Rơi nước mắt xem Hoài Linh bi thương trong phim "Dạ cổ hoài lang"
VOV.VN - Vai diễn Tư Lành của nghệ sĩ Hoài Linh trong bộ phim được chuyển thể từ vở kịch "Dạ cổ hoài lang" gây xúc động, khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.
Hoài Linh - người con xa xứ đau đáu nỗi nhớ quê
Ra mắt cách đây 22 năm và cho đến tận bây giờ, vở kịch "Dạ cổ hoài lang" của tác giả Thanh Hoàng đã làm mưa làm gió trên khắp toàn quốc và cả hải ngoại. Vở kịch ra đời trong bối cảnh Mỹ tuyên bố bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước (ngày 3/2/1994) nên càng được những khán giả từng xa xứ, hoặc có người thân xa xứ chào đón.
Sự thành công của vở kịch "Dạ cổ hoài lang" đến từ kịch bản sâu lắng, cấu tứ chặt chẽ và diễn xuất của những nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu kịch như Thành Lộc, Lê Vũ Cầu, Việt Anh, Hữu Châu, Thanh Hoàng,... Vở diễn có vài bản dựng khác nhau, nhưng điểm chung là thường chỉ có 4-5 diễn viên, hai già hai trẻ, mang đến cho khán giả những dòng cảm xúc xen lẫn giọt nước mắt xúc động.
Diễn viên Việt Anh (trái) và Hoài Linh trong vở kịch "Dạ cổ hoài lang" trước đây. |
Hơn 1.000 suất diễn từ Nam ra Bắc, rồi ở hải ngoại, gần như suất nào cũng có rất đông khán giả rơi nước mắt. Chính NSƯT Thành Lộc đã từng tâm sự rằng khi diễn "Dạ cổ hoài lang" một thời gian, anh đã khóc quá nhiều.
Vì lẽ đó, với câu chuyện được chuyển thể từ “huyền thoại của làng kịch nói”, "Dạ cổ hoài lang" được chính tác giả kịch bản kết hợp cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện. Trong hai năm tiến hành, đoàn làm phim đã có nhiều chuyến đi khắp Việt Nam, Canada, từ bờ đông sang bờ Tây nước Mỹ để casting và đi tìm, chờ đợi tuyết rơi cho các cảnh quay.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ trong buổi công chiếu ra mắt phim tại Hà Nội tối 23/3, nếu trước đây vở kịch “Dạ cổ hoài lang” được kể lại với góc nhìn của những người già xa xứ, thì giờ đây, thông qua bộ phim này, anh muốn mang đến một góc nhìn khác với tâm hồn của một người trẻ. Ngoài việc khơi gợi cảm xúc nhớ quê hương của người xa xứ thì tác phẩm còn xoay quanh mâu thuẫn giữa hai thế hệ già và trẻ, giữa những tư tưởng hiện đại tây phương và những quan niệm truyền thống Việt Nam.
Hoài Linh trong phim "Dạ cổ hoài lang" |
Bộ phim là sự kết hợp độc đáo giữa câu chuyện kinh điển và một phong cách kể chuyện đầy cảm xúc về hai người bạn tha hương. Từ những lát cắt của hiện tại, những khác biệt văn hoá Đông Tây giữa các thế hệ người Việt trong và ngoài nước, bộ phim đưa câu chuyện của hai người bạn già về với những ký ức của thời trẻ nít rong chơi, của những buổi hát đình và câu chuyện tình tay ba cảm động giữa Tư Lành, Năm Triều và Út Trong.
Đó là một Hoài Linh mới lạ, bi thương và đầy cảm xúc. Hình ảnh nam nghệ sĩ trong phim lần này hoàn toàn khác biệt. Danh hài với nụ cười thường trực giờ đây xuất hiện trong dáng ngồi “bó tay và bó cả chân”, không một giọt nước mắt nhưng ánh mắt buồn khôn tả, chiếc ghế băng trống trải hun hút tạo cảm giác chông chênh, đơn độc.
