“Warcraft”- vượt trội về hình ảnh và kỹ xảo
Warcraft: Đại Chiến Hai Thế Giới đã ra mắt tại 58 quốc gia trên thế giới, đem về doanh thu gần 300 triệu USD
Yếu tố đóng góp thành công không thể phủ nhận của Warcraft là việc tạo dựng hình ảnh phim và xử lý hiệu ứng kỹ xảo. Thế giới trong Warcraft vừa choáng ngợp ở những đại cảnh, vừa tinh tế trong biểu cảm nhân vật. Để làm được điều này, các nhà làm phim sử dụng những công nghệ điện ảnh hiện có nhưng tiến một bước xa hơn. Ba điểm nhấn chính là: công nghệ motion capture – nắm bắt biểu cảm gương mặt, tạo hình nhân vật và thiết kế bối cảnh thực.
1. Công nghệ Motion Capture:
Xuất phát từ mong muốn tạo ra các nhân vật chân thực nhất có thể, đạo diễn Duncan Jones và giám sát hiệu ứng hình ảnh từng đoạt giải Oscar Bill Westenhofer đã đẩy công nghệ motion capture (gọi tắt là MoCap) vượt qua giới hạn thông thường. Tuy việc sử dụng kỹ thuật này từng được dùng trong một số bộ phim trước đó như “Avatar” hay “Rise of the Planet of the Apes”, nhưng chỉ tới tộc Orc trong Warcraft, sự kết hợp giữa diễn xuất của diễn viên, biểu cảm gương mặt cùng tạo hình kỹ thuật số (CGI) mới đạt tới tầm cao mới.
Đầu tiên, các diễn viên sẽ mặc bộ đồ đặc trưng màu xám bó sát, đính vô số miếng dán chứa con chíp kỹ thuật. Khi diễn xuất, sẽ có hai camera đeo cách mặt diễn viên chừng 12 cm, cùng 200 điểm cảm biến đính sẵn trên mặt nhằm thu lại từng biểu cảm nhỏ nhất: chớp mắt, nhíu mày, lưỡng lự, tức giận,… Với sự hỗ trợ của một số phần mềm, các điểm cảm biến được định hướng thu cả cử động hàm răng của diễn viên thông qua lớp da.
Để những chuyển động này được chân thực và đúng với tập tính của tộc Orc nhất, chuyên gia Terry Notary– người từng dạy các diễn viên mô phỏng cử động loài vật trong Lord of the Rings hay Dawn of the Planet of the Apes - được mời đến. Ông tập luyện cùng mỗi diễn viên thủ vai Orc, ví dụ Ngô Ngạn Tổ phải làm quen việc không được nhấc đầu gối mà phải nhấc cả chân khi di chuyển, bởi anh đóng vai pháp sư hắc ám Gul’dan – thủ lĩnh tộc Orc.
Trong tổng số 2.000 cảnh quay cần tới sự hỗ trợ của các hiệu ứng đặc biệt, có tới 1.300 cảnh xuất hiện những sinh vật Orc khổng lồ và hung dữ. Phức tạp nhất là những cảnh chiến đấu có loài Orc và loài người cùng xuất hiện, đây là lúc phát huy sự vượt trội trong kết hợp công nghệ MoCap với cảnh quay bình thường. Điển hình như cảnh trong khu rừng Elwynn, đạo diễn đặt 125 camera tại những vị trí được xác định trước – một số được gắn trên cây, một số nằm sau các tảng đá hoặc trên những cần trục… để thu lại sự xuất hiện của tất cả nhân vật ở nhiều khía cạnh. Nam diễn viên Toby sẽ khoác lên người bộ trang phục MoCap để vào vai Durotan và diễn xuất ngay bên cạnh Travis trong vai Lothar.
2. Tạo hình nhân vật:
Có rất nhiều sinh vật kỳ lạ đòi hỏi xử lý hình ảnh kỹ thuật số trong Warcraft: Đại Chiến Hai Thế Giới, nhưng tộc Orc là nhân vật chính nên cần làm chi tiết nhất và chúng cũng có lực lượng đông đảo nhất. Một Orc cao chừng 2m, nặng khoảng 200kg, có phần đầu bằng kích cỡ đầu người nên có thể kết hợp dễ dàng với công nghệ MoCap kể trên. Tuy nhiên, những chi tiết nhỏ hay thân hình đồ sộ phía dưới lại cần xử lý nhiều phần đồ họa máy tính mới có thể hoàn thiện.
