Sau “Kong: Skull Island”, liệu Việt Nam có thành phim trường quốc tế?
VOV.VN - Việc chưa có chính sách ưu đãi, thủ tục giấy phép lâu cũng như nhiều vướng mắc khác khiến ước mơ Việt Nam thành phim trường quốc tế vẫn còn xa.
Ước mơ Việt Nam thành một phim trường quốc tế cảm giác như có thể chạm tay ngay sau khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” về nước với nhiều hứa hẹn tốt lành tương lai. Nhưng 1 năm trôi qua vẫn chưa có gì khởi động, chưa có thêm dự án nào hay đoàn phim nào đánh tiếng Việt Nam.
Phải chăng Việt Nam đang lại thêm một lần bỏ lơi cơ hội mà không phải lúc nào cũng có thể lặp lại, bởi thời này không phải “hữu xạ tư nhiên hương” như xưa.
Một cảnh của Việt Nam trong phim "Kong: Skull Island" |
Nhìn xứ người mà ham
Nếu là “tín đồ” của các siêu phẩm Hollywood, không khó nhận ra trong “Kong: Skull Island” có một ngọn núi làm bối cảnh quen thuộc suốt 30 năm nay. Nguyên mẫu ngọn núi nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kualoa trên đảo Oahu, thuộc quần đảo Hawaii, Mỹ.
Một số phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng như “Fantasy Island” (1978-1984), “Jurassic Park” (1993), “E.R.” (1994-2009), “Lost” (2004-2010), loạt phim “The Hunger Games”, “The Last Resort” (2012-2013)… đều sử dụng bối cảnh này.
Núi “đắt hàng" vì vẻ đẹp choáng ngợp mà các nhà làm phim thế giới đều muốn có trong phim, bên cạnh đó là vì phí chi trả rất rẻ. Năm 2006, để giúp quảng bá du lịch cho Hawaii nói chung và đảo Oahu nói riêng, chính phủ Mỹ đã ra một chính sách giảm thuế lên tới 25% tổng mức chi phí sản xuất phim, nếu ekip làm phim đến ghi hình tại nơi này.
Ở châu Âu, Pháp không chỉ là kinh đô của thời trang mà còn là phim trường nhộn nhịp. Làn sóng các đạo diễn “đổ bộ” tới Pháp để làm phim bắt đầu từ cuối năm 2009 khi chính phủ Pháp quyết định giảm 20% thuế cho các dự án phim nước ngoài và sản phẩm truyền hình.
Dãy núi Kualoa được khai thác nhiều nhất trong loạt phim truyền hình “Lost” (Mất tích). |
Trước Pháp, các quốc gia châu Âu, trong đó có Anh và Đức thực hiện chính sách giảm thuế để thu hút các đạo diễn quốc tế tới nước mình làm phim. Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia trở thành điểm đến ở khu vực Đông Nam Á của các hãng phim lớn. Hàn Quốc, New Zealand đều có chính sách đãi ngộ đoàn phim quốc tế.
Thậm chí, có quốc gia còn sẵn sàng chi tiền để hình ảnh đất nước xuất hiện trong các sản phẩm bom tấn. Điển hình như Mexico chi 14 triệu USD cho hãng phim Sony Pictures để có vài phút xuất hiện bộ phim “James Bond 24 Spectre” sắp ra mắt.
Khoảng 3 năm trở lại đây, các hãng phim lớn nhất thế giới đã thống nhất đưa ra một quan điểm đầu tư điện ảnh mới. Sẽ không có chuyện các dự án triệu USD tự động đến cho các nước như trước đây mà chính các nước được chọn làm bối cảnh sẽ phải đưa ra những ưu đãi, và cam kết đặc biệt của chính phủ về chính sách thuế (tiếng Anh tạm gọi là Film Production Incentive) khi họ đổ hàng triệu USD vào nước đó để sản xuất phim.
Nước nào đưa ra chính sách ưu đãi kinh tế tốt nhất, các đoàn phim sẽ tới. Chính sách này hiện đang rất phổ biến trên thế giới (ngay cả trong nước Mỹ, mỗi bang đều đưa ra những chính sách khác nhau để lôi kéo các đoàn phim).
Ở châu Á, đã có nhiều nước tham gia. Thái Lan cũng đang chuẩn bị lộ trình để nhanh chóng gia nhập Incentive. Theo đó, từ tháng 1/2017, các tác phẩm điện ảnh nước ngoài dựng ở Thái Lan có kinh phí trên 1,5 triệu USD sẽ được hỗ trợ 15% kinh phí. Những bộ phim có diễn viên Thái Lan là nhân vật chính hoặc tham gia sẽ được hỗ trợ 3%. Các bộ phim đem lại những lợi ích đặc biệt trong việc thúc đẩy hình ảnh của Thái Lan sẽ được hỗ trợ 2%.