NSƯT Hoài Linh cho biết, ông Tư Lành trong phim “Dạ cổ hoài lang” là vai mà anh kỳ vọng và rất tâm đắc. Lặn lội nhiều chuyến đi sang tận Bắc Mỹ để đóng phim giữa trời tuyết với trải nghiệm bản thân nhiều năm sống ở nước ngoài cùng với cảm xúc của người đã từng hoá thân vào vai Tư Lành trong vở kịch này nhiều năm trước đây. Bên cạnh sự cảm thông và đồng cảm với tâm trạng của người sống xa quê, Hoài Linh đã cố gắng hơn cả sức mình và thực sự đã “rút ruột” trong bộ phim đầy cảm xúc này.
'Dạ cổ hoài lang' làm 'thổn thức' trái tim khán giả
"Dạ cổ hoài lang" được "thai nghén" khi nghệ sĩ Thanh Hoàng tình cờ nghe được bài hát này của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ông dồn tâm huyết để viết ra một kịch bản chứa đựng nỗi nhớ quê hương của những người già nơi đất khách dù chưa từng một lần đến Mỹ. Sau đó, vở kịch chính thức xuất hiện trên sân khấu vào năm 1994 dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Công Ninh. Kịch bản được gợi lên từ một bài hát, còn là sản phẩm dàn dựng đầu tay của đạo diễn nhưng "Dạ cổ hoài lang" lại chạm đến trái tim của rất nhiều người.
Nhiều người rơi nước mắt vì "Dạ cổ hoài lang" làm thổn thức trái tim người xem |
Cho nên, khi chuyển thể thành phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã khéo léo tạo nên nhiều nét đặc sắc, mới lạ cho bản điện ảnh như việc đoàn phim lặn lội sang tận Canada để quay những cảnh tuyết rơi chân thực nhất. Song song là phát triển phần chuyện quá khứ của bộ ba Tư Lành – Út Trong – Năm Triều từ nhỏ đến lớn với những cảnh quay làng quê Việt Nam đẹp mê hồn.
Phần âm thanh được nhạc sĩ Đức Trí trau chuốt. Bài hát "Dạ cổ hoài lang" của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xem là bài vọng cổ đầu tiên của Việt Nam, xoay quanh tâm sự của người vợ nhớ chồng lúc nửa đêm. Bài hát nổi tiếng này đã là nguồn cảm hứng cho rất nhiều ca, nhạc sĩ Việt Nam, đặc biệt là những ai yêu thích dòng nhạc quê hương, đờn ca tài tử.
Trong "Dạ cổ hoài lang" phiên bản điện ảnh, ca khúc này vẫn là trung tâm của câu chuyện và trở thành chi tiết mang tính kết nối giữa các nhân vật với nhau. Với tư cách là Giám đốc âm nhạc của phim, nhạc sĩ Đức Trí đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu về lịch sử, âm điệu và tính chất của ca khúc này để có thể xử lý nào sao cho được tròn trịa, mộc mạc, chân chất nhất nhưng vẫn làm toát lên được tinh thần của bộ phim.
Hoài Linh và Chí Tài trong phim |
"Điểm cộng" tiếp theo chính là bộ phim điện ảnh "Dạ cổ hoài lang" đã làm "thổn thức" trái tim của người xem. Hầu hết khán giả bước ra khỏi rạp, nhất là những người lớn tuổi đều rưng rưng nước mắt bởi họ đã tìm được cảm xúc một thời với nỗi nhớ quê hương và tâm tư của những người con xa quê phải chịu cảnh đơn độc đến thế nào.
Cao trào của bộ phim và khiến khán giả "nức nở" nhiều nhất chính là phân đoạn khi ông Tư Lành (Hoài Linh) trốn viện dưỡng lão về thăm nhà trong ngày giỗ của vợ, cứ ngỡ con trai và đứa cháu nội duy nhất đang chuẩn bị mâm cơm cúng giỗ, thế nhưng, ông không ngờ cô cháu gái lại chuẩn bị tiệc sinh nhật cho bạn trai, còn con trai thì bận đi làm không về được. Còn ông Năm Triều (Chí Tài) người bạn chí cốt cũng là “tình địch” từ thời thơ ấu ở quê nhà, cũng bị con cháu đưa vào viện dưỡng lão cho khỏi phiền phức đã có mặt cúng giỗ cho người con gái mà hai ông từng yêu suốt từ nhỏ đến thanh xuân./.