Công nghệ hoạt hình được áp dụng để làm cử động cổ cho Orc, phần này không thể dùng công nghệ MoCap do kích thước cổ của Orc và của diễn viên quá khác nhau. Ngoài ra, việc làm đôi môi rộng đặc trưng với hai chiếc răng nanh to bản cũng cần sự góp sức của đồ họa máy tính học hỏi từ xưởng hoạt hình Pixar – đơn vị từng làm răng nanh cho nhân vật trong Monsters University. Trước đó, trên trường quay, các diễn viên thủ vai Orc cũng được yêu cầu nới môi của họ một chút, vừa để cảm nhận đôi môi rộng của Orc khi diễn xuất, vừa tác động vào giọng nói thu lại.
Việc tạo ra mái tóc dày, dài được bện thành nhiều lọn đặc trưng của Orc là một thử thách lớn. Xử lý lông và tóc vốn là phần cực khó trong đồ họa máy tính CGI, vậy nên các nhà làm phim phải tiến hành một loạt nghiên cứu trước khi ra được phương án cuối cùng. Họ viết một phần mềm riêng đặt tên là Haircraft, giúp tạo những ống hình trụ mô phỏng lọn tóc, sau đó mới tạo tóc bên trong.
3. Thiết kế bối cảnh thực:
Để có thể tạo ra các đại cảnh đồ sộ mô phỏng thế giới trong Warcraft, đồng thời đem tới trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ cho khán giả, một đội ngũ thiết kế sản xuất gạo cội đã tập hợp lại.
Thiết kế sản xuất Gavin Bocquet – người được đánh giá cao sau các dự án phim Star Wars chia sẻ: “Tất cả các cảnh quay trong phim đều được dàn dựng trên phim trường, đó là quyết định được đề ra ngay từ lúc mới bắt tay vào dự án. Đạo diễn muốn làm tất cả những gì có thể, rồi sau đó mới sử dụng công nghệ để mở rộng và phát triển các cảnh dựng đó nếu cần thiết. Mục tiêu đề ra là khán giả phải có cảm giác rằng chúng tôi đã tiến hành ghi hình tại hiện trường chứ không phải là dựng lên một thế giới ảo. Nhóm của tôi thiết kế và xây dựng khoảng 90 cảnh dựng với quy mô và độ phức tạp khác nhau.”
Cảnh dựng quy mô hoành tráng và tốn nhiều công sức của nhóm sản xuất chính là Khu rừng Elwynn, vốn được biết tới là trung tâm của kinh thành Stormwind. Trong quá trình nghiên cứu thực địa, nhóm làm phim tìm thấy những cây sồi với tuổi đời khoảng 600 năm tại công viên Windsor có đường kính lên tới 1m80. Họ dựng lên cả một khu rừng với sự xuất hiện của 9 thân cây khổng lồ như vậy cùng vô số các loài thực vật khác nhau. Bối cảnh này thậm chí còn đủ lớn thể ghi lại hình ảnh những người lính đang cưỡi trên lưng ngựa.
Còn với tộc Orc, chúng chủ yếu sống trong những căn lều lớn dựng ở ngoài trời. Để phản ánh lại những đặc thù của nền văn minh “du canh du cư” này, nhóm sản xuất tiến hành dựng lên những khu lều lớn với chiều rộng lên tới 15m, sử dụng những tấm bạt dệt bằng lông dê của Thổ Nhĩ Kỳ. Họ lên tận các vùng núi cao của Thổ Nhĩ Kỳ để gặp gỡ với những người thợ dệt vải làm lều ở đó, gửi mẫu cho họ rồi chuyển sản phẩm hoàn thiện tới trường quay ở Vancouver. Ngoài ra, trong căn lều của tộc trưởng Gul’dan còn gắn rất nhiều bùa chú, phần lớn được làm từ xương và tóc hay những sợi chỉ đỏ… tất cả góp phần thể hiện pháp lực cao cường mà hắn sở hữu.
Với sự đầu tư nghiêm túc và tâm huyết của các nhà làm phim, WARCRAFT: ĐẠI CHIẾN HAI THẾ GIỚI xứng đáng được ghi nhận trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ điện ảnh. Mọi thứ đều được đẩy qua mức giới hạn nhằm tạo nên trải nghiệm “mãn nhãn” nhất cho khán giả. Không chỉ vậy, bom tấn 160 triệu USD còn ghi điểm bởi phần nội dung lôi cuốn và giàu tính nhân văn, bên cạnh những chi tiết kỳ vĩ về hình ảnh và kỹ xảo./.