Độc đáo hội thi cày ruộng của đồng bào Mông Lai Châu
VOV.VN - Nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tại lễ hội xuân đầu năm năm nay, hội thi cày ruộng lần đầu tiên diễn ra đã tạo không khí giao lưu, học hỏi và kết nối cộng đồng.
Cày ruộng đầu năm của đồng bào Mông Lai Châu là việc làm thường niên, phản ánh hoạt động sản xuất truyền thống của người dân bản địa, thế nhưng việc làm đó nay đã được thay thế bằng công cụ máy móc. Nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tại lễ hội xuân đầu năm năm nay, hội thi cày ruộng lần đầu tiên diễn ra đã tạo không khí giao lưu, học hỏi và kết nối cộng đồng.

Ngay từ sáng sớm, khi các chủ trâu dẫn trâu, vác cày về cánh đồng Nậm Loỏng, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu - vùng sản xuất rộng lớn nhất của xã, đã có rất đông người dân và du khách có mặt. Hội thi cày ruộng năm nay có sự tham gia của 7 đội đến từ 7 bản của xã Sùng Phài. Các đội thí sinh tham gia hội thi đều là những người có kinh nghiệm lâu năm về cày ruộng, cùng những con trâu khỏe mạnh, cày giỏi được lựa chọn.

Khi hiệu lệnh của những người dẫn chương trình vang lên, các đội thi bắt đầu trổ tài, họ trình diễn những kỹ thuật thuần thục, từ việc điều khiển trâu cày đến việc tạo ra những đường cày đẹp. Để có được những đường cày tốt, đòi hỏi thợ cày phải có sức khỏe, kinh nghiệm điều khiển trâu đi đúng đường cày, giữ cày chắc mới có thể tạo ra những đường cày thẳng, đẹp, đúng hướng.
Ông Sùng A Pùa, bản Lùng Thàng chia sẻ: "Dân tộc Mông cày ruộng, cày nương dùng trâu, bò để cấy ruộng, để cho dân tộc mình phát triển kinh tế và tuổi trẻ có sức khỏe. Có con trâu cày thuần thục rồi thì dễ, nhưng có con không thuần thục thì bắt buộc mình phải có sức mới điều khiển được nó".

Sau tiếng hô hiệu lệnh của Ban Tổ chức hội thi, thanh niên điều khiển trâu xuất phát trong tiếng hò reo của người dân và du khách. Không khí hội thi diễn ra vui tươi, sôi động, với sự cổ vũ nhiệt tình náo nhiệt và đầy hứng khởi, mang lại những trải nghiệm thú vị cho người dân và du khách trong những ngày đầu xuân.
Anh Tạ Đức Hạnh, du khách đến từ tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Hôm nay được tham gia lễ hội cày ruộng cùng bà con ở đây tôi thấy rất là ý nghĩa. Lễ hội đã phục dựng được truyền thống sản xuất của bà con trước đây là cày ruộng bằng trâu. Bây giờ thì máy móc, công cụ hiện đại nhiều nên cũng ít sử dụng đến trâu, nên là lễ hội này rất có ý nghĩa, giúp bà con nhân dân và du khách được biết trước đây làm ruộng vất vả như thế nào".
Đây là năm đầu tiên hội thi cày ruộng được diễn ra tại vùng đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu. Hội thi không chỉ là một hoạt động mang tính chất thi đua mà còn là dịp để người dân giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi những bí quyết làm nông nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị văn hóa truyền thống làm nông nghiệp lúa nước của cha ông mình; từ đó thêm yêu và trân trọng hơn giá trị của sản phẩm nông nghiệp được làm ra từ công sức của người nông dân trong lao động, sản xuất.


Ông Tẩn A Páo, Phó Chủ tịch UBND xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu nói: "Bây giờ hiện đại hóa rồi, bà con nhân dân trên địa bàn cơ bản sử dụng máy móc để cày và sản xuất. Nên hội thi cày ruộng năm nay được tổ chức là để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời cũng là để tuyên truyền cho các cháu thế hệ trẻ biết phương thức, cách thức cày cấy nông nghiệp của cha ông".
Hội thi cày ruộng của đồng bào Mông ở Lai Châu không chỉ là hoạt động sản xuất mà còn là cơ hội để bà con gắn kết với đất đai, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của dân tộc.