính gợi mở. Các nhà làm phim nước ngoài cho rằng nên chăng các nhà làm phim Việt Nam cần chú trọng phát triển mô hình đồng sản xuất phim truyền hình với các nước trong khu vực. Với mô hình này, chi phí sản xuất phim không những không tăng cao mà còn giúp những nhà làm phim Việt Nam phát triển những cách làm phim mới./.