"Về nhà đi con": Khán giả moi cả đời tư diễn viên ra vì đóng vai ác?
Quỳnh Nga cho biết những người căm ghét không chỉ thể hiện điều này với bản thân cô, mà còn có những lời lẽ không lịch sự với bố mẹ cô...
Việc một diễn viên đóng vai ác trong phim và những lời đồn đại về đời tư của người đó không bao giờ là cái cớ chính đáng cho hành vi nhục mạ, bắt nạt trên mạng.
Quỳnh Nga và Quốc Trường trong "Về nhà đi con" - Ảnh: VFC |
Lâu nay, chuyện khán giả nhầm lẫn giữa phim và đời, căm ghét một diễn viên vì vai diễn độc ác không phải là điều hiếm gặp. Thế nhưng, với môi trường mạng xã hội, sự căm ghét này có thể tiến thêm một bước mới: bắt nạt trên mạng.
Bắt nạt trên mạng là hành vi khó kiểm soát, khó phát hiện (nếu là tin nhắn riêng tư), khó xác minh danh tính (nếu sử dụng tài khoản ảo) và để lại nhiều tổn thương.
Mới đây nhất, Quỳnh Nga - nữ diễn viên đóng vai Nhã trong phim truyền hình Về nhà đi con - cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì vai diễn người thứ ba đáng ghét. Cô không phải là đối tượng đầu tiên và càng không phải cuối cùng.
"Xứng đáng bị xúc phạm" vì chuyện đời tư?
Cách đây gần một tuần, Quỳnh Nga cho biết những người căm ghét không chỉ thể hiện điều này với bản thân cô, mà còn có những lời lẽ không lịch sự với bố mẹ cô. Vẫn chưa rõ những lời xúc phạm mà nữ diễn viên và gia đình phải gánh chịu là như thế nào, nhưng có vẻ Quỳnh Nga bị ghét một phần vì nhân vật Nhã là kẻ thứ ba, tính tình hiểm ác, thủ đoạn.
Sau tình tiết Nhã bị Linh, bạn thân của Thư trong Về nhà đi con, thay mặt đánh ghen bằng một đoạn thoại rất "viral", Nhã lại càng bị công chúng căm ghét hơn.
Sau lời than phiền bị xúc phạm, Quỳnh Nga tiếp tục bị một cư dân mạng nhắc đến trong bài đăng công khai, cho rằng cô xứng đáng bị xúc phạm vì chuyện đời tư rắc rối. Trong bài viết, người này dùng lời lẽ nặng nề để công kích Phạm Quỳnh Nga, nhắc đến nhiều tin đồn không hay về đời tư của cô.
Có cư dân mạng cho rằng Quỳnh Nga "đáng" bị xúc phạm vì đời tư nhiều lùm xùm - Ảnh: VFC. |
Nhưng lý lẽ này không chính đáng. Cho dù chuyện đời tư của một người có như thế nào, đó vẫn không phải là lý do để người đó "xứng đáng bị xúc phạm hay nhục mạ". Trái lại, phải gọi đúng tên đó là hành vi bắt nạt.
Quỳnh Nga còn bị khán giả lấy ảnh cưới với chồng cũ ra, ghép mặt Vũ (Quốc Trường) vào mặt chồng cũ và đăng lên mạng làm trò cười. Nữ diễn viên cho biết cô buồn và chạnh lòng vì trò đùa này.
Mặt khác, một số khán giả cũng cho rằng Quỳnh Nga bị ghét vì diễn xuất chưa tốt. Nhân vật Nhã bị nhiều người ghét, nhưng người xem vẫn phân biệt được đâu là phim, đâu là đời. Các khán giả này không có thiện cảm với Quỳnh Nga vì diễn xuất của cô đuối hẳn so với dàn diễn viên giỏi trong phim.
Bị ghét và xúc phạm, còn ai dám đóng vai ác?
Lâu nay, màn ảnh Việt vẫn có những diễn viên chuyên trị vai ác, vai đểu và không ít diễn viên bị khán giả ghét lây ra ngoài đời.
Tiêu biểu có: Minh Tuấn (nổi danh với cặp ria mép đểu giả), Kim Oanh (chuyên vai chua ngoa, đanh đá, người thứ ba), Danh Thái (vai giết người, xã hội đen, đâm thuê chém mướn), Quốc Quân (vai tiểu nhân, xu nịnh), Phi Thanh Vân (đanh đá, xấu tính, lẳng lơ), Cát Tường (sắc sảo, mưu mô)...
Trong thập niên trước, Kim Oanh từng là diễn viên bị ghét bậc nhất màn ảnh nhỏ vì chuyên đóng những vai như Tuyết trong "Những ngọn nến trong đêm", Ló trong "Ma làng", hay Mây trong "Sóng ở đáy sông".
Thuý Ngân trong "Gạo nếp gạo tẻ" chia sẻ cô từng bị người lạ gọi điện khủng bố tinh thần lúc nửa đêm vì diễn vai người vợ ngoại tình kiêm người con bất hiếu quá đạt.
Ngay trong dàn diễn viên phim Về nhà đi con, Thu Quỳnh từng lâm vào hoàn cảnh này. Cô bị căm ghét khi đóng vai gái điếm Mi "sói" độc ác, thủ đoạn và khát máu trong Quỳnh búp bê. Nữ diễn viên từng bị chửi rủa không thương tiếc sau mỗi lần Mi "sói" ra tay tàn độc.
Vai ác Mi "sói" cũng từng khiến Thu Quỳnh bị ghét lây - Ảnh: VFC.. |
Điều đáng nói là hiện tượng hầu như chỉ phổ biến với phim truyền hình, với cách tư duy đánh đồng diễn viên và nhân vật của một nhóm đông khán giả.
Trong điện ảnh, diễn viên đóng vai phản diện đôi khi vẫn được khán giả rất yêu thích, phần vì nhân vật hấp dẫn và có chiều sâu, phần vì khán giả điện ảnh tách bạch được giữa phim và đời.
Khi nhận vai phản diện, thông thường, diễn viên truyền hình cũng phải đánh đổi và mạo hiểm danh tiếng của mình. Như Quỳnh Nga, cô cũng chấp nhận bản thân bị ghét lây nhưng chỉ bức xúc lên tiếng vì bố mẹ mình cũng bị ảnh hưởng.
Dù vậy đã đến lúc một bộ phận khán giả nên chấm dứt cách phản ứng cực đoan, mang tính bắt nạt và khủng bố, vì nếu không có nhân vật phản diện, có lẽ sẽ không bộ phim nào có thể ra đời./.