Khán giả Hạ Long thích thú cảnh quê hương trong “Kong: Skull Island”
Ở Campuchia, trong năm 2015 có 67 phim nước ngoài quay tại đây, còn trong năm 2016 tính đến hết tháng 9, đã có 53 phim bấm máy. Năm 2013, Campuchia đã ký Hợp tác thỏa thuận điện ảnh với Pháp, các nhà làm phim hai nước sau đó đã cho ra đời những tác phẩm “song tịch”. Đối với những dự án này, chính phủ hỗ trợ về mặt thủ tục hành chính, còn Bộ Tài chính hỗ trợ giảm thuế.
Còn Việt Nam, tính từ năm 1975 đến nay, số đoàn làm phim truyện nước ngoài chọn bối cảnh Việt Nam ghi hình chỉ đếm trên đầu ngón tay như: “Người tình”, “Đông Dương”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Hai con gái ông chủ vườn thuốc Trung Hoa”. Bộ phim đình đám của nước ngoài có bối cảnh Việt Nam gần đây nhất là “Noble” (Ireland, Anh) ra mắt vào đầu năm 2014. Và tới 2017 là “Kong: Skull Island”.
Phim trường quốc tế Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc
Còn nhớ năm 2016, hình ảnh Việt Nam được lựa chọn góp mặt trong “siêu” MV của nam ca sĩ Usher được ghi hình từ trạm không gian quốc tế ISS. Chỉ có 10 quốc gia trên thế giới được chọn để quay MV khác biệt này gồm Việt Nam, Trung Quốc, Mexico, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Czech, Australia, Nga, Mỹ.
Việt Nam cũng xuất hiện trong MV “Stronger (What doesn’t kill you) của quán quân American Idol 2002 Kelly Clarkson. Cũng năm 2016, khán giả Việt Nam đã phấn khích khi nhận ra trong số những khung cảnh mà chú bé Peter Pan bay lướt qua, có cảnh hang Én (Quảng Bình).
Nhưng, việc để Việt Nam thành phim trường quốc tế vẫn còn nhiều vướng mắc. Việt Nam chưa xem trọng tiềm năng phát triển của việc trở thành phim trường quốc tế với nhiều lợi ích về cả kinh tế, du lịch, văn hóa…
Khán giả ngỡ ngàng với hình ảnh Việt Nam trong “Kong: Skull Island”
Năm ngoái, khi đoàn làm phim “Kong: Skull Island” vào Việt Nam, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL thừa nhận, các quy định của Việt Nam khá đầy đủ nhưng chưa chi tiết được đến mức dành riêng cho những dự án đặc thù như hợp tác phim.
“Bản thân các nước có chế độ hoàn thuế rất cao cho riêng dự án phim lớn. Đó là chế độ nhập khẩu riêng cho đạo cụ phim trường khác với hàng hóa. Trong khi đó, Việt Nam thì chưa có. Khi đoàn làm phim 'Kong: Skull Island' xin phép vào Việt Nam quay phim, họ đã phải đóng thuế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Thuế mà đoàn làm phim phải đóng đó là sử dụng dịch vụ tại các di sản theo quy định hiện hành”.
Trong khi đó, cũng phim này khi quay tại Australia đã nhận được những ưu đãi như hoàn thuế 16,5% và giảm giá 30% cho bất kỳ khâu sản xuất, hiệu ứng hình ảnh công việc thực hiện ở nước này.
Ngoài việc ưu đãi về thuế không có, điều khiến các nhà làm phim nước ngoài vào Việt Nam sợ nhất là thời gian chờ đợi để có giấy phép. Không ít dự án phim bị “chìm xuồng” vì chờ duyệt không nổi. Theo Luật Điện ảnh, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nộp hồ sơ, đoàn phim mới có giấy phép.
Đã tới lúc Việt Nam cần nghĩ tới những dịch vụ phim trường để cho các đoàn làm phim thuê… Các cơ quan quản lý Văn hóa, ngành, Bộ liên quan cũng nên ngồi lại để có kế hoạch phim trường quốc tế ở Việt Nam. Được biết, “Kong: Skull Island” phần 2 có thể sẽ lại tái hợp Việt Nam vào cuối năm 2017. Mong rằng đến khi đó, nhiều chính sách mới của Việt Nam sẽ khai thông./.
Những điều chưa biết về quá trình quay “Kong: Skull Island” tại VN