Độc đáo múa sư tử mèo ngày Tết
VOV.VN - Những ngày này, khắp các thôn bản của người Tày, Nùng ở huyện Cao Lộc của tỉnh Lạng Sơn đều rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng. Âm thanh náo nhiệt ấy như xua đi cái rét ngọt miền biên viễn.
Là một loại hình nghệ thuật dân gian mang đậm bản sắc dân tộc, năm 2017, Múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Lạng Sơn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, đây vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đồng bào Tày, Nùng mỗi dịp tết đến xuân về.
Những ngày này, khắp các thôn bản của người Tày, Nùng ở huyện Cao Lộc của tỉnh Lạng Sơn đều rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng. Âm thanh náo nhiệt ấy như xua đi cái rét ngọt miền biên viễn.
Ngày tết, đội múa sư tử mèo của thôn Hợp Tân, xã Gia Cát sẽ đi từng nhà để cầu cho gia chủ năm mới nhiều sức khoẻ, ăn nên làm ra. Để chuẩn bị cho những màn múa mang ý nghĩa quan trọng ấy, đội múa gồm 8 người của thôn đã tập luyện công phu nhiều ngày qua.
Anh Hoàng Văn Biên, Đội trưởng đội múa sư tử mèo thôn Hợp Tân, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc nói: "Từ ngày bé tôi đã biết về điệu múa sư tử này rồi. Tầm 7, 8 tuổi đã đi theo các chú, các anh để xem họ tập múa cho sức khoẻ dẻo dai. Tết đến, người thì dạy múa, người thì học múa, không khí rất vui và rộn ràng".
Theo quan niệm của đồng bào Tày, Nùng, sư tử mèo là linh vật mang cả hai đặc điểm vừa mạnh mẽ như chúa sơn lâm vừa hiền lành và được thuần hoá như loài mèo. Đầu tư tử mèo hình tròn, bán kính khoảng 50cm, được làm bằng đất sét nặn rồi nung qua lửa. Sau đó, được sơn trang trí sặc sỡ với các gam màu chủ đạo là xanh, đỏ, đen, vàng, trắng với nét mặt hung dữ. Sư tử mèo có mắt to, mũi to, miệng rộng, tai nhỏ và chếch ra phía đằng sau; có râu bằng vải đỏ và đặc biệt là có 3 chiếc sừng. Cổ sư tử mèo được làm từ 3 hay 4 mảnh vải khâu lại với nhau và thường được gắn một lớp "bờm" bằng len màu xanh lá để thêm nổi bật và tạo sự uyển chuyển khi múa.
Vừa lau dọn, chỉnh trang những chiếc mặt nạ sư tử mèo, ông Nông Văn Hiện (sinh năm 1964), một trong những "lão làng" múa sư tử mèo ở tỉnh Lạng Sơn kể lại: Đam mê múa sư tử mèo từ khi còn nhỏ, ban đầu chỉ là "học lỏm", sau đó ông mạnh dạn theo học đội múa và thuần thục các động tác. Đội múa của ông thường xuyên được mời tham gia biểu diễn vào những dịp lễ tết trong làng, trong xã. Năm 1986, ông Hiện đứng ra thành lập Đội Múa sư tử thôn Hợp Tân. Từ chỗ chỉ có 18 người, nay đội múa đã tăng lên 60 người. Năm nào cũng vậy, đến độ tháng Chạp, ông lại đứng ra tổ chức tập luyện, ôn lại các động tác cho đội múa của thôn để chuẩn bị biểu diễn vào dịp tết và các lễ hội xuân.
Ông Hiện nói: "Điệu múa này đòi hỏi phải có sức khoẻ, tay múa phải dẻo mới múa được. Ai biết múa mà múa được lâu thì rèn luyện rất tốt cho sức khoẻ. Những người yếu thì sẽ không múa được vì khi cầm vào đầu con sư tử mèo điều khiển rất khó. Tay múa, chân bước đi phải phối hợp với nhau đều đặn. Tôi đi dạy hầu như các bạn trẻ đều rất thích về điệu múa này, bà con nhân dân rất ủng hộ".
Múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, chứa đựng nhiều thành tố như: âm nhạc, múa, võ thuật… Điệu múa được ưa thích vì vũ điệu vui nhộn, khoẻ khoắn, dễ học, phù hợp với tinh thần thượng võ của người Tày, Nùng. Một đoàn múa sư tử mèo gồm 8 đến 16 người, trong đó phân công người gõ trống, chiêng, người múa võ. Người múa cầm đầu sư tử và các thành viên đeo mặt nạ đười ươi, mặt khỉ, cầm trên tay binh khí như đinh ba chạc, đoản đao, kiếm... Múa sư tử có các động tác cơ bản là xuống tấn, đi đường, chào và kính bái các ngôi miếu, gian thờ. Các thành viên thực hiện bài múa võ miệng ngậm dây đỏ (gọi là Ka hòng), dùng điệu nhảy để tiến tới con sư tử rồi thắt sợi dây vào miệng linh vật. Múa sư tử mèo thường được biểu diễn vào các ngày Tết, dịp lễ mừng xuân, Tết trung thu hay lễ hội Lồng Tồng. Đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán, đội múa sư tử mèo sẽ đi từng nhà trong bản để cầu chúc cho gia chủ sức khoẻ, gia đình năm mới ăn nên làm ra và gặp nhiều may mắn.
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Lạng cho hay: "Đội múa sư tử mèo đến chào gia chủ ngày tết sẽ múa từ cửa cho đến ban thờ. Sư tử mèo ở đâu là rộn ràng tới đó, xua tan đi một năm lao động cật lực vất vả để đón chào một năm mới phát triển. Đây trở thành một nét đẹp độc đáo, không những thể hiện khát vọng về sức khỏe của người Tày, Nùng mà còn thể hiện sự tâm linh. Múa sư tử mèo không phải lúc nào cũng múa, mà chỉ múa vào các dịp lễ tết. Trước khi lấy đầu tư tử mèo xuống, thì phải cúng xin thần thánh. Thông thường người đội trưởng đội múa (tức người quản lý đầu sư tử mèo) phải thịt con gà, làm lễ xin phép thì mới mở đầu sư tử mèo và đưa đi phục vụ các lễ hội."
Múa sư tử mèo thể hiện một cách sinh động và hấp dẫn về nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng, tình cảm và khát vọng của đồng bào Tày, Nùng. Không chỉ thu nhỏ trong những bản làng ở vùng cao, đến nay điệu múa sư tử mèo đã được đưa đi trình diễn, giới thiệu, quảng bá trong các hoạt động, sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống đặc sắc này đang ngày được chính quyền địa phương quan tâm.
Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Văn hoá huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Hiện nay trên địa bàn huyện có 20 đội múa sư tử mèo. Đặc biệt trên địa bàn xã Hải Yến, đã thành lập được các đội sư tử mèo nhỏ, gồm các em từ 16 đến 15 tuổi. Cùng với đó, điệu múa sư tử đã được đưa vào dạy ở trong các trường Trung học cơ sở. Các nghệ nhân thường xuyên truyền dạy cho các em học sinh trong trường theo lịch hoạt động ngoại khoá của các nhà trường."
Tết đến, xuân về, âm thanh của trống, chiêng và điệu múa sư tử mèo mang đến niềm vui, sự huyên náo, rộng ràng cho những bản làng xa xôi ở biên giới. Là điệu múa truyền thống được lưu giữ qua nhiều đời nay của người Tày, Nùng, múa sư tử mèo giờ đây được coi là hồn cốt của người Tày Nùng, tạo nên tính riêng có của mảnh đất xứ Lạng, góp phần níu chân và hút khách du lịch thập phương